Nhờ Hà Lan hỗ trợ chống ngập cho TP.Thủ Đức

V.D Thứ năm, ngày 21/01/2021 13:37 PM (GMT+7)
Để xây dựng được TP.Thủ Đức trở thành đô thị sáng tạo, thông minh và 5 năm mới ngập một lần, TP.HCM cần giải quyết tốt bài toán giao thông, không gian đô thị, nhà ở.
Bình luận 0

Xây dựng TP.Thủ Đức thành mô hình tiên phong của đô thị hiện đại

UBND TP.HCM vừa phê duyệt đề án hình thành và phát triển đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông thành phố giai đoạn 2020-2035, trong đó có đặt ra mục tiêu 5 năm mới ngập một lần.

Theo đó, TP.Thủ Đức sẽ hình thành và phát triển trên hệ thống mạng lưới đô thị quốc gia và là đô thị loại 1 trực thuộc TP.HCM. TP.Thủ Đức sẽ phát triển kinh tế sáng tạo, liên kết vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đổi mới quản trị nhà nước theo hướng chuyển đổi số mạnh mẽ.

TP.Thủ Đức sẽ hình thành nguồn nhân lực tiên tiến, cân bằng phát triển với môi trường thiên nhiên, hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội thông minh.

Bài toán xây dựng thành phố Thủ Đức trở thành đô thị sáng tạo, ít ngập - Ảnh 1.

TP.Thủ Đức sẽ trở thành đô thị sáng tạo, thông minh và 5 năm mới ngập 1 lần. Ảnh: V.D

UBND TP.HCM đặt mục tiêu dân số TP.Thủ Đức sẽ đạt 1,5 triệu người năm 2030, 1,9 triệu người năm 2040 và 3 triệu người năm 2060. Giao thông công cộng đáp ứng 50 - 60% nhu cầu đi lại.

Năm 2040, TP.Thủ Đức đảm bảo chống ngập tới tần suất 80%, tức là 5 năm mới xảy ra ngập 1 lần. Có 10% diện tích sẽ là công viên và 30% trong số đó sẽ làm hồ điều hòa để giảm rủi ro ngập. 1.000 - 1.200ha đất công nghiệp sẽ được bố trí tại khu đô thị sáng tạo.

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn - Trưởng phòng Quy hoạch chung thuộc Sở Quy hoạch - Kiến trúc (QH-KT) TP.HCM, hiện nay TP.HCM đang trong quá trình điều chỉnh quy hoạch chung của thành phố đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Trong báo cáo định hướng điều chỉnh quy hoạch chung đã được Ban Thường vụ Thành ủy và Ban Chấp hành Đảng bộ TP thông qua, đến năm 2060 TP.Thủ Đức sẽ là thành phố đổi mới sáng tạo, phát triển năng động, tiên phong trong vùng đô thị lớn. Dân số dự kiến từ 2,4 đến 3 triệu người, gấp đôi dân số hiện tại.

Sở Xây dựng TP.HCM cũng cho biết, đang chuẩn bị chương trình phát triển nhà giai đoạn 2021 - 2030 phù hợp với điều chỉnh quy hoạch chung của thành phố.

Theo Sở Xây dựng, trong vòng 10 năm (2009-2020), diện tích nhà ở bình quân tại TP.HCM tăng từ hơn 16,6m2 lên hơn 20m2 trên đầu người. Trong định hướng đến năm 2030, Sở Xây dựng tính toán diện tích bình quân đầu người sẽ tăng lên hơn 26m2.

Hiện nay trên địa bàn thành phố, nhà dân tự xây vẫn chiếm đa số trong cơ cấu nhà ở. Cụ thể, trong giai đoạn 2015-2020, con số này chiếm tới 80% cơ cấu nhà ở, trong khi nhà ở thương mại chỉ có khoảng 19% và nhà ở xã hội chỉ chiếm 1%. Đến giai đoạn 2026-2020, con số này lần lượt là 72%, 25% và 3%.

Liên quan đến định hướng nhà ở cho TP.Thủ Đức, Sở Xây dựng TP.HCM cho hay, TP.Thủ Đức được thành lập dựa trên việc sáp nhập ba quận: 2, 9 và Thủ Đức, vốn thuộc phạm vi 12 quận nội thành phát triển. Vì vậy, khi TP.Thủ Đức ra đời thì cũng thuộc khu vực nội thành phát triển. Do vậy, vẫn phải đảm bảo bài toán phát triển nhà ở nhưng cũng phải có động lực mới để phát triển nhà ở trong thời gian tới.

Lõi của TP.Thủ Đức sẽ có ba trung tâm động lực chính là Khu công nghệ cao, ĐH Quốc gia và Khu đô thị (KĐT) Thủ Thiêm.

Nhờ Hà Lan hỗ trợ chống ngập hiệu quả cho TP.Thủ Đức

Rút kinh nghiệm về bài học phát triển nhà ở của các giai đoạn trước, việc phát triển nhà ở cần phải dựa trên việc đầu tư hạ tầng đồng bộ. Tránh trường hợp hạ tầng chưa có, khi nhà ở mọc lên sẽ gây quá tải lên hạ tầng hiện hữu, kẹt xe, ngập nước…

Để đề án đảm bảo chống ngập tới tần suất 80%, tức là 5 năm mới xảy ra ngập 1 lần cho TP.Thủ Đức đạt được hiệu quả cao, UBND TP.HCM đã có cuộc làm việc với bà Elizabeth Akkerman - Đại sứ Hà Lan tại Việt Nam - về quan hệ hợp tác cũng như thảo luận về một số dự án hai bên cùng quan tâm, nhất là lĩnh vực chống ngập.

Bài toán xây dựng thành phố Thủ Đức trở thành đô thị sáng tạo, ít ngập - Ảnh 3.

TP.HCM sẽ nhờ Hà Lan hỗ trợ chống ngập tại TP.Thủ Đức. Ảnh: V.D

Thời gian qua, giữa TP.HCM và Hà Lan đã ký một số biên bản ghi nhớ về lĩnh vực chống ngập, cung cấp nước sạch. TP.HCM mong muốn Hà Lan sẽ hỗ trợ thành phố chống ngập hiệu quả cho TP.Thủ Đức bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Ông Trần Phước Anh - quyền Giám đốc Sở Ngoại vụ TP.HCM - cho biết, dự án