Buổi hòa nhạc Altamont Free (California – Mỹ, 1969)
Biển người tại buổi hòa nhạc Altamont Free. Ảnh: Alcheton.
Trường hợp của Altamont Free là điển hình của việc một lễ hội âm nhạc trở thành thảm họa. Có mặt tại buổi hòa nhạc miễn phí ở khu vực Altamont Speedway là các ban nhạc The Flying Burrito Brothers, CSNY, The Grateful Dead (rút khỏi buổi diễn vào phút chót) và “nhân vật chính” The Rolling Stones.
Sự kiện này vốn được lên kế hoạch tổ chức ở Công viên Golden Gate nhưng đã bị hủy bỏ. Do không thể tìm được địa điểm nào khác, ban tổ chức cuối cùng (BTC) đã phải chuyển toàn bộ sân khấu qua Altamont Speedway.
Đáng chú ý, lực lượng an ninh đảm bảo trật tự tại buổi hòa nhạc – nhóm Hell Angels – lại do The Rolling Stones chứ không phải BTC lựa chọn. Hậu quả là khi buổi trình diễn kéo dài, bạo lực giữa đám đông người tham dự với lực lượng Hell Angels đã nổ ra.
Sau những cuộc ẩu đả, một thiếu niên có tên Meredith Hunter đã thiệt mạng. Được biết, vì bị lực lượng an ninh ném ra khỏi sân khấu, Junter quyết định quay lại đáp trả bằng một khẩu súng lục xoay nòng. Thiếu niên này sau đó đã bị một thành viên Hell Angels có tên Alan Passaro đâm và đánh chết.
Lễ hội Chasing Summer (Calgary - Canada, 2015)
Khán giả tham dự Lễ hội Chasing Summer. Ảnh: Instagram.
Được mệnh danh là “Lễ hội Điện tử lớn nhất miền Tây Canada”, lễ hội Chasing Summer được tổ chức tại khu vực của lễ hội Max Bell.
Tuy nhiên, lễ hội đã biến thành thảm họa khi có 17 người tham dự phải vào viện vì sốc thuốc hoặc ngộ độc rượu. Sau khi kiểm tra, cảnh sát phát hiện nhiều trường hợp sử dụng cần sa, ma túy MDMA, GHB và Ketamine. Khi nhập viện, nhiều nạn nhân có thái độ hung hăng, không hợp tác còn một số khác thì lại không hề có bất kỳ phản ứng nào với mọi tác động xung quanh.
Lễ hội Ottawa Bluesfest (Ottawa – Canada, 2011)
Vào năm 2011, lễ hội hàng năm Bluesfest đã biến thành thảm họa khi một cơn bão mạnh ập đến khi nhóm ban nhạc Cheap Trick đang trình diễn. Mây đen kéo tời, kèm thêm gió mạnh và mưa lớn đã làm sân khấu bị đổ sập khiến 3 người bị thương nặng và 4 người bị thương nhẹ. Cảnh tượng trở nên hỗn loạn hơn khi hàng ngàn người nháo nhào chạy thoát thân để tránh mưa bão và sấm chớp.
Lễ hội Roskilde (Roskilde – Đan Mạch, 2000).
Hoa được trải tại khu vực diễn ra lễ hội để tưởng nhớ 9 nạn nhân. Ảnh: Getty.
Khi chờ ban nhạc Pearl Jam biểu diễn, đám đông 50.000 người đã trở nên sốt ruột, hung bạo và xô đẩy lẫn nhau. Số lượng khán giả đông tới mức nhiều người không thể di chuyển nổi tay của mình. Nhiều người bị giẫm đạp, chèn ép và không thể đứng dậy.
Tuy nhiên, ban nhạc lại không sớm nhận ra điều này. Phải đến khi được BTC thông báo, Pearl Jam mới dừng nhạc và yêu cầu đám đông lùi xuống. Cuối cùng, khi buổi diễn kết thúc, cảnh sát ghi nhận 9 thiếu niên trẻ đã tử vong do ngạt thở.
Lễ hội Love Parade (Duisburg – Đức, 2010)
Biển người chật kín tại đường hầm đi vào Lễ hội Love Parade hồi năm 2010. Ảnh: EPA.
Được bắt đầu tổ chức vào năm 1989, Love Parade ban đầu là một lễ hội âm nhạc tự do vào cửa. Tuy nhiên, độ nổi tiếng của lễ hội ngày càng lớn dần và vào năm 2010, số lượng người tham gia đã lên tới 1,4 triệu người – gấp 5,6 lần dự tính của BTC.
Dù đã chuyển lễ hội từ Berlin tới Duisburg, số người tham gia quá đông vẫn là một vấn đề nan giải. Được biết, cửa vào lễ hội là một đường hầm dài 240m. Khi lễ hội bắt đầu, đường hầm này chật kín người, dẫn tới hệ quả là 21 người đã thiệt mạng vì xô đẩy, giẫm đạp. Thế nhưng, cuối cùng cảnh sát Đức đã vẫn để lễ hội tiếp diễn vì cho rằng nếu hủy bỏ Love Parade, người tham gia sẽ hoảng loạn, dẫn tới nhiều thương vong hơn.
Lễ hội Woodstock 99 (Rome, New York, 1999)
Cảnh tượng bạo loạn tại lễ hội Woodstock 1999. Ảnh: Getty.
Theo ghi nhận của truyền thông thế giới, Woodstock là lễ hội thảm họa nhất thời đại và đã trở thành một ví dụ điển hình về những sự cố trong quá trình tổ chức sự kiện công chúng.
Woodstock 99 được tổ chức tại một đường băng cũ, không hề có cây cối và nhiệt độ thì lên tới 40 độ C. Người tham dự không được mang thức ăn, nước uống vào bên trong còn giá dịch vụ thì đắt đỏ, lên tới 4 USD cho 1 chai nước nửa lít.
Bên cạnh đó, các cơ sở dịch vụ như bán đồ ăn, uống và vệ sinh cá nhân cũng không thể tải nổi số lượng người quá đông. Nhiều khán giả khi đến lễ hội đã không lường trước được điều này, dẫn tới nhiều sự cố không đáng có.
Tuy nhiên, sự hỗn loạn bắt đầu khi ban nhạc Limp Bizkit trình diễn bài hát “Break Stuff” (Đập Phá). Không rõ vì lý do gì, khán giả đã “nổi loạn”, đập phá sân khấu, ném các mảnh vỡ lên không trùng. Cùng với đó, ẩu đả đã xảy ra và sau khi lễ hội kết thúc, nhiều vụ quấy rối tình dục cũng được ghi nhận sau khi lễ hội kế thúc. Vào ngày hôm qua, tháp loa còn bị đốt cháy do 1 tai nạn trong buổi biểu diễn.
BTC Woodstock 99 sau đó đã bị chỉ trích dữ dội vì cách làm việc thiếu chuyên nghiệp, tập trung hết để thu lợi nhuận nhanh mà cắt giảm nhiều dịch vụ cấp thiết như an ninh, nhà vệ sinh, nước,…, bỏ mặc sự an toàn của khán giả.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.