Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, những năm qua ngành chăn nuôi của nước ta có bước tiến lớn, trong đó có thành tố hạt nhân là các doanh nghiệp.
Tuy vậy, về cơ bản, hộ chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn còn phổ biến, điều kiện đảm bảo an toàn sinh học yếu nên nguy cơ lây lan dịch bệnh cao.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường họp với các doanh nghiệp bàn giải pháp phòng chống dịch tả lợn châu Phi.
"Ngay khi dịch tả lợn châu Phi xuất hiện tại Trung Quốc, Chính phủ, Bộ NNPTNT đã chỉ đạo rất quyết liệt, xây dựng kịch bản phòng chống cụ thể, tổ chức 4 hôi nghị ở 4 vùng, tổ chức diễn tập. Chúng ta có ý thức sớm ngay từ đầu nhưng do đặc điểm của chủng virus rất mới, cực kỳ đặc hữu cho con lợn; lây lan nhanh và nguy hiểm nên đến nay dịch có nguy cơ lan rộng" - Bộ trưởng Cường nói.
Đến nay, dịch chủ yếu xảy ra ở các hộ nhỏ lẻ, lan nhanh bằng nhiều con đường. Từ thực tiễn tại các địa phương, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhận định, nếu đảm bảo an toàn sinh học một cách tổng thể thì sẽ giữ được. "Dù vậy, kể cả các trang trại lớn, doanh nghiệp cũng không được chủ quan vì tại Trung Quốc, đã có trang trại quy mô 70.000 con, tiêu chuẩn châu Âu bị mắc bệnh" - Bộ trưởng nhấn mạnh.
Lực lượng thú y tiêu hủy lợn bị dịch tả lợn châu Phi. Ảnh: I.T
Từ thực tế này, Bộ trưởng yêu cầu các trang trại lớn, các doanh nghiệp bằng giá nào cũng phải giữ cho được đàn lợn, vì đây là hạt nhân giữ lợn giống. "Nhiệm vụ sống còn là phải giữ đàn nái không nay mai không có lợn để tái đàn. Ai giữ được đàn nái qua đợt dịch chắc chắn sẽ thắng" - Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng yêu cầu các doanh nghiệp tìm giải pháp bình ổn thị trường, làm sao để người tiêu dùng không quay lưng với thịt lợn. "Nếu người tiêu dùng quay lưng với thịt lợn thị trường sẽ rối loạn" - Bộ trưởng cảnh báo.
Theo báo cáo của Cục Thú y, đến ngày 26.3, dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 476 xã, 91 huyện của 22 tỉnh, TP (Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng Thanh Hóa, Hà Nội, Hải Dương, Hà Nam, Hòa Bình, Điện Biên, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Ninh Bình, Nam Định, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Sơn La, Nghệ An, Bắc Ninh, Thừa Thiên – Huế, Lai Châu, Bắc Giang và Quảng Trị). Đã có 73.000 con lợn bị tiêu hủy. Đến nay, chưa có ổ dịch nào qua 30 ngày.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.