Nhập khẩu thịt lợn dịp cuối năm: Cần cân đối hài hòa lợi ích

Trần Quang Thứ bảy, ngày 23/11/2019 10:13 AM (GMT+7)
Đó là quan điểm của một số chuyên gia, chủ trang trại, người tiêu dùng khi chia sẻ về thông tin Chính phủ sẽ cho nhập khẩu thịt lợn để ổn định thị trường và bù đắp sự thiếu hụt mặt hàng thịt lợn, phục vụ nhu cầu tiêu dùng những tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán sắp tới gần.
Bình luận 0

Bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng

Theo PGS - TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), hiện giá lợn hơi đang ở mức cao nhất từ trước tới nay. Do hiện nay dịch tả lợn châu Phi vẫn chưa thể ngăn chặn, chưa có vaccine phòng bệnh và thuốc chữa nên người chăn nuôi cũng rất e ngại, không dám tái đàn ồ ạt, dẫn tới cung - cầu mất cân đối.

Ông Long cho biết, người nuôi lợn (còn sót lại) lúc này đang thu được lợi nhuận cao nhưng cũng phải thận trọng, bởi vì lợi nhuận càng cao, nhu cầu tái đàn càng lớn. Nếu để xảy ra tái đàn ồ ạt, sẽ lại dẫn đến cung nhiều cầu ít.

“Nhà nước cần phải có các giải pháp kịp thời để bình ổn giá, có thể cho nhập khẩu thịt lợn. Nếu để giá lợn lên cao quá, các mặt hàng khác cũng sẽ tăng theo, gây ảnh hưởng tới đời sống của người dân, trực tiếp là những người có mức thu nhập thấp trong xã hội”- PGS-TS Ngô Trí Long nói.

img

Dây chuyền giết mổ, đóng gói sản phẩm thịt lợn hiện đại của Masan tại Hà Nam. Ảnh:  Trần Quang

Còn theo chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy, Việt Nam đã và đang đứng vào chuỗi tiêu dùng toàn cầu, đương nhiên phải cho nhập thịt lợn - đây là quyền của người tiêu dùng được hưởng giá rẻ. "Vừa qua thực chất giá lợn hơi tăng cao và đã bị mất kiểm soát, chứ không như Bộ NNPTNT nói là giá tăng do tâm lý, người dân rồi thương lái ém hàng" - ông Thủy nói.

Theo ông Thủy, từ nay đến Tết Nguyên đán, ước tính chúng ta sẽ cần nhập khẩu khoảng 17.000 - 19.000 tấn thịt/tháng. Trong khoảng thời gian này, đàn lợn thịt cung ứng ra thị trường chủ yếu vẫn ở trang trại, nông trại vừa và lớn, các tập đoàn chăn nuôi lớn. Nếu muốn tái đàn phải chờ khi sạch dịch bệnh.

Phải thực hiện cam kết về giá bán

Đồng tình với ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ về việc sẽ cho nhập thịt lợn tại cuộc họp với một số bộ, ngành liên quan tại Hà Nội ngày 18/11, ông Trần Văn Chiến - Giám đốc HTX Dịch vụ và Chăn nuôi Cổ Đông, thị xã Sơn Tây (Hà Nội) cho biết: "Cuộc họp quan trọng này tôi cũng được tham dự và tôi rất đồng tình với ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng. Ước tính từ nay đến Tết Nguyên đán, chúng ta sẽ thiếu khoảng 200.000 tấn thịt lợn nên việc cho nhập khẩu cũng là để phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng và đảm bảo thị trường ổn định hơn".

Diễn giải thêm về vấn đề này, ông Chiến cho biết, thời gian đầu mới xảy ra dịch tả lợn châu Phi ở trong nước, người tiêu dùng quay lưng với thịt lợn (do lo sợ dịch bệnh) làm giá lợn hơi và giá lợn thịt giảm sâu. Khi ấy Bộ Công Thương đã có ý kiến cân nhắc việc cho nhập thịt lợn là rất không ổn.

"Lúc đó, thị trường trong nước cung đang vượt quá cầu, người chăn nuôi lại không bán được sản phẩm thì nhập về sẽ càng làm cho thị trường bất ổn, làm hại người sản xuất"- ông Chiến khẳng định. Tuy nhiên theo ông Chiến, để hài hòa lợi ích giữa người sản xuất, người tiêu dùng và doanh nghiệp trong lưu thông, phân phối thì các bộ, ngành liên quan, đặc biệt là Bộ Công Thương phải có kịch bản, tính toán cân đối hợp lý, tránh tình trạng nhập ồ ạt về bán giá "trên trời".

Ông Chiến góp ý thêm: Bên cạnh việc nhập thịt, Bộ cần phối hợp với các tỉnh tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ hợp lý để người dân chuyển đổi từ chăn nuôi lợn sang gia cầm, bò... nhằm giúp bà con sớm ổn định sản xuất. Và để nhanh chóng hồi phục nghề chăn nuôi lợn, nhà nước cần có quy hoạch, lựa chọn những vùng đất phù hợp về điều kiện tự nhiên, thuận lợi trong khâu xử lý môi trường mới cho phép lập trang trại nuôi lợn.

Bà Phạm Thị Mừng, một người tiêu dùng ở huyện Thanh Liêm (Hà Nam) cho biết, thời gian này giá thịt lợn đang tăng quá cao, nhiều người không dám mua về ăn thường xuyên như trước. "Việc cho nhập thịt lợn là hợp lý, nhưng các doanh nghiệp nhập khẩu cũng phải lựa chọn nhập thịt đảm bảo chất lượng. Đặc biệt cần niêm yết công khai với giá hợp lý thì người tiêu dùng mới thực sự được hưởng lợi" - bà Mừng bày tỏ.

Trước khi nhập, Bộ Công Thương phải cho các doanh nghiệp, công ty nhập khẩu tiến hành cam kết lượng nhập và giá bán hợp lý (phù hợp với túi tiền của người tiêu dùng trong nước, nhất là đối tượng có thu nhập thấp). Nếu đơn vị nào không cam kết hoặc cam kết mà vi phạm quy định thì không cho nhập và phải giảm sát, kiểm soát, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm".

Ông Trần Văn Chiến

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem