Đền Đa Hòa thờ vợ chồng Tử Đồng Tử ở Hưng Yên vô số cổ vật, nhiều cổ vật quý bị đánh cắp
Đền thờ một vị "Tứ bất tử" ở Hưng Yên (Bài 2): Nhiều cổ vật bị đánh cắp, có cả lọ bách thọ cực hiếm
Hải Đăng
Thứ ba, ngày 15/08/2023 18:30 PM (GMT+7)
Đền Đa Hòa thờ Chử Đồng Tử-Tiên Dung có kiểu kiến trúc kiểu “Nội công ngoại quốc”. Đền nằm trên trục thần đạo độc đáo, còn lưu giữ nhiều cổ vật quý hiếm, độc đáo...Hiện, một số cổ vật trong đền đã bị mất trộm đến nay vẫn chưa tìm thấy.
CLIP: Ông Đỗ Thành Lực, người trông coi đền Đa Hòa, xã Bình Minh, huyện Khoái Châu (Hưng Yên) cho biết, hiện nhiều cổ vật của đền Đa Hòa bị kẻ gian lấy trộm đến nay vẫn chưa tìm thấy.
Kiến trúc độc đáo của đền Đa Hòa
Ông Đỗ Thành Lực, người trông coi đền Đa Hòa, xã Bình Minh, huyện Khoái Châu (Hưng Yên) cho biết, theo sách sử, xưa kia tại bến Đa Hòa nơi nhìn thẳng sang bãi Tự Nhiên bên kia sông Hồng, dân chài lưới lập một hành đài thờ Chử Đồng Tử - Tiên Dung. Các nhà buôn mỗi lần đi qua đây để lên Kẻ Chợ hoặc xuống Phố Hiến cất hàng, bán hàng đều dừng thuyền lên đền thờ vọng này thắp hương khấn cầu Chử Đồng Tử - Tiên Dung phù hộ.
Dù là một đền thờ nhỏ nằm cheo leo trên bờ sông dốc đứng nhưng ngày đêm rực rỡ hương đăng, tấp lập khách thập phương lễ bái. Chính trên cơ sở ngôi đền này, năm 1894, tiến sĩ Chu Mạnh Trinh, người làng Phú Thị, tổng Mễ Sở đã nảy ra ý tưởng xây dựng hành đài trở thành một ngôi đền lớn, đền chính.
Tiến sĩ Chu Mạnh Trinh khiêm tốn khắc vào bia đá rằng đây chỉ là một sự tiếp nối, trùng tu, thực ra, ông đã thiết kế chỉ huy xây dựng một ngôi đền hoàn toàn mới, lớn và đẹp hơn hẳn đền cũ, với ý đồ táo bạo nhằm biến nơi này thành một thắng cảnh, di tích lịch sử đồng thời là một nơi mở hội rước, thỏa mãn nhu cầu văn hóa dân gian.
Đền chính Đa Hòa xây theo hướng chính Tây, trên một bãi đất bằng phẳng hình chữ nhật, rộng 18.720m2. Các công trình kiến chúc chia làm ba khu vực: khu ngoài, khu giữa và khu trong.
Khu ngoài: Rộng 7.200m2, khoáng đạt, không có tường rào bao quanh. Kiến trúc chủ yếu của khu ngoài là nhà bia. Đây là một cái lầu, cửa trổ ra tất cả bốn hướng, hai tầng, tám mái, mang những thông số dịch học. Nhà bia dựng ngay trên kè đá sát mép bờ sông dốc cao, chống lại những đợt lũ sói mòn cho đến khi bị sạt lở. Kè đá là trấn giang biên. Còn nhà bia, cửa tây nhìn thẳng ra mặt sông tự tay Chu Mạnh Trinh viết ba chữ đại tự Trấn Giang Lâu.
Nhưng sở dĩ người thường nôm na gọi nhà bia vì chính tại lầu Trấn Giang này, có dựng bia đá trùng tu đền Đa Hòa nhưng là một áng văn tuyệt tác ghi lại cuộc nhân duyên kỳ ngộ trên cát cỏ của Chử Đồng Tử - Tiên Dung. Nhà bia quanh năm lộng gió. Đứng trên nhà bia, phóng tầm mắt nhìn nước sông Hồng cuồn cuộn chảy bên dưới và xa kia, bãi cát tự nhiên phẳng lỳ, lơ thơ vài khóm lau. Trời đất đã chọn nơi này cho tình yêu, hạnh phúc con người nảy sinh, nguyên thể, hoàn toàn.
Từ nhà bia, một con đường lát gạch rộng 6m dẫn thẳng vào trong đền, hai bên là hai hàng cây thiêng, loại cây gạo thân trắng bạc, mọc vút cao. Đặc biệt vào ngày 10/2 âm lịch, ngày đền mở hội, cây trút sạch lá, nở đầy cành những bông hoa rực lửa như hai hàng đèn treo ngang trời, như những mâm lễ vật dâng tiến. Những cây gạo này đều có tuổi thọ ngang tuổi ngôi đền. Chỉ nhìn hoa gạo nở, mọi người biết tin vui báo hiệu xuân về.
Theo ông Lực, khu giữa được mở ra từ cổng đền là hai cột trụ cao, xây thẳng vút, trên mỗi đỉnh cột là một con nghê ngoảnh mặt vào lối đi, ngày đêm canh gác ngôi đền. Từ cổng đền, con đường gạch mở rộng 8m, chia khu giữa thành hai khu nhỏ với những tán đa - cũng một loại cây thiêng, bất tử - những vòm nhãn xanh thẫm, giống cây đặc sản của Hưng Yên. Và trong vòm nhãn xanh đậm, ẩn hiện bên phải: lầu chuông, bên trái: gác khánh.
Chuông đền chính đúc bằng đồng, cao 1.5m. Khánh bằng đá, chiều ngang 1.2m. Lầu chuông, gác khánh đều xây một kiểu giống nhà bia, nhấn đậm lần nữa tư duy triết học Dịch. Một năm chỉ có vài lần chuông, khánh đền chính ngân nga. Nghe trống tế giục giã, nghe chuông, khánh dập dìu, trai gái hai bờ sông Hồng đổ về dự hội đền, xem rước. Ngày hội tan, các cụ già chống gậy lên đê ngồi nghe chuông khánh đền chính vang vọng tiễn Thánh về trời.
Khu trong là khu trung tâm, là kiến trúc đặc sắc chủ yếu của thắng cảnh Đa Hòa. Mở đầu là Ngọ Môn cao, rộng, gồm ba gian, ba cửa. Cửa chính chỉ mở trong những ngày đại lễ. Cổng Ngọ môn treo bức đại tự bốn chữ lớn sơn son thiếp vàng "Bồng lai cung khuyết ". Bước qua Ngọ môn là bước vào thế giới của tâm tưởng, của Tiên, của Đạo.
Qua sân Đại là nhà Đại tế, tiếp đến sân Chầu, tòa Thiên Hương bấy giờ mới tới cung Đệ Nhị, cung Đệ Tam và Hậu Cung. Nối liền các nóc là thảo xá, thảo bạt, nhà ngựa, nhà pháo... đối diện nhau qua sân Đại, sân Chầu. Đây là kiến trúc kiểu cung đình thời nhà Nguyễn, thế kỷ 19, lại biểu hiện rất rõ sự dung hợp hài hào giữa Phật giáo, Nho giáo, Đạo giáo, đậm đà màu sắc dân tộc Việt Nam.
Nét độc đáo của khu đền là tòa Thiên Hương (hương trời). Một lần nữa tác giả công trình nhấn đậm tiết lý dịch học với tám mái cong, hai tầng, tám cột gỗ vuông đỡ ở bốn góc. Các đấu kê xà ngang, xà dài được đẽo gọt hình "con vác" mặt rồng, mình sư tử. Còn các búp sen đều nghiêng xuống như Trời đang ban hương xuống cho chúng sinh.
Tòa Thiên Hương treo bức đại tự ba chữ lớn, sơn son thiếp vàng: Giao Quang Các (nơi ánh sáng hội tụ).
Nhiều cổ vật của đền Đa Hòa bị đánh cắp
Ông Lực cho biết thêm, từ xưa đền Đa Hòa nổi tiếng là nơi lưu giữ nhiều cổ vật quý hiếm có như: Đôi lọ bách thọ gốm (gồm 100 chữ thọ không chữ nào giống chữ nào), 38 đạo sắc phong (Lê - Nguyễn), thần tích, 03 pho tượng (cuối thế kỷ XVII), chuông đồng (1894), khánh đá (1922)…
Tuy nhiên, khoảng nhiều năm về trước một số cổ vật này đã bị kẻ gian lấy đi trong đó, có một lọ bách thọ (lọ gốm thời nhà Lý) có nhiều màu sắc, vân hoa nổi 100 chữ thọ (bách thọ) mỗi chữ một kiểu, một nét khác nhau. Đến giờ lọ gốm quý hiếm này vẫn chưa tìm thấy. Một lọ bách thọ còn lại hiện đang được lưu giữ an toàn tại UBND xã Bình Minh.
Đền Đa Hòa còn bị mất đôi hạc và nắp chiếc vạc làm bằng đồng đặt ở giữa tòa Thiên Hương vào năm 2006. Ttrong cuộc đấu xảo ở Hà Nội năm 1902, ông Dương Cử Trạc là người tổng Mễ Sở, đã đấu giá thành công đôi hạc và chiếc vạc đồng có hai rồng cuốn hai bên, thiết kế rất tinh xảo và đã cung tiến vào đền. Đề phòng bị trộm cắp, ban quản lý di tích đã cho đá vào trong chiếc vạc và đậy nắp lại.
Do quá nặng nên bọn chúng không thể bê được chiếc vạc, chỉ lấy được nắp và đôi vạc đồng. Ngoài ra, chiếc lư cổ bằng đồng khắc 4 chữ “Đa Hòa chính từ” trên ban thờ nhà đại tế cũng bị bọn trộm nhòm ngó nhưng không thể bê đi được do đã được khóa dây chặt vào ban thờ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.