Nhớ cây đòn "gánh" 9 người con

Văn Kỳ Lê Thứ tư, ngày 25/11/2020 08:00 AM (GMT+7)
Bồi hồi nhìn chiếc đòn gánh của mẹ qua bao nhiêu năm đã lên màu thời gian bóng láng, tôi lại nhớ đến khuôn mặt thân thương và trìu mến của mẹ, nhớ đến nao lòng.
Bình luận 0

Mỗi lần về ngôi nhà cũ ở quê, nhìn bên góc bàn thờ của ba mạ tôi, có những vật dụng thân thương như cái bào, cái cưa… của ba tôi cũng như những con dao xắt rau, xắt chuối của mẹ tôi.

Chiếc đòn gánh của "tình chồng - nghĩa vợ"!

Kể chuyện làng: Nhớ cây đòn "gánh" 9 người con - Ảnh 1.

Chiếc đòn gánh của mẹ năm nào vẫn ánh lên màu nâu bóng loáng với cái "lưng" đòn hình như "cong" lên vì "vất vả". Chiếc đòn gánh tuy thô sơ, giản dị này là "kỷ vật" của "tình chồng -  nghĩa vợ" mà ba đã dồn tất cả sự kỳ công, tỉ mẩn vào đó để có được chiếc đòn gánh ưng ý. Để có chiếc đòn gánh vừa dẻo dai vừa bền chắc, ba phải chọn được cây tre già khú đế, mà phải là loại tre đặc ruột ở bụi tre sau hè. Rồi ba tôi hì hục chặt, cưa, chẻ, đục, vót cho nhẵn, đẹp… Mẹ ngồi nhìn cha tỉ mẩn từng công đoạn mà ánh mắt chan chứa niềm yêu thương vô bờ bến.

Tôi sinh ra tại một vùng quê nghèo, gia đình tôi sinh sống bằng nghề ruộng vườn, nhưng lúc nông nhàn, ba tôi có thêm nghề thợ mộc. Ba mẹ tôi cố gắng làm lụng, dẫu vất vả để nuôi con cái học hành. Trải qua bao gian khổ cuộc đời, mẹ tôi đã "đi và chạy" mòn không biết bao nhiêu đôi dép,  bao nhiêu đôi gióng, mủng thúng đã nhiều lần thay mới, cây đòn gánh cũng đã mòn nhẵn và thay nhiều lần do mẹ tảo tần "buôn thúng bán bưng" nuôi nấng 9 người con thơ dại.

Đòn gánh mẹ gánh cả đàn con

Ngày ấy, mẹ tôi buôn "đón đàng". Mỗi ngày, sau khi đã nấu bữa cơm sáng cho cả nhà xong, mẹ lại vớ vội cây đòn gánh tre. Nhanh nhẩu mẹ quảy đôi thúng bước ra đường khi trời vẫn còn tối lờ mờ, gà chưa gáy sáng. Mẹ  phải vượt qua hơn 3-5 cây số mới đến nơi để mua các loại nông phẩm vùng cao, mùa nào thức đó như: Chuối xanh, mít non, măng tươi, búp chuối, sắn ăn tươi, khoai lang củ, sắn lát khô, bầu bí... Sau đó mẹ gánh xuống chợ Túy Loan để bán lại nhằm kiếm thêm tiền cho anh em tôi ăn học. Có những hôm mua được nhiều hàng, mẹ phải nhắn ba tôi lên gánh giùm xuống chợ. Gặp những ngày mưa gió, ế ẩm, mẹ tôi phải nán ở lại bán cho tới trưa đứng bóng mới về tới nhà.

Thấy mẹ cực, tôi là con đầu nên cũng tập tành nấu cơm, gánh nước, gánh lúa, quơ củi, xay lúa, giã gạo, cho em ăn... để phụ mẹ. Lúc đầu các công việc  khó lắm vì chưa quen. Dần dần, theo năm tháng và lớn lên, tôi cũng quen dần. Tôi nhớ mãi kỷ niệm năm 1965, ba mẹ tôi xây nhà trên, lúc đó tôi mới 10 tuổi nhưng đã khiêng cùng với ba hàng chục bao xi măng 50kg từ chợ Túy Loan về xa khoảng 1 cây số. Lúc đó tôi hí hửng khoe với mẹ: "Mạ ơi! Con đã trở vai được rồi nè, con khiêng bao xi măng thay cho mạ được rồi nè...". Có ai biết rằng, đôi vai non của tôi cũng rớm máu vì khiêng nặng mà tôi giấu ba mẹ tôi. Còn mẹ thì nhìn tôi mỉm cười hạnh phúc. Tôi nhìn thấy một dòng nước mắt chảy dài trên má của mẹ.

