Nhận thù lao mà nói vẫn vô tư, ai tin?

Lương Duy Cường Thứ sáu, ngày 06/12/2019 15:45 PM (GMT+7)
Việc một loạt quan chức Sở GDĐT TP.HCM đã nhận thù lao hằng tháng của NXB Giáo dục khiến dư luận hoài nghi liệu có sự minh bạch hay không trong câu chuyện SGK.
Bình luận 0

Còn nhớ dạo vào năm học mới 2018-2019, trước những băn khoăn của phụ huynh về chương trình Công nghệ giáo dục, đặc biệt là tài liệu “Tiếng Việt 1 - Công nghệ giáo dục” của GS Hồ Ngọc Đại có được TP.HCM đưa vào giảng dạy trong nhà trường hay không, Sở Giáo dục Đào tạo (GDĐT) TP.HCM đã có thông tin thể hiện chính kiến rất rõ ràng là không.

Nhắc lại việc này là vì rằng trước đó, tại TP.HCM, năm học 1985-1986, chương trình thực nghiệm (sau này gọi là Công nghệ giáo dục) được sự cho phép của Bộ GDĐT đã thực hiện tại Trường Tiểu học Hòa Bình (quận 1) với quy mô 2 lớp 1. Sau đó tiếp tục thực hiện và chuyển về Trường Tiểu học Thực nghiệm quận 1 (nay là Trường Tiểu học Văn Hiến) từ năm học 1986-1987 cùng một loạt các trường tiểu học khác như Lương Định Của (quận 3), Bàu Sen (quận 5), Đinh Tiên Hoàng (quận 9), Lê Văn Sĩ (quận Tân Bình), dạy cả hai môn Tiếng Việt và Toán từ lớp 1 đến lớp 5, sau thêm môn Giáo dục lối sống. Đến năm 1989-1990, chương trình được triển khai đến nhiều trường khác trong toàn thành phố (trừ quận 4) trên tinh thần tự nguyện, không bắt buộc cho học sinh lớp 1 với chủ yếu là môn Tiếng Việt.

Thời điểm đó, dư luận đã nhiều đồn đoán về cái gọi là “tinh thần tự nguyện, không bắt buộc”. Bởi gọi là không bắt buộc, nhưng với việc Bộ GDĐT ghi rõ “đã tổ chức thẩm định” trong văn bản số 3877/BGDĐT-GDTH ngày 22/8/2017 về triển khai dạy học Tiếng Việt lớp 1 theo tài liệu Công nghệ giáo dục, và nhấn mạnh đã tổ chức thẩm định vòng 2 trong văn bản số 3674/BGDĐT-GDTH ngày 22/8/2018 về triển khai dạy học môn Tiếng Việt lớp 1 - Công nghệ giáo dục năm học 2018-2019, thì nhiều người đánh giá là không khác gì “bật đèn xanh”. Và đương nhiên các sở GDĐT, rồi các nhà trường rất khó để dám mạnh dạn nói “không”.

Dù vậy, TP.HCM đã nói không với tài liệu Công nghệ giáo dục. Lập luận của lãnh đạo Sở GDĐT đưa ra nghe rất thuyết phục, rằng do xét thấy việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28/11/2014 của Quốc hội khóa XIII (sau này có thêm Nghị quyết số 51/2017/QH14 ngày 21/11/2017 của Quốc hội khóa XIV và Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 18/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ) về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông đã gần kề, việc để giáo viên tiếp cận với chương trình khác trong khi dự kiến chương trình giáo dục phổ thông sắp ban hành là chưa phù hợp. Động thái của này của ngành GDĐT TP.HCM khiến nhiều người nghĩ đến tinh thần trách nhiệm cao của lãnh đạo sở này với việc học của con em thành phố.

Nhưng mới đây, với việc NXB Giáo dục đã chi và một loạt quan chức của Sở GDĐT TP.HCM đã nhận thù lao hằng tháng từ năm 2015 đến nay liên quan đến bộ SGK “Chân trời sáng tạo” được sử dụng trong hệ thống của ngành giáo dục  TP.HCM, thì dư luận lại có lý để nghĩ khác. Cụ thể ở đây chính là sự hoài nghi (mà hoài nghi rất có lý), rằng liệu có sự minh bạch hay không trong câu chuyện SGK?

img

2 quyết định của NXB Giáo dục về việc thành lập và trả thù lao cho Ban chỉ đạo biên soạn bộ SGK miền Nam gồm nhiều lãnh đạo Sở GDĐT TP.HCM

Trước thông tin rất nhạy cảm này, ông Nguyễn Văn Hiếu - Phó giám đốc Sở GDĐT TP.HCM, đã trả lời trên báo chí rằng đó không phải là thù lao trong việc phát hành sách, mà là thù lao do Sở hỗ trợ NXB về công tác chuyên môn, tổ chức đội ngũ tác giả, chuyên gia tư vấn… trong quá trình biên soạn bộ SGK mới.

Nó là khoản chi gì, hợp pháp và minh bạch không, thì chỉ những quan chức của Sở GDĐT TP.HCM đã trực tiếp thụ hưởng và NXB Giáo dục là biết. Nhưng phụ huynh nói riêng và dân tình nói chung thì chắc là khó tin nó sẽ không hệ lụy gì đối với việc đưa sách của NXB Giáo dục vào tiêu thụ trong hệ thống ngành giáo dục TP.HCM - thị trường tiêu thụ SGK lớn nhất nước.

Khó tin là bởi cán bộ của ngành GDĐT có quá nhiều việc phải làm, lấy đâu thời gian để có thể “hỗ trợ NXB về công tác chuyên môn, tổ chức đội ngũ tác giả, chuyên gia tư vấn… trong quá trình biên soạn bộ SGK mới”? Và liệu quan chức của ngành GDĐT TP.HCM có sẵn sàng hỗ trợ tất cả các NXB hay đầu mối được phép biên soạn SGK như chủ trương mới bây giờ, hay chỉ hỗ trợ riêng cho NXB Giáo dục? Mà nếu có triển khai những việc như thế thì nó cũng là công việc của ngành giáo dục, nên ngành phải chi tiền ra mà làm, chứ không phải dùng tiền của doanh nghiệp. Đã dùng tiền của doanh nghiệp thì làm sao dám sẽ nói KHÔNG với sản phẩm của họ, như từng nói không với tài liệu Công nghệ giáo dục?

Dân làm ăn thì cứ nôm na nói thẳng rằng cái gọi là “thù lao” ấy,  thực ra phải gọi là khoản lobby mới đủ ý nghĩa của nó. Cuộc đua vào trường học của các đối thủ trong câu chuyện SGK là vô cùng khốc liệt, và dù NXB Giáo dục có vô cùng nhiều lợi thế cũng vẫn phải biết “lễ độ” với thị trường. Cho nên, có gì lạ đâu, và cũng chẳng thiệt đi đâu, khi chấp nhận những khoản chi này nọ, có tốn kém chút thì nó cũng nằm trong giá sách, mà giá sách thì phụ huynh gánh chứ việc gì phải lo.

Mà ở nước mình thì lâu nay nó vậy. Nhiều người nói thẳng cứ có dự án là vui. Dự án như “chùm khế ngọt” để “A-B trèo hái mỗi ngày”. Cũng bởi thế mà lắm công trình chưa kịp đưa vào sử dụng đã hỏng, thậm chí chưa được cấp phép vẫn thi công ầm ầm. Nhưng chuyện của giáo dục thì khác, người ta sợ chuyện lobby trong “ma trận” SGK, vì hệ lụy của nó có thể làm hỏng nhiều thế hệ tương lai.

Chuyện SGK rốt cuộc vẫn khó có thể bớt lo. Vì dù cơ chế đã được thay qua đổi lại, dù ngành giáo dục vẫn luôn nêu cao khẩu hiệu công khai, minh bạch, bình đẳng, dù đã có cơ hội để nhiều đầu mối tham gia biên soạn SGK để chống độc quyền, thì rốt cuộc xem ra nó vẫn cứ… rất tù mù.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem