Nhiều bất cập trong quản lý đất, khai thác rừng trồng của Công ty Lâm Công nghiệp Bắc Quảng Bình
Bất cập trong quản lý, chia đất rừng trồng Công ty Lâm Công nghiệp Bắc Quảng Bình
Trần Anh
Thứ tư, ngày 14/08/2024 15:48 PM (GMT+7)
Người dân ở xã Hưng Trạch (huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) phản ánh tới Báo điện tử Dân Việt về nhiều bất cập trong việc quản lý đất, khai thác rừng trồng của Công ty TNHH MTV Lâm Công nghiệp Bắc Quảng Bình (trụ sở đóng trên địa bàn xã Lý Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình)
Sống bên rừng nhưng lại không có đất rừng để sản xuất
Trao đổi với PV Dân Việt, ông Nguyễn Chiến Sự - Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Bồng Lai 2, xã Hưng Trạch (huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình), cho biết: "Người dân nơi đây, lâu nay thao thức về rừng, bà con trong làng sống bên rừng nhưng thiếu đất để sản xuất, bởi đất hầu hết được giao cho Lâm trường Bồng Lai (nay là Đội Sản xuất Bồng Lai thuộc Công ty TNHH MTV Lâm Công nghiệp Bắc Quảng Bình) quản lý".
Theo ông Sự, năm 2017, Công ty TNHH MTV Lâm Công nghiệp Bắc Quảng Bình (Công ty Lâm Công nghiệp Bắc Quảng Bình) cắt về cho UBND xã Hưng Trạch 351 ha đất rừng sản xuất, số đất này được chia cho các hộ ở Bồng Lai 1, Bồng Lai 2.
"Thôn Bồng Lai 2 có 188 hộ còn thôn Bồng Lai 1 có 212 hộ. Với 351 ha đất rừng sản xuất mà chia cho gần 400 hộ thì quá ít. Chừng đó diện tích chia ra cho các hộ khiến manh mún, nhỏ lẻ làm không hiệu quả. Do đó, người dân phải hợp đồng thuê đất Công ty Lâm Công nghiệp Bắc Quảng Bình", ông Nguyễn Chiến Sự nói.
Việc nhận khoán lại đất của Công ty Lâm Công nghiệp Bắc Quảng Bình, rồi mua giống, bỏ công chăm sóc, bảo vệ… đến kỳ khai thác sản phẩm người dân sẽ được chia theo tỉ lệ. Tùy từng khu vực đất mà tỉ lệ này là người dân 50%, công ty 50% hoặc 30%-70% (công ty hỗ trợ 3 triệu/ha mua giống).
Theo người dân, mỗi ha đất chỉ trồng hơn 3.000 cây keo, một vụ kéo dài 5 năm mới thu hoạch. Trung bình mỗi ha trừ chi phí, lời trong khoảng 45 - 50 triệu đồng, sau khi chia theo tỉ lệ chẳng được là bao.
"Hiện thôn Bồng Lai 2 có 17 hộ nghèo, 22 hộ cận nghèo, những hộ này không có đất rừng sản xuất nên công việc mỗi ngày là đi làm thuê để mưu sinh. Vì nghèo, người dân liên tục đòi đất lâm nghiệp để sản xuất, biết bao đơn thư bà con chúng tôi gửi lên các cấp chính quyền nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết", ông Nguyễn Chiến Sự chia sẻ.
Nhiều bất cập
Ông Nguyễn Văn Đông (ở thôn Bồng Lai 2, xã Hưng Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình), cho biết: "Cùng thổ nhưỡng, khí hậu, cách trồng giống nhau, cây phát triển cũng tương đương nhau, thế nhưng, khu vực rừng trồng tập trung của Công ty Lâm Công nghiệp Bắc Quảng Bình bán ra giá thấp hơn so với khu vực đất rừng của dân. Người dân có nhu cầu mua nhưng không mua được, họ chỉ bán cho các thương lái là người quen".
Ông Nguyễn Chiến Sự - Bí thư chi bộ, Trưởng thôn Bồng Lai 2 (xã Hưng Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình), cho hay: "Rừng trồng tập trung của Công ty Lâm Công nghiệp Bắc Quảng Bình khi đưa vào khai thác hàng năm mặc dù có khối lượng lớn, giá trị cao nhưng chưa bao giờ công ty tổ chức bán đấu giá theo quy định của Luật Đấu giá, việc bán cho ai đều do Giám đốc và kế toán trưởng công ty quyết định. Thực tế, giá bán rừng của công ty này trong vài năm trở lại đây chỉ tương đương bằng 1/2 giá mặt bằng so với các chủ rừng trên địa bàn".
Trao đổi với PV báo Dân Việt, ông Lê Ngọc Sơn - Chủ tịch UBND xã Hưng Trạch (huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình), cho biết: "Công ty Lâm Công nghiệp Bắc Quảng Bình được tỉnh giao quản lý và sử dụng hàng trăm ha đất lâm nghiệp ở địa phương.
Công ty đã cho người dân thuê lại bằng hợp đồng giao khoán và ăn chia theo tỉ lệ. Vì thiếu đất sản xuất nên cuộc sống người dân gặp nhiều khó khăn và cũng chính vì lẽ đó nên thời gian qua xảy ra tình trạng lấn chiếm, tranh chấp đất đai".
Làm việc với PV báo Dân Việt, ông Trần Quang Đảm - Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm Công nghiệp Bắc Quảng Bình, cho hay: "Chúng tôi hợp tác trồng rừng với đa phần người dân trên địa bàn, chỉ có một số nhỏ người ngoài địa bàn. Khi rừng trồng đủ lớn, hội đồng đánh giá tiến hành đánh giá rồi giám đốc công ty sẽ bán chứ không thông qua đấu giá nếu đấu giá phải tăng chi phí và những năm qua, diện tích rừng trồng không hiệu quả thì sản lượng thấp kéo theo giá bán thấp".
Được biết, Công ty TNHH MTV Lâm Công nghiệp Bắc Quảng Bình là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thực hiện nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng trồng nguyên liệu, sản xuất cây giống lâm nghiệp, cao su, thông nhựa, khai thác tài nguyên rừng, chế biến lâm sản...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.