Nhập siêu tháng Năm tiếp tục lập kỷ lục

Thứ năm, ngày 26/05/2011 05:57 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Dù các cơ quan chức năng đã đưa ra hàng loạt biện pháp hành chính để hạn chế nhập khẩu, song nhập siêu tháng 5.2011, theo công bố của Tổng cục Thống kê, đã đạt 1,7 tỷ USD - mức cao nhất hàng chục tháng qua.
Bình luận 0

Theo Tổng cục Thống kê, trong tháng 5.2011, kim ngạch xuất khẩu của cả nước chỉ đạt khoảng 7,5 tỷ USD thì kim ngạch nhập khẩu (KNNK) đã lên tới 9,2 tỷ USD, tăng trên 3% so với tháng trước. Như vậy, nhập siêu tháng 5 đã đạt mức kỷ lục là 1,7 tỷ USD, cao nhất kể từ đầu năm 2010 đến nay. Tháng 4.2011, nhập siêu của cả nước đạt hơn 1,4 tỷ USD và đã bị cho là "đáng báo động".

img
Nhập khẩu ôtô tháng 5.2011 tăng gấp đôi mức tăng chung.

"Siết" vẫn tăng...

Trong tháng 5, Bộ Công Thương đã liên tục ban hành các văn bản được cho là mang tính hành chính để "siết" chặt thêm việc NK các mặt hàng không cần thiết và xa xỉ như chỉ cho phép các mặt hàng mỹ phẩm, rượu, điện thoại di động nhập về qua 3 cảng biển; hay việc yêu cầu các doanh nghiệp NK ô tô phải nộp bổ sung giấy ủy quyền... Song bất chấp các văn bản và các giải pháp kiềm chế nhập siêu kể cả bằng thuế, phí... xu thế nhập siêu tiếp tục tăng liên tiếp từ đầu năm đến nay và tháng 5 đã tăng lên ở mức rất cao.

Tính từ đầu năm đến nay, cả nước mới thu về khoảng 34,75 tỷ USD từ xuất khẩu thì đã phải bỏ ra tới 41,34 tỷ USD để NK. Một chuyên gia của Bộ Công Thương cho biết, NK tháng 5 tăng mạnh vẫn có nguyên nhân khách quan là do giá cả các mặt hàng trên thế giới còn trong xu thế tăng.

So với năm ngoái, KNNK 5 tháng đầu năm nay cũng đã có sự tăng mạnh ở nhiều mặt hàng như bông, sợi dệt, ô tô nguyên chiếc, xăng dầu... Nhiều mặt hàng khác cũng đều tăng quanh mức 20-40%. Nhập khẩu ôtô có tốc độ tăng cao gấp hai lần mức tăng chung. Mặc dù xe nguyên chiếc thuộc diện không khuyến khích nhập, nhưng kim ngạch nhập khẩu 4 tháng qua lại bằng 175,2% so với 4 tháng đầu năm ngoái, tức là tăng 75,2%.

Sớm có giải pháp căn cơ

TS Nguyễn Minh Phong (Viện Kinh tế xã hội Hà Nội) cho rằng, nhập siêu tăng mạnh trong tháng 5 không khó lý giải. Bởi đây là chu kỳ doanh nghiệp tranh thủ nhập hàng về dự trữ để cân đối cung-cầu trong nước. Nhưng rõ ràng, nhập siêu tiếp tục tăng trong thời gian tới sẽ dẫn tới nguy cơ mất cân đối cán cân thanh toán; tiếp theo là làm giảm năng lực sản xuất ở trong nước. “Nhập siêu về lâu dài và sẽ là nguy cơ làm mất ổn định kinh tế vĩ mô nếu chúng ta không sớm có các giải pháp giảm nhập khẩu một cách căn cơ..."-ông Phong nói.

Phần lớn các mặt hàng NK hiện nay đều nằm trong lộ trình giảm thuế khi chúng ta hội nhập nên không thể ngăn cản chúng tràn về VN. Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, chỉ khi nào VN có các hàng rào về tiêu chuẩn, kỹ thuật thì mới có thể kiềm chế NK. Còn hiện nay, theo ông Doanh, việc cứ đưa ra danh mục hàng hạn chế nhập với hàng không khuyến khích nhập cũng chỉ là "tự hô hào", còn trên thực tế không thể giúp ngăn chặn NK.

Muốn hạn chế nhập siêu thì phải có giải pháp mạnh để hạn chế việc nhập hàng xa xỉ, bởi đây là nguyên nhân khiến nhập siêu tăng mạnh. Đã đến lúc Nhà nước phải đánh thuế thật cao với nhóm mặt hàng này. Hiện quy định của WTO không cấm ta đánh thuế cao.

Các chuyên gia đã đề xuất việc phải đánh thuế tiêu thụ thật cao với các mặt hàng hạn chế tiêu dùng, hạn chế NK... Theo ông Phong, có một giải pháp khá tốt, đó là chúng ta cần sớm bãi bỏ việc hoàn thuế 10% với hàng nhập vào khu chế xuất, khu biên mậu tự do. Bởi việc hoàn thuế này chỉ khiến cho các đối tượng gian lận, trốn thuế, nhập lậu và NK nhiều hàng hóa về VN nhưng chúng ta vẫn chưa thực hiện.

Bộ Công Thương cũng nhiều lần thừa nhận: Việc hạn chế nhập siêu hiện nay vẫn đang trong tình trạng đối phó theo kiểu "vừa làm, vừa thử nghiệm". Các biện pháp như hạn chế cấp ngoại tệ để NK, tăng thuế tiêu thụ đặc biệt... dường như đều không ngăn được dòng hàng tiêu dùng không cần thiết tràn về.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem