Nhân rộng mô hình chăn nuôi an toàn sinh học

Thứ sáu, ngày 17/05/2013 09:59 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Hiện nay, nhiều hộ nông dân Hà Nội đã mạnh dạn áp dụng mô hình chăn nuôi lợn, gà an toàn sinh học đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Bình luận 0

Hầu hết các hộ chăn nuôi lợn, gà theo phương pháp an toàn sinh học đều cho rằng, ưu thế dễ nhận biết nhất khi áp dụng cách chăn nuôi này là đảm bảo môi trường, không bốc mùi khó chịu như thường thấy ở các chuồng trại chăn nuôi khác.

Toàn bộ nền chuồng được trải bằng đệm lót sinh thái gồm mùn cưa, bột ngô và chế phẩm lên men sinh học. Lớp đệm lót này sẽ xử lý toàn bộ phân thải của lợn, gà nên chuồng luôn sạch sẽ, đảm bảo vệ sinh. Ngoài ra, người chăn nuôi phải tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp như phòng chống dịch bệnh, tiêm phòng, sử dụng thức ăn sinh học cho lợn, gà… vì vậy, lợn, gà ít bị bệnh, thịt chắc, ngon, giá cao hơn 40-50% so với lợn, gà thường.

Chị Đỗ Thị Thứ, ở xã Liên Hà, huyện Đông Anh là một chủ trang trại chăn nuôi gà an toàn sinh học với 34.000 con gà đẻ trứng, mỗi năm thu hàng tỷ đồng. Nhiều năm vừa loay hoay vốn vừa trăn trở suy nghĩ tìm cách đem sản phẩm sạch, an toàn đến người tiêu dùng nên từ chuồng trại, con giống, quy trình chăm sóc và thức ăn… gia đình chị Thứ đầu tư khép kín theo hướng vệ sinh an toàn sinh học.

Tích lũy được kiến thức nhưng chị không ngừng học hỏi, tham gia đầy đủ các lớp tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi gà do Trung tâm Khuyến nông huyện, Trạm Thú y huyện tổ chức. Hiện tính ra một ngày, chị xuất bán 18.000 quả trứng cho thị trường Hà Nội, tạo công ăn việc làm cho 8 lao động thường xuyên với mức lương 2,5 triệu đồng/tháng.

Năm 2005, gia đình ông Nguyễn Văn Phúc từ huyện Gia Lâm lên thôn Thanh Hà, xã Nam Sơn, huyện Đông Anh mua đất để phát triển kinh tế trang trại với diện tích 2.000m2 để chăn nuôi 40 lợn nái, 200 lợn thịt khép kín.

Trong 2 năm 2007-2008, được Trạm Khuyến nông Sóc Sơn, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội cho vay vốn 500 triệu đồng; đi tham quan học tập mô hình chăn nuôi lợn không chất thải tại Côn Minh (Trung Quốc) và thường xuyên được tham dự các lớp tập huấn về kỹ thuật, phòng trị các bệnh trong chăn nuôi, về quản lý trang trại, đến nay gia đình ông Phúc đã mở rộng quy mô chuồng trại.

Ông Phúc bày tỏ: “Mỗi năm, gia đình tôi đưa ra thị trường từ 100-120 tấn thịt lợn hơi, 800-1.000 con lợn giống chất lượng. Tổng thu hàng năm từ 5-6 tỷ đồng, trừ các khoản chi phí gia đình thu lãi từ 500-700 triệu đồng. Tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 5 lao động với thu nhập bình quân từ 2,5-3 triệu đồng/người/tháng”.

Hiệu quả những mô hình chăn nuôi theo an toàn sinh học rất rõ rệt về kinh tế và môi trường. Tuy nhiên, trên thực tế, người nông dân vẫn đang gặp khó khăn về vốn xây dựng chuồng trại, kỹ thuật chăn nuôi, tìm đầu ra cho sản phẩm… Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Xuân Việt đề nghị, các đơn vị thuộc Sở NNPTNT cũng như chính quyền địa phương Hà Nội cần khuyến khích các hộ chăn nuôi theo mô hình khép kín an toàn sinh học để chăn nuôi bền vững nhằm giảm thiểu tác hại từ dịch bệnh gia súc, gia cầm. Nếu mô hình này sớm được nhân rộng sẽ góp phần cung cấp nguồn thực phẩm an toàn, đảm bảo sức khỏe cho người dân thủ đô.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem