Sau 4 đợt giãn cách xã hội, lúc cao điểm là gia đình cách ly với gia đình, đường phố hầu như không một bóng người, hôm nay sẽ trở lại vẹn nguyên là một Hà Nội đầy sức sống.
Mấy ngày nay, từ hôm nới lỏng giãn cách, khắp các phố quanh khu nhà - vùng vàng - sự tấp nập đã quay trở lại. Không để phí một giờ nào, chỉ cần qua 12h trưa 16/9 là đường phố rộn rã hơn, hàng quán sáng đèn ngay tối hôm ấy. Chốt chặn vào ngõ vẫn nguyên nhưng đường chính đã đông vui.
9h tối, thấy vợ chồng anh chị bán xôi gần nhà ngồi cọ rửa nồi ngay trên vỉa hè, vừa cọ vừa cười nói hồ hởi. Hàng loạt biển hàng rực rỡ, nhấp nháy tự tin, kiêu hãnh, cửa quán ăn rộng mở, dù mới chỉ là được bán mang về, như một dấu hiệu hồi sinh mạnh mẽ.
Thế nhưng em gái gọi điện. Nhà mẹ ở quận Đống Đa, vẫn là vùng đỏ. Em đi chợ, các đường phố vẫn im lìm không mấy người đi, các cửa hàng vẫn đóng chặt.
Nhìn cảnh đó, thấy như xa lắm rồi, dù chỗ mình cũng vừa mới hôm qua.
Bởi mình đã quen với một Hà Nội đông đúc, rộn rã, một Hà Nội tắc đường. Đó mới là một phần của mình từ rất rất lâu nay, mới là ký ức quen thuộc.
Còn những tháng ngày giãn cách, 2 tháng của mùa hè năm nay, và cả mấy tuần cuối xuân năm ngoái nữa, vắng lặng, có lúc ảm đạm, có lúc lo đến nghẹt thở, vẫn không quen được với hiện trạng ấy.
Sáng này Hà Nội bỏ giấy đi đường.
Việc đi lại tưởng như là quyền đương nhiên của mỗi người, nhưng con virus vô hình đã khiến giao lưu, giao thương bị đóng băng. Nhiều thành phố trên thế giới có lúc đã như thế, Hà Nội cũng đã như thế. Rồi tờ giấy đi đường gây bao hệ luỵ, phiền toái.
Bỏ giấy đi đường không chỉ là bỏ đi một thủ tục hành chính, mà cùng với hàng triệu mũi tiêm đầu đã phủ kín cho người Hà Nội trên 18 tuổi, là cởi bỏ sự hoang mang, sợ hãi, để sống chung với Covid-19 một cách bình tĩnh, khoa học hơn.
Hôm trước, em trai một người bạn, là bác sĩ, đã vào TP. HCM chi viện chống dịch, cảnh báo, chủng Delta nguy hiểm hơn nhiều. Nó làm tổn hại không chỉ phổi, mà có thể cả các cơ quan khác của người bệnh nếu không được điều trị kịp thời, nên nguy cơ tử vong lớn. Bỏ giãn cách nghĩa là vẫn phải 5K, đừng để nó xâm nhập tấn công.
Bỏ giãn cách thì sẽ làm gì? Trời ơi bao thứ cần làm.
Không hề thèm một món ăn gì dù đã 2 tháng không được thử. Bánh cuốn, bún chả, hay phở Hà Nội trứ danh, món chè ngọt dịu, thậm chí là một buổi cafe vỉa hè trong "tiết mạnh thu", cũng không thấy thèm ấy. Những ngày giãn cách, tự mình đã trở thành một người nấu phở vĩ đại trong mắt bọn trẻ con, hai đứa ôm tô phở mẹ nấu xuýt xoa hít hà, đứa nào cũng đánh hai bát.
Hết giãn cách sẽ về ông bà ngoại. Cho hai đứa về thăm ông bà sau gần 2 tháng không gặp, dù chỉ cách nhà ông bà 20 phút đi xe máy. Mỗi lần gọi điện, ông bà đều bảo nhớ hai đứa quá rồi. Lần nào gọi điện, con bé con cũng nói bà ơi con muốn mua con chó, và bà ngoại lại kêu lên trong điện thoại không nhé, lông chó dị ứng, có cả Covid-19 nữa, nó biết vậy nhưng vẫn thích trêu bà.
Hết giãn cách sẽ đi mua sách giáo khoa cho con bé cho đầy đủ. Anh lớn đăng ký ở trường, mẹ đã qua trường lấy sách. Cô bé con, mẹ bảo, để hai mẹ con ra hiệu sách tự chọn cho vui. Thế mà hiệu sách đóng cửa ngay từ khi bắt đầu giãn cách. Lúc đó đã ra hiệu sách định mua thêm vài cuốn truyện, một hai cuốn luyện tập Toán mùa hè. Sách lẽ ra nên xem là hàng thiết yếu, có thể an ủi con người đi qua những ngày ngồi yên chứ nhỉ. Châu Âu cũng thế mà, đóng cửa hầu hết các dịch vụ nhưng hiệu sách vẫn được mở cùng siêu thị.
À, cần phải mua ít quần áo mới cho bọn trẻ con nữa. Hai tháng không được vận động, bạn nào cũng lớn hẳn lên, những cái áo phông của mùa hè năm trước cũn cỡn hẳn. Đồ mùa thu cũng gần như phải mua mới. Đồng phục năm học mới chưa có dù có tháng 11 mới được trở lại trường.
Có lẽ phải đi cắt tóc. Tóc dài hẳn, châm vào mắt vướng víu khó chịu. Và làm mình già đi cả mấy tuổi. Hôm nới lỏng vùng xanh vùng đỏ vùng vàng tuần trước, thấy hiệu cắt tóc chưa được mở, đã đứng trước gương tự xoẹt cái mái, có hơi nham nhở nhưng lại thấy vui vui vì cũng trẻ ra được chút nào. Giờ sẽ phải đi sửa sang lại, mới cả tóc, mới cả suy nghĩ.
Phải rẽ vào thăm bà bác. Bác nhiều tuổi rồi, mệt mấy tháng nay, cứ lần lữa chưa qua thăm bác thì giãn cách. Rồi một người bác khác trong họ mất, không đi đưa tang được, giờ cũng phải qua thắp nén hương và chia buồn với các anh chị họ. Dịch bệnh khiến cuộc ra đi cuối cùng của người ta cũng thành buồn bã cô độc làm sao.
Phải chạy lên cầu Long Biên hóng gió nữa. Hít căng lồng ngực cái mênh mông phơi phới của sông Hồng, hưởng chút nắng chiều oi ả cuối mùa, phơi mình cho ấm áp sau nhiều ngày cớm nắng và bức bối. Sẽ tranh thủ mua mớ rau, quả đu đủ, mấy bắp ngô của bà con trồng dưới bãi. Và nếu may mắn sẽ mua được mớ cá bống, cá ngạnh sông còn tươi rói.
Hôm nay đúng rằm tháng Tám. Tết Trung thu. Sẽ không thể cho bọn trẻ con đi chơi Trung thu Hàng Mã buổi chiều buổi tối, nhưng ban ngày sẽ tranh thủ rẽ qua mua cái đèn ông sao về cắm như cắm hoa trang trí. Bánh cũng chẳng ai thích ăn nữa, giờ đầy đủ quá rồi.
Chỉ cần nghĩ đến việc được tự do đi lại không bị hỏi giấy là đã thấy vui. Biết rằng không có gì giới hạn được suy nghĩ, sự tưởng tượng hay sáng tạo của con người, nhưng rõ ràng khi bị hạn chế đi lại, không được gặp ai, mình cũng trở nên ù lì hơn, cho dù vẫn tự động viên mình phải thích nghi.
Nhưng, giờ có vaccine rồi, mũi một đã xong rồi sẽ phủ mũi hai đến giữa tháng 11 tới. Nghĩa là sau này, sẽ không còn những rào chắn, dây chăng ngổn ngang khắp từ phố cổ xuống dưới Hoàng Mai, lên Mỹ Đình hay sang Đông Anh nữa.
Vẫn là Hà Nội như bao lâu nay, trong ký ức trước đại dịch. Nhưng cũng là một Hà Nội khác, sẵn sàng đương đầu với dịch, tươi mới và đầy nắng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.