Kể chuyện làng: Nhớ cây đòn "gánh" 9 người con - Ảnh 2.

Năm đó, ba tôi lợp tôn cho nhà người xóm Đùng, chẳng may ba té từ trên mái xuống, chấn thương cột sống. Trụ cột kinh tế của gia đình không còn nữa, bao gánh nặng cơm áo, gạo tiền lại trút hết lên đôi vai nhỏ bé, gầy guộc của mẹ. Từ đó, đôi vai gầy của mẹ ngày càng một gầy thêm và chiếc đòn gánh ngày càng cong thêm vì nhiều tầng suất gánh nặng của mẹ tôi… Thấm thoát, tôi đã tốt nghiệp tiểu học. Tôi dự định không đi học nữa để  ở nhà phụ với mẹ vì ba tôi đang nằm viện. Mẹ tôi không cho và trấn an tôi: "Mạ còn cây đòn gánh, còn đủ sức nuôi các con ăn học mà. Đời mạ dốt nát, làm thuê ở mướn nhiều rồi nên cố gắng nuôi các con học hành mai sau trở thành người tử tế...". Trong phút ấy, tôi cảm thấy mẹ tôi thật vĩ đại, bao dung biết bao. Lời động viên của mẹ như tiếp thêm sức mạnh cho tôi sau này. Cho nên tôi rất thương mẹ và thường khuyên các em tôi cố gắng học hành để ba, mẹ được vui.

Rồi mẹ làm đủ thứ nghề trong thời buổi khó khăn. Nào là buôn hàng xáo, nuôi heo, trồng rau màu… Ba thì đi nằm bệnh viện, còn tôi thì vừa đi học, vừa ở nhà "quản" một bầy em dại. Lúc anh em tôi đau ốm, mẹ đi bứt lá nấu nồi nước lá uống và xông để giải cảm. Mẹ thường xoa đầu, vỗ về từng đứa và nói: "Các con ngoan, học giỏi, mạ thương!".  Những lúc các con trái gió trở trời, cảm lạnh, cảm ho, mẹ chong đèn thức thâu đêm suốt sáng. Ngoài ra, mẹ còn thay ba dẫn anh em chúng tôi đến trường xin cho các con đi học chữ hay học nghề sau này.

Đòn gánh bảo vệ con

Mẹ tôi tuy vóc người nhỏ thó nhưng rất kiên cường, gan dạ. Tôi còn nhớ như in vào giữa buổi mai hôm đó, vì thầy ốm đột xuất nên cho học sinh nghỉ học. Tốp học sinh ở xóm tôi đang trên đường từ trường về nhà, khi đi qua nghĩa địa của làng bỗng có con chó điên (dại) chạy theo vừa sủa vừa hăm he, gầm gừ muốn cắn chúng tôi. Cùng lúc ấy, mẹ tôi đang gánh nông sản về chợ, mẹ thấy vậy liền vứt quang gánh, hai tay cầm đòn gánh "tả xung hữu đột" đánh chó cứu chúng tôi thoát khỏi nanh vuốt loài chó vừa dữ vừa điên. Có lẽ con chó điên ấy thấy mẹ tôi hung hăng quá hay là sợ các chiêu thức trong bài "Đả cẩu bổng pháp" của Hồng Thất Công truyền lại hay sao mà chó điên chạy dài, mẹ cứu chúng tôi một "bàn thua" trông thấy.

Ngẫm lại, gia đình tôi không ai khổ cực, hi sinh bằng mẹ. Những năm hạn hán mất mùa, lúa ăn không giáp hạt, mẹ tôi phải ghế sắn, khoai nhiều cho cả nhà cùng  ăn. Lúc bấy giờ, nồi cơm mẹ nấu chỉ thấy toàn là những lát khoai, lát sắn "cõng" hạt cơm. Thế nhưng, khi ăn cơm, mẹ cũng "ưu tiên" ăn sắn, ăn khoai và sớt lại những hạt cơm ít ỏi trong chén dành cho anh em chúng tôi. Cứ mỗi bữa ăn, mẹ tôi là người ăn sau cùng, còn gì mẹ ăn nấy, hết thì thôi. Mẹ muốn nhường cho đàn con ăn no đủ.

