Nhận được công văn khẩn, Hà Nội hướng dẫn các cơ quan, đơn vị phòng, chống dịch Covid-19
Nhận được công văn khẩn, Hà Nội hướng dẫn các cơ quan, đơn vị phòng chống dịch Covid-19
T.A
Thứ tư, ngày 25/08/2021 07:11 AM (GMT+7)
Nhận được yêu cầu "khẩn" của Bộ Y tế, lãnh đạo Hà Nội đề nghị các cơ quan, đơn vị khuyến khích giảm số người đến làm việc tại đơn vị, tăng cường làm việc, họp trực tuyến, làm việc tại nhà, làm việc từ xa.
UBND TP.Hà Nội vừa ban hành Công văn số 2750/UBND-KGVX ngày 23/8, yêu cầu các sở, ban, ngành và UBND các quận, huyện, thị xã, các doanh nghiệp, đơn vị trên địa bàn triển khai phòng, chống dịch Covid-19 tại cơ quan, đơn vị.
Tại công văn này, UBND TP.Hà Nội cho biết, thực hiện hướng dẫn của Bộ Y tế về phòng, chống dịch Covid-19 tại cơ quan, đơn vị tại Công văn "khẩn" số 6666/BYT-MT, để bảo đảm công tác phòng, chống dịch Covid-19, UBND TP.Hà Nội đề nghị các đơn vị thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 do Thủ trưởng đơn vị làm Trưởng ban; thành lập các Tổ an toàn COVID của từng đơn vị gồm thành viên là đoàn viên công đoàn, Đoàn Thanh niên.
Đáng chú ý, UBND TP.Hà Nội đề nghị các cơ quan, đơn vị khuyến khích giảm số người đến làm việc tại đơn vị, tăng cường làm việc, họp trực tuyến, làm việc tại nhà, làm việc từ xa.
Đối với người lao động có nguy cơ (bộ phận lễ tân, tiếp xúc với khách hằng ngày...) thực hiện xét nghiệm virus SARS-CoV-2, sàng lọc bằng test kháng nguyên nhanh hoặc phương pháp RT-PCR hằng tuần, ít nhất cho 20% người lao động.
Đối với người lao động đi công tác, đặc biệt các trường hợp đi, đến, về từ khu vực có dịch, thực hiện xét nghiệm virus SARS-CoV-2 bằng test nhanh kháng nguyên hoặc phương pháp RT-PCR trước và sau khi đi công tác trong vòng 3 ngày (72 giờ) tính đến thời điểm đi công tác hoặc quay lại đơn vị; hoặc theo các quy định khác của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 và Bộ Y tế.
Khi phát hiện có các trường hợp F0 qua xét nghiệm sàng lọc định kỳ tại cơ quan, đơn vị, theo hướng dẫn của Bộ Y tế cần thực hiện 9 bước như sau: Kích hoạt ngay các phương án phòng, chống dịch; thông báo và phối hợp với cơ quan y tế địa phương để triển khai các biện pháp phòng, chống dịch.
Thủ trưởng đơn vị trên cơ sở ý kiến của cơ quan y tế địa phương ra quyết định phong tỏa tạm thời toàn bộ đơn vị hoặc từng tầng/khu vực làm việc/phòng, ban/vị trí làm việc có F0; thông báo cho các trường hợp F0 và yêu cầu các trường hợp F0 không tự ý di chuyển, không tiếp xúc với người xung quanh, đeo khẩu trang y tế và chờ được hướng dẫn.
Đồng thời, thông báo cho lực lượng đã được phân công để phân luồng lối đi, hướng dẫn ca bệnh di chuyển theo lối đi đã được phân luồng vào đến phòng cách ly tạm thời.
Thông báo cho đơn vị, cá nhân đã được phân công chịu trách nhiệm khoanh vùng, khử khuẩn toàn bộ khu vực có liên quan đến ca bệnh theo hướng dẫn.
Thông báo cho toàn thể người lao động đang có mặt tại đơn vị không tự ý di chuyển, nghiêm túc khai báo y tế, thực hiện 5K; phân nhóm và bố trí riêng khu vực cho các trường hợp F1, F2 để chuẩn bị lấy mẫu xét nghiệm và cách ly y tế. Sau khi thực hiện vệ sinh khử khuẩn, đơn vị tiếp tục hoạt động bình thường kể từ ngày hôm sau.
Người lao động tại nơi làm việc không có thái độ kỳ thị và phân biệt đối xử tại nơi làm việc đối với các trường hợp đã hoàn thành cách ly y tế hoặc người phải đi công tác đến các khu vực có dịch hoặc đã được điều trị khỏi Covid-19.
Nếu phát hiện bản thân hoặc người cùng làm việc, khách có một trong các biểu hiện: mệt mỏi, sốt, ho, đau rát họng, khó thở... hoặc là F0, F1, F2, thì bản thân hoặc hướng dẫn người cùng làm việc, khách hạn chế tiếp xúc với những người xung quanh.
UBND TP.Hà Nội yêu cầu các Sở, ban, ngành và UBND các quận, huyện, thị xã, các doanh nghiệp, đơn vị trên địa bàn thành phố căn cứ chức năng nhiệm vụ được giao triển khai thực hiện nghiêm nội dung văn bản số 6666/BYT-MT của Bộ Y tế để đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.