Nhớ bìm bịp kêu chiều!

Thứ năm, ngày 13/03/2014 08:01 AM (GMT+7)
Bìm bịp có tên khoa học: Centropus sinensis, là một loài chim dữ. Chim trống có lông màu đen, riêng cánh màu nâu đỏ hoặc màu nâu xám, từ ức lên cổ lại xanh đen.
Bình luận 0
Chim trống có thân mình dài, mỏ to nhọn, mắt đỏ, đầu thuôn, đôi chân đen bóng, sải cánh rộng, đuôi dài hơn cánh. Chim mái nhỏ hơn, toàn thân có màu nâu và lốm đốm trắng.

Vùng Miền Đông Nam Bộ quê tôi khoảng chục năm về trước, là nơi cư trú của rất nhiều loài chim, chim rừng nhiều vô kể nhất là vùng “kinh tế mới” có nhiều cây cối um tùm rậm rạp, cũng là “xứ sở” nơi tụ tập của giống chim bìm bịp. Cứ mỗi buổi chiều vào lúc hoàng hôn dần tàn là chúng đua nhau rống lên những điệp khúc dây chuyền tiếp nối hết con này đến con kia.

Những người mới nghe lần đầu tiên điệp khúc dây chuyền ấy sẽ có cảm giác bi ai não nùng. Nhưng với người dân quê tôi đó là những “giai điệu” rất gần gũi và hết sức quen thuộc. Thời gian sau này, vì sự săn bắt ráo riết của con người, nên những nốt nhạc trầm buồn của thiên nhiên đó cũng đã dần lịm tắt, có chăng thi thoảng mới thấy một vài con lẻ ngân lên những giọng buồn tìm kiếm bạn tình.

Chim bìm bịp.
Chim bìm bịp.

Bìm bịp là loại chim ăn thịt, thường ăn đủ thứ thịt sống, chúng thích ăn mồi sống như cóc nhái, rắn rết, ếch, cua đồng, cào cào, châu chấu, gà vịt con, xác súc vật chết thối … và không trừ bất cứ loại động vật nào nếu thấy còn đủ khả năng có thể ăn được. Cặp mỏ khoằm khoằm sắc như dao với đôi chân đầy móng vuốt nhọn hoắt như kim, quặp đâu dính đó, con mồi bị bắt đừng hòng tẩu thoát. …

Bìm bịp là loài chim định cư, sống ở khắp vùng đồng bằng, trung du và miền núi, thường cư trú ven rừng, sông suối nơi có những lùm cây rậm rạp, hoặc bưng biền khe suối, đầm lầy có cây cối um tùm để làm tổ đẻ trứng và sinh sống.

Thịt bìm bịp có vị ngọt, tính ấm không độc, được sử dụng làm thuốc bổ máu, giảm đau, tiêu ứ, chữa hư lao, suy nhược, chân tay nhức mỏi, ứ huyết bầm tím, tê thấp, đau lưng, sản hậu, gãy xương... Bìm bịp ngâm rượu làm thuốc chữa bệnh xương khớp có tác dụng trị đau lưng, nhức mỏi rất tốt.

Đặc biệt theo kinh nghiệm dân gian bài thuốc rượu ngâm chữa chứng liệt dương rất hiệu quả. Loại rượu này còn có thể trị các chứng như hen suyễn, suy nhược, đái dắt, đái buốt hay đau nhức xương cốt, mệt mỏi của những người già thể trạng yếu. Những người không uống được rượu có thể ăn thường xuyên bằng cách nấu cháo.

Cái chết thê thảm của loài chim
Cái chết thê thảm của loài chim

Chim bìm bịp làm sạch lông, bỏ hết phủ tạng rồi cho rượu trên 40 độ vào ngâm sống trong 2,3 tháng liền, ngâm càng lâu càng tốt. Bìm bịp ngâm rượu kết hợp với vài loài khác như rắn, tắc kè, cá ngựa, củ sâm … đã được dân gian sử dụng từ lâu đời. Nhiều gia đình ở nông thôn thường ngâm một, hai hũ rượu bìm bịp để sẵn trong nhà cho cánh đàn ông đi làm đồng về mệt, trước mỗi bữa ăn uống vài ly nhỏ cho khỏe người lại ăn ngon miệng.

Cộng thêm sự “thêu dệt” truyền tai nhau rằng: nếu đem ngâm rượu cùng với tam, tứ, ngũ lục xà gồm rắn hổ mang, rắn hổ trâu, rắn cạp nong, rắn ráo, rắn sọc dưa .... thì con người lại có sức bổ dưỡng vô song. Cũng chính vì lý do đó mà hiện nay chim bìm bịp đang trở thành đối tượng săn lùng vô tội vạ của con người. Đã có nhiều đối tượng chuyên nghiệp săn bắt chim trở thành “đại gia” làng quê.

Hũ rượu Chim bìm bịp.
Hũ rượu Chim bìm bịp.

Mấy năm trở lại đây mỗi con bìm bịp có giá từ 150-200 ngàn đồng, có thương lái đến thu mua tại chỗ, nên một số nông dân vùng quê khó nghèo “đổi nghề”, mưu cầu cuộc sống bằng nghề bắt chim bìm bịp với nhiều chiêu thức rất khôn khéo, tinh vi.

Họ dùng băng đĩa thâu tiếng chim, bẫy lưới, bẫy sập, súng săn, hóa chất, keo dính, cắm câu … Những con chim mồi chua ngoa, hiếu chiến treo lơ lửng trên cành cây làm mồi nhử, loài chim hoang dại ngây ngô vô tình kia sẽ rất dễ bị mắc bẫy.

Con bìm bịp vốn tính “khí khái” sẵn có, tưởng rằng đang bị xâm lấn ranh giới chủ quyền, đua nhau lao vào cuộc quyết đấu dại dột, “tung chưởng” để rồi bị bắt sống, trở thành kẻ chiến bại “xệ hết cánh”. Cũng từ đó, hàng ngàn hàng vạn con bìm bịp bị cột cánh mà vẫn bay sang tận các nhà hàng đặc sản… Những con chim nhỏ bé vô tình đã trở thành miếng mồi “béo bở” trên bàn tiệc cũng như trong những hũ rượu.

Giờ đây những cánh đồng lúa mênh mông bên giòng sông quê hương, những đồi ngô nương sắn xanh mượt mà, những rặng tre quanh rìa làng không còn nghe tiếng bầy chim hót líu lo của thuở nào.

Những người nông dân cần cù yêu lao động cũng không “mấy khi” còn được nghe “cái” giọng khắc khoải kêu chiều của những con bìm bịp như trước đây. Bỗng thấy trong lòng trống vắng, nặng trĩu một nỗi buồn man mác với những nhớ thương khôn nguôi…
Mỹ Nhân (Mỹ Nhân)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem