Nhẫn mái - nhẫn trống, nên vợ nên chồng

Thứ hai, ngày 14/11/2011 16:19 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Tục truyền rằng, thiếu nữ Chu-ru nào đến tuổi "cập kê" đều chuẩn bị sẵn cho mình một chiếc "nhẫn mái" (Srí Kmay) bằng bạc để khi gặp chàng trai mình thích sẽ đem ra tặng.
Bình luận 0

Nếu người con trai ấy ưng thuận sẽ đeo Srí Kmay, đồng thời lựa thời điểm thích hợp để tặng lại ý trung nhân của mình chiếc "nhẫn trống" (Srí Lcay) cũng bằng bạc trắng...

Nghệ nhân đúc nhẫn Ya Tuất ở buôn Ma-đanh, xã Tu-Tra, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng bảo rằng: "Người Chu-ru theo chế độ mẫu hệ, con cái mang họ mẹ, hôn nhân do nhà gái chủ động và đám cưới được coi là một trong những nghi lễ đời người quan trọng nhất.

img
Nghệ nhân đúc nhẫn Ya Tuất ở buôn Ma-đanh.

Con trai, con gái Chu-ru, chiếc nhẫn bạc khi họ được sở hữu không chỉ là đồ trang sức, là của hồi môn quý giá mà còn là một tín vật thiêng liêng trong hôn ước, bởi khi đã đồng ý lồng ngón tay nhau "nhẫn trống - nhẫn mái" sẽ thật khó để nói lời chia tay. Khi ấy cuộc hôn nhân thủy chung một vợ, một chồng được đặt lên hàng đầu, ly hôn bị coi là một trọng tội".

Nguyên liệu chính để tạo khuôn đúc nhẫn là loại sáp ong tốt. Người đúc dùng sáp ong nấu chảy và lấy dùi gỗ nhúng vào sáp nóng sau đó để nguội sẽ cho ra một ống sáp tròn thuôn dài. Tùy theo kích cỡ ngón tay, người ta sẽ cắt thành những chiếc khuyên tròn lớn nhỏ khác nhau để tạo hình dáng của khuôn.

Phần hoa văn trên nhẫn, được cán thành những sợi nhỏ như sợi chỉ khâu rất mảnh, cứ ba sợi sáp bện chân rếp thành một viền hoa văn. Cuống nhẫn được làm bằng sáp như đầu chiếc đũa con, dài 1,5-2cm. Mỗi chiếc khuôn bao giờ cũng đúc một lần hai chiếc nhẫn, một chiếc "nhẫn mái" và một chiếc "nhẫn trống".

Sau khi đã có dáng, nghệ nhân Chu-ru mang khuôn sáp nhúng đều vào dung dịch phân trâu đực ba tuổi hòa lẫn với đất lấy từ một nơi bí mật trong rừng để tạo ra một hỗn hợp không cháy trong nhiệt độ cao rồi đem phơi nắng cho đến khi khuôn khô hoàn toàn.

Bước tiếp theo, khuôn sáp ấy được mang đốt trên than lửa, sáp bên trong sẽ nóng chảy, phần dung dịch phân trâu còn lại sẽ tạo thành một khuôn âm bản và trên hình của khuôn này, bạc nấu chảy được đổ vào để tạo thành đôi nhẫn. Để khuôn nguội, một đôi nhẫn bạc màu nâu đất sẽ hiện ra. Nếu mang cặp nhẫn ấy bỏ vào nồi bồ kết rừng đang sôi nấu thêm vài phút thì cặp nhẫn ấy mới lên màu sáng bóng lấp lánh.

Theo những bậc cao niên có kinh nghiệm trong buôn Chu-ru, khi đúc nhẫn, củi đốt phải là loại cây rừng có tên kasiu, còn nếu đốt bằng các loại củi khác thì nhẫn sẽ bị nứt, gãy. Đặc biệt đêm trước khi đúc nhẫn, người nghệ nhân không được phép ngủ cùng vợ; 4 giờ sáng bắt đầu nấu bạc, đúc nhẫn và tới 8 giờ thì phải hoàn thành công đoạn cuối cùng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem