Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp - người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra đi vào cõi vĩnh hằng. Đây là tổn thất vô cùng to lớn đối với Đảng, Nhà nước, nhân dân, Quân đội ta và bạn bè, nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới. Thật tự hào khi Tuyên Quang - Thủ đô Khu Giải phóng, Thủ đô Kháng chiến là nơi ghi rất nhiều dấu ấn trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp chụp ảnh cùng ông Vũ Tiệp (người đứng giữa) - Nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Tuyên Quang dưới bóng đa Tân Trào vào đầu những năm 1990
Theo nhà văn, nhà sử học Phù Ninh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là nhân vật quan trọng kiến tạo nên Thủ đô Khu Giải phóng.
Đầu tháng 5.1945, chiến tranh thế giới bước vào giai đoạn kết thúc; phong trào kháng Nhật cứu nước dâng lên thành cao trào; khởi nghĩa từng phần nổ ra ở nhiều địa phương.
Trước tình hình mới, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chủ trương chuyển trung tâm chỉ đạo cách mạng từ Pác Bó, Cao Bằng đến một nơi gần Trung ương và đồng bằng hơn. Người chỉ thị: Chọn tìm một địa điểm làm trung tâm chỉ đạo cách mạng. Nơi đó phải ở trong căn cứ địa Việt Bắc, quần chúng giác ngộ cao, giao thông thuận lợi và nhất là gần Trung ương.
Thực hiện chỉ thị của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, đồng chí Võ Nguyên Giáp bàn bạc với các đồng chí trong Phân khu ủy Nguyễn Huệ (Song Hào, Tạ Xuân Thu) đã chọn làng Kim Long, Tân Trào, một nơi đáp ứng đầy đủ các yêu cầu đặt ra: Cơ sở cách mạng được xây dựng từ rất sớm; tháng 3.1945, Phân khu ủy Nguyễn Huệ đã lãnh đạo khởi nghĩa, thành lập châu Tự Do; là một vùng núi rừng hiểm trở, nằm ở triền tây núi Hồng, có sông Phó Đáy án ngữ, bảo đảm bí mật. Từ đây có đường đi nhiều ngả, lên ngược về xuôi.
Ngày 4.5.1945, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc cùng đoàn công tác dời Pác Bó, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng. Chiều ngày 17.5.1945, đồng chí Võ Nguyên Giáp đi đón Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và đã gặp Người ở bản Nà Kiến, xã Nghĩa Tá, huyện Chợ Đồn. Sau đó đồng chí cùng Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về làng Kim Long, xã Tân Trào, châu Tự Do, vào chiều ngày 21.5. Từ thời điểm này Tân Trào trở thành trung tâm cách mạng của cả nước. Cũng từ thời điểm này, đồng chí Võ Nguyên Giáp luôn ở bên cạnh Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, tiến hành các công việc chuẩn bị Tổng khởi nghĩa.
Đến Tân Trào, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc giao cho đồng chí Võ Nguyên Giáp dự thảo Nghị quyết về thành lập Khu Giải phóng và quyết định triệu tập Hội nghị cán bộ toàn khu.
Ngày 4.6.1945, Tổng bộ Việt Minh triệu tập hội nghị cán bộ, tuyên bố chính thức thành lập Khu giải phóng bao gồm địa bàn 6 tỉnh Việt Bắc và một số vùng nông thôn các tỉnh lân cận. Hội nghị quyết định lấy Tân Trào làm Thủ đô Khu Giải phóng. Khu Giải phóng đặt dưới sự chỉ đạo của Ủy ban chỉ huy lâm thời Khu Giải phóng do Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đứng đầu, đồng chí Võ Nguyên Giáp làm ủy viên thường trực và là Ủy viên quân sự.
Ủy viên quân sự Khu Giải phóng có nhiệm vụ thống nhất chỉ huy cuộc chiến đấu chống Nhật, tiễu phỉ, trừ gian, bảo vệ trật tự an ninh, tiếp tục lãnh đạo quần chúng ở những nơi địch còn kiểm soát đứng lên giành chính quyền để mở rộng căn cứ; xây dựng và phát triển lực lượng vũ trang. Tại Tân Trào, Đại tướng đã ở và làm việc trong căn nhà sàn của gia đình ông Hoàng Trung Dân, thôn Tân Lập, từ ngày 21.5 đến ngày 16.8.1945.
Tháng 7.1945, tại căn lán nhỏ Nà Nưa giữa lúc tình hình hết sức khẩn trương, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc ốm nặng, tưởng chừng không qua khỏi. Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người duy nhất được nghe lời căn dặn của Bác: “ Lúc này thời cơ đã đến, dù hy sinh đến đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”.
Ngày 11.8, Nhật Hoàng tuyên bố đầu hàng đồng minh.
Từ 13 đến 15.8.1945, Hội nghị cán bộ toàn quốc của Đảng ta họp, quyết định phát động Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước; đường lối chính sách đối nội, đối ngoại; thành lập Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc; nội dung Quốc dân Đại hội. Hội nghị bầu đồng chí Võ Nguyên Giáp cùng 3 đồng chí vào Ban Chấp hành Trung ương.
Ngày 13.8.1945, vào lúc 23 giờ, đồng chí Võ Nguyên Giáp thay mặt Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc, ký vào bản Quân lệnh số 1. Từ trung tâm Tân Trào, lệnh tổng khởi nghĩa được truyền đi khắp nơi trong nước. Ngày 16.8.1945, Quốc dân Đại hội khai mạc tại đình Tân Trào. Đại hội thông qua 10 chính sách lớn của mặt trận Việt Minh; quyết định toàn dân đứng lên võ trang khởi nghĩa giành chính quyền; bầu Ủy ban Dân tộc giải phóng tức Chính phủ lâm thời, gồm 15 vị. Lãnh tụ Hồ Chí Minh được bầu làm Chủ tịch ủy ban. Đồng chí Võ Nguyên Giáp là thành viên Ủy ban Dân tộc giải phóng.
Chiều ngày 16.8.1945, dưới tán cây đa Tân Trào, đồng chí Võ Nguyên Giáp tuyên đọc bản Quân lệnh số 1 làm lễ xuất quân Nam tiến. Mục tiêu trước mắt là giải phóng tỉnh lỵ Thái Nguyên, để từ đó tiến về giải phóng Hà Nội.
Từ trung tâm căn cứ cách mạng Tân Trào, lệnh tổng khởi nghĩa được truyền đi khắp nơi trong nước. Ngay sau khi lệnh tổng khởi nghĩa phát đi, các tỉnh, thành trong cả nước lần lượt đứng lên khởi nghĩa: Tuyên Quang ngày 17.8, Thái Nguyên ngày 20.8, Hà Nội ngày 19.8; Huế, Đà Nẵng ngày 23.8, Sài Gòn 25.8,…
Ngày 2.9.1945, tại Quảng trường Ba Đình, trước hàng vạn đồng bào, Chủ
tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam
dân chủ cộng hòa. Thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám có vai trò và
công lao to lớn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Một trong những dấu ấn của Đại tướng với Tuyên Quang nữa là chiến thắng Bình Ca. Ngày 7.10.1947, Đại tướng đang đi nắm bắt tình hình ở Chiêm Hóa, nghe tin Thực dân Pháp nhảy dù xuống Bắc Kạn với ý định tiêu diệt cơ quan đầu não của ta tại Chiến khu Việt Bắc. Mọi người rất lo lắng, đồng chí đã nói với Bác sĩ Tôn Thất Tùng: "Giặc đến ồ ạt, không đáng ngại" để trấn an mọi người rồi cưỡi ngựa về Tuyên Quang tổng chỉ huy phản công cuộc tiến công của quân Pháp. Bộ Tổng chỉ huy điện cho Khu 10 tích cực đánh địch trên đường sông, đồng thời điều tiếp Tiểu đoàn 42 về Bình Ca kiên quyết bảo vệ cửa ngõ phía Tây của Việt Bắc, cũng là của An toàn khu.
Tiểu đoàn do đồng chí Vũ Phương làm Tiểu đoàn trưởng, đồng chí Hồng Cư làm Chính trị viên. Tiểu đoàn nhận được mệnh lệnh viết tay của đồng chí Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp: “ Tiểu đoàn 42 sống chết với con đường Bình Ca - Thái Nguyên”. Trận đánh này bộ đội ta đã chặn đứng ý đồ đánh vào An toàn khu của địch. Cơ quan đầu não kháng chiến, tiềm lực quân sự, căn cứ địa hậu phương được bảo vệ an toàn.
Với chiến thắng này, Tổng chỉ huy Võ Nguyên Giáp đã biểu dương và tặng thưởng cho Tiểu đoàn lá cờ thêu dòng chữ : "Trận Bình Ca, Tiểu đoàn 42 đã đánh lui một trận đổ bộ của giặc, xung phong cướp súng, bắn chìm pháo thuyền, ghi một chiến công đầu tiên mở đầu cho những chiến công rực rỡ khác trên sông Lô". Từ đó Tiểu đoàn 42 mang tên Tiểu đoàn Bình Ca.
Hai năm sau tiểu đoàn Bình Ca được bổ sung vào biên chế của Trung đoàn Thủ Đô, là một trong những đơn vị nòng cốt để thành lập Đại đoàn Quân Tiên phong - đại đoàn chủ lực đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng họp tại xã Kim Bình (Chiêm Hóa) từ ngày 11 đến 19.2.1951 - Đại hội đẩy mạnh kháng chiến thắng lợi và xây dựng Đảng Lao động Việt Nam, đại hội Đảng đầu tiên được tổ chức trong nước, ngoài Thủ đô Hà Nội. Tại Đại hội, đồng chí Võ Nguyên Giáp được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành
Trung ương Đảng và được Ban Chấp hành Trung ương bầu vào Bộ Chính trị.
Có câu chuyện kể, khi bộ đội ra đón Bác Hồ, bộ đội rất muốn công kênh Bác, vừa lúc đó đồng chí Võ Nguyên Giáp đến, Bác Hồ liền bảo: “Bác cho các chú công kênh Đại tướng của các chú”, thế là các anh bộ đội ở đó liền công kênh Đại tướng, tỏ rõ niềm hân hoan, vui sướng.
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Bác Hồ, Trung ương Đảng, Chính phủ trở lại Tân Trào. Một lần nữa Tân Trào giữ vị trí là trung tâm căn cứ địa cách mạng.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp trò chuyện với nhà văn Phù Ninh - nguyên Tổng Biên tập Báo Tuyên Quang tại nhà riêng của Đại tướng vào năm 1995
Nhà văn Phù Ninh cho biết: Tuy thời gian Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở Tuyên Quang chỉ trong khoảng 3 tháng, nhưng Đại tướng đã đến Tuyên Quang rất nhiều lần để báo cáo tình hình với Bác (Bác Hồ đã ở Tuyên Quang gần 6 năm trong 2 cuộc kháng chiến).
Nhà Văn Phù Ninh kể lại kỷ niệm lần gặp Đại tướng vào năm 1995, khi đó ông là Tổng Biên tập của Báo Tuyên Quang. Ông và các đồng nghiệp ở Báo rất muốn có hình ảnh của Đại tướng đăng trong số báo đặc biệt kỷ niệm 50 năm Cách mạng Tháng Tám thành công.
Đại tướng đã vui vẻ tiếp đoàn, nhắc lại những kỷ niệm hồi làm cách mạng ở Tuyên Quang nói chung và Tân Trào nói riêng. Đại tướng đánh giá cao tấm lòng của người dân Tuyên Quang đã chở che cho cách mạng, góp phần làm nên trang sử hào hùng của dân tộc.
Đại tướng không quên hỏi thăm tình hình đời sống của bà con vùng căn cứ cách mạng xưa và mong nhân dân Tuyên Quang ngày một no ấm, hạnh phúc. Nhắc lại kỷ niệm này, nhà văn Phù Ninh rưng rưng xúc động, hình ảnh giản dị cùng phong cách nói chuyện điềm tĩnh của Đại tướng vẫn còn rõ nét, đi theo năm tháng của cuộc đời ông.
Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc Tuyên Quang luôn khắc ghi những kỷ niệm sâu sắc trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Đã 68 năm trôi qua nhưng hình ảnh Đại tướng cùng với bóng đa Tân Trào lịch sử vẫn in đậm nơi núi rừng và lòng người nơi đây. Mỗi người con trên quê hương Tuyên Quang đều trân trọng và biết ơn tình cảm của Đại tướng, nguyện quyết tâm phấn đấu, rèn luyện, xây dựng quê hương Tuyên Quang, Tổ quốc Việt Nam ngày càng giàu đẹp như Đại tướng hằng mong ước.
TTĐT Tuyên Quang (Theo TTĐT Tuyên Quang)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.