Bên bếp lửa bập bùng, vợ chồng Pả Khăm (còn gọi là Hồ Dã Tạ) say sưa đàn hát. Quây quần bên đôi vợ chồng nghệ sĩ là già trẻ, gái trai bản KLu. Hơn mười năm nay, người Vân Kiều ở bản Klu vẫn háo hức như buổi đầu mỗi khi hay tin: Pả Khăm "mở hội âm nhạc tại gia".
![img](https://danviet.mediacdn.vn/upload/1-2011/images/2011-03-07/1436311814-56_15_nhactruong.jpg) |
Pả Khăm và vợ say sưa đàn hát. |
“Bà mối” của tình yêu
Tuổi thơ Pả Khăm "tắm" trong không gian đắm say và linh thiêng của nhạc khúc dân tộc. Lời ru của mẹ, tiếng đàn của cha, nhịp chiêng cồng trong lễ hội đâm trâu… như rót mật vào tâm hồn cậu bé Vân Kiều.
Tình yêu âm nhạc đậm sâu theo từng ngày Pả Khăm lớn. Mỗi nhạc cụ, làn điệu dân ca... là thế giới mới mẻ đối với Pả Khăm. Lên 15 tuổi, Pả Khăm đã nổi tiếng khắp vùng bởi tài chế tác và sử dụng nhạc cụ, cùng khả năng biểu diễn các làn điệu dân ca của người Vân Kiều như: Tà Oải, Xà Nớt, Oát...
Âm nhạc cũng chính là "bà mối" cho tình yêu của Pả Khăm. Ông kể: "Trước đây, trai tráng trong bản muốn lấy được vợ phải biết đánh đàn, thổi sáo, hát điệu Tà Oải… Lần ấy, mình đánh đàn Ta lư góp vui trong đêm hội, có một cô gái say sưa hát cùng. Tiếng đàn và tiếng hát chưa bao giờ hoà quyện đến thế". Sau một thời gian tìm hiểu, Pả Khăm lấy cô gái có giọng hát trong như nước sông Đakrông về làm vợ. Bà Hồ Thị Đơn - vợ Pả Khăm bộc bạch: "Vợ chồng mình yêu âm nhạc dân tộc lắm. Bởi nó là sợi dây gắn kết nghĩa tình".
Trước, mình tìm hiểu âm nhạc dân tộc chỉ để thoả lòng say mê thôi. Sau này, mình nghĩ đến những điều sâu xa hơn: Lưu giữ và bảo tồn các giá trị âm nhạc dân tộc.
Nghệ sĩ Pả Khăm
Là Đội trưởng công an phụ trách xã, quỹ thời gian của Pả Khăm khá hạn hẹp, nhưng lúc nào rảnh, ông lại chế tác nhạc cụ, tập luyện các làn điệu dân ca.
Là "nhạc trưởng" của bản KLu, nhưng Pả Khăm chưa bao giờ bằng lòng với những gì mình có. Rảnh rỗi, ông lại đến các bản làng gần xa để học cách chế tác và sử dụng nhạc cụ dân tộc, chép lại những bài dân ca hay…
"Kho tàng âm nhạc dân tộc chẳng phải là sản phẩm của một, hai người, cũng không thể do đôi ba cá nhân gìn giữ. Điều cần nhất là chia sẻ với mọi người".
Pả Khăm vận động bà con tập chế tác và sử dụng nhạc cụ, học hát dân ca... Lo mưu sinh nên nhiều người không có thời gian đến với âm nhạc dân tộc. Ông đến các nhà, thủ thỉ với từng người về cái hay, cái đẹp của âm nhạc dân tộc; tổ chức những buổi đàn hát ở nhà mình.
Bảo tàng nhạc cụ dân tộc
Nỗ lực nối nỗ lực, ý tưởng "biến mỗi người dân bản thành một nghệ nhân" của Pả Khăm dần trở thành hiện thực. Già, trẻ bản KLu giờ đây xem âm nhạc như cơm ăn, nước uống. Bản đã có đội nghệ nhân với 20 thành viên cốt cán, do Pả Khăm làm đội trưởng. Nghệ nhân dần được trẻ hoá với 10 thành viên dưới 23 tuổi. Tuy nhiên, để duy trì "sự sống" của đội nghệ nhân chẳng hề đơn giản. Không ít lần, Pả Khăm phải bỏ tiền túi lo chuyện chỉnh sửa nhạc cụ, bồi dưỡng diễn viên tập luyện...
Nhà Pả Khăm như một "bảo tàng nhạc cụ dân tộc thu nhỏ". Ông bật mí: "Một bộ phận nhạc cụ ở đây do mình chế tác và tìm kiếm, phần lớn còn lại là của bà con nhờ giữ hộ. Mình và bà con đã thống nhất, đây là tài sản chung của bản làng".
"Bảo tàng" có khá đầy đủ nhạc cụ của người Vân Kiều: Cồng chiêng, trống, sáo khui, nhị, tăng ác, khèn bè… Các nhạc cụ này đã theo chân đội nghệ nhân đi biểu diễn phục vụ đoàn đại sứ quán Phần Lan, Hội nghị của Sở Y tế tỉnh Quảng Trị, Đại hội các dân tộc thiểu số… Hàng ngày, ông dậy sớm, lau chùi, chỉnh sửa từng cái. "Bà con đã tin tưởng nhờ mình gìn giữ các nhạc cụ quý, mình sẽ cố gắng không phụ lòng họ"- Pả Khăm tâm sự.
Ngọn lửa tình yêu âm nhạc trong lòng Pả Khăm đã truyền sang nhiều thế hệ dân bản KLu. Nhưng, người nghệ nhân này vẫn trăn trở: "Liệu đội nghệ nhân sẽ tồn tại bao lâu khi kinh phí hoạt động còn là bài toán khó"…
Tân Tuấn Hiệp
Vui lòng nhập nội dung bình luận.