Tuyên truyền chưa đến nơi, dân chọn bừa
Xã Thạch Bình (huyện miền núi Nho Quan, Ninh Bình) là xã thuộc Chương trình 135 đang thực hiện điểm việc điều tra nhu cầu học nghề của bà con. Thế nhưng, việc điều tra đã gần xong, người dân mới chọn bừa một nghề trong số danh sách nghề mà điều tra viên đưa cho.
|
Một buổi tư vấn nghề cho lao động nông thôn ở xã Xích Thố, Nho Quan, Ninh Bình. |
Chị Nguyễn Thị Lan, thôn 2 cho hay: "Vừa rồi cũng nghe loáng thoáng là sắp tới có dạy nghề cho nông dân, chứ mình cũng đâu có biết Quyết định 1956 là cái gì? Mới đây ông trưởng thôn đến khảo sát thì mình cũng đăng ký vậy thôi chứ chắc gì đã được học".
Chị Nguyễn Thị Hà, 37 tuổi (thị trấn Nho Quan), là một trong số nhiều lao động ở địa phương đang thất nghiệp, nên rất mong được đi học nghề để chuyển đổi công việc. Chị tâm sự: "Giờ được đi học nghề thì mừng quá, tuy nhiên mình cũng chưa biết nên chọn nghề gì bởi đến giờ chưa thấy ai tư vấn hay khảo sát gì cả. Tất nhiên nếu được đi học miễn phí mình cũng đăng ký".
Bà Nguyễn Thị Nguyệt, điều tra viên, trưởng thôn thôn 3 cho biết: "Hiện chúng tôi đang đến từng hộ để điều tra khảo sát. Tuy nhiên nhiều người còn phân vân, không biết nên chọn nghề nào". Bà Nguyệt cũng cho biết thêm: Do không được tuyên truyền, tư vấn trước về nghề và điều kiện phát triển kinh tế- xã hội ở địa phương thành ra nhiều người có tâm lý chọn cho xong, nhưng hôm sau thấy các địa phương có nghề mới, hiệu quả nên đòi đăng ký lại, do đó mà mức độ chính xác của các số liệu thống kê chỉ có tính tương đối.
Vừa khảo sát vừa tuyên truyền
Điều tra viên đóng vai trò tích cực trong những hoạt động ban đầu của đề án, nhưng việc tuyên truyền cũng rất quan trọng và cần làm bài bản hơn, sát với nông dân hơn thì mới đạt hiệu quả mong muốn.
Ông Bùi Văn Định -Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Nho Quan
Ninh Bình được đầu tư 20 tỷ đồng để xây dựng Đề án dạy nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956. Theo đó, ngay từ những ngày đầu tỉnh đã xúc tiến kế hoạch tuyên truyền ở 3 cấp độ cấp tỉnh, huyện và xã thông qua các phương tiện truyền thông như: Báo, đài, tờ rơi...
Đặc biệt, thông qua các điều tra viên (trưởng thôn) để vừa làm công tác điều tra khảo sát vừa làm công tác tuyên truyền. Tuy nhiên, dù đã cố đa dạng hoạt động tuyên truyền nhưng hiệu quả của nó cũng chỉ như "muối bỏ biển".
Lý giải cho sự kém hiệu quả của công tác tuyên truyền này, ông Vũ Xuân Phong - Trưởng phòng Dạy nghề tỉnh Ninh Bình cho biết: "Đúng ra muốn hoạt động điều tra khảo sát được nhanh và có hiệu quả thì hoạt động tuyên truyền cần phải đi trước một bước. Tuy nhiên do tuyên truyền bước đầu không mấy hiệu quả nên chúng tôi chỉ trông đợi vào đội ngũ điều tra viên". Trong khi đó, các điều tra viên chủ yếu là các trưởng thôn, dù đã qua tập huấn, nhưng họ còn bận rất nhiều công việc khác, mà chế độ trợ cấp lại thấp, nên nhiều người làm cho xong.
Thực tế hiện nay ở hầu hết các địa phương đều tiến hành song song 2 hoạt động vừa tuyên truyền, vừa điều tra khảo sát. Thậm chí ở một số nơi hoạt động điều tra khảo sát còn đi trước cả hoạt động tuyên truyền. Kết quả là nhiều người dân không hề biết Quyết định 1956 là gì, họ có quyền lợi như thế nào từ đề án này... Và vì vậy, họ rất thờ ơ với việc chọn nghề để học và "hoạch định" tương lai của mình.
Minh Nguyệt
Vui lòng nhập nội dung bình luận.