Theo ngày tháng, cây đòn gánh đã bầu bạn với mẹ gần suốt cả cuộc đời. Nay, tóc mẹ giờ đã bạc màu sương khói và anh em chúng tôi cũng đã trưởng thành, lập gia đình, lần lượt từng đứa rời xa vòng tay yêu thương của mẹ. Nhưng không ai có thể quên công ơn biển trời của mẹ, không quên mối nợ ân tình của cây đòn gánh - vì nó đã thấm mặn mồ hôi và nước mắt của mẹ để đổi lấy cho anh em chúng tôi có cuộc sống hạnh phúc hôm nay. Chỉ với chiếc đòn gánh ấy, mẹ tôi đã gánh trọn cuộc đời anh em tôi, từng người từng người một từ thuở ấu thơ cho đến lúc trưởng thành.

Kể chuyện làng: Nhớ cây đòn "gánh" 9 người con - Ảnh 3.

Mẹ tôi đã ra người thiên cổ

Trên 40 năm bươn bả ngược xuôi, hết "chạy chợ" sáng Túy Loan lại gánh hàng đi bán chợ chiều Phú Hòa, mẹ bao lần thay đòn gánh mới. Mỗi lần mẹ dùng đòn gánh mới cũng là lúc lưng mẹ còng hơn, tóc thêm nhiều sợi bạc và đôi vai mẹ hằn thêm vết chai sần… Rồi mẹ tôi qua đời với căn bệnh ung thư hiểm nghèo triền miên trong đau đớn, không ở lại cùng chúng tôi mãi. Mẹ tôi lìa đời ở tuổi 63 trong một đêm mưa gió bão bùng vào tiết tháng 9 (âm lịch) nhưng ngày an táng mẹ bầu trời lại ngưng mưa và sáng bừng lên, âu đó cũng là sự tưởng thưởng công lao của mẹ từ ông Trời vậy.

Quê tôi nay đã đổi thay nhiều. Chúng tôi giờ đã lớn khôn, mỗi người mỗi ngả. Dù sinh cơ lập nghiệp nơi đâu, anh em chúng tôi vẫn nhớ về nơi chôn nhau cắt rốn, vẫn nhớ như in lời dạy dỗ ân cần của mẹ. Những dịp giỗ, chạp, Tết đến xuân về, con cháu tề tựu, sum vầy, cùng nhau đoàn kết dưới mái nhà xưa. Chỉ tiếc là chỉ thấy cây đòn gánh mẹ để lại, mẹ không còn để nhìn đàn cháu thơ, mẹ không còn để anh em chúng tôi đền đáp công ơn dưỡng dục, sinh thành. Nhớ về mẹ, tôi nghe đôi mắt cay cay.

Sau nầy tôi làm bài thơ "Mẹ tôi" để tặng hương hồn mẹ

Quê tôi chợ Túy ven sông
Thuở tôi còn bé ngồi trông mẹ về
Ngọt môi kẹo ú, đùm chè
Nắng chan đổ lửa ngày hè hắt hiu
Đường quê  bóng mẹ liêu xiêu
Gánh "non" xuống chợ, tìm trâu trên rừng
Có hôm mắt mẹ rưng rưng
Tìm trâu trâu lạc, con thì ở đâu?
Quê nhà bao cuộc bể dâu
Tang thương cũng lắm nỗi đau cũng nhiều
Mẹ tôi vất vả trăm điều
Vì đòn gánh ấy "cõng" nhiều đứa con!

Báo điện tử Dân Việt mở chuyên mục "Kể chuyện làng" từ 4/3/2020. Chuyên mục dành cho tất cả các tác giả chuyên và không chuyên có tình yêu với làng quê và muốn chia sẻ câu chuyện thật của mình với bạn đọc.

Bài viết phải chưa được đăng tải trên bất kì phương tiện thông tin đại chúng hoặc ấn phẩm nào. Các tác giả vui lòng ghi rõ họ tên, bút danh (nếu có), địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại, số tài khoản nhận nhuận bút.

Các bài viết hay nhất, chất lượng nhất sẽ được lựa chọn để trao giải thưởng 2 tháng/lần.

Bài viết cộng tác với chuyên mục "Kể chuyện làng" xin gửi về email: kechuyenlang@gmail.com; ĐT liên hệ: 0903226305.

Rất mong được sự hợp tác, cộng tác của quý bạn đọc, của tác giả!


                                                                                 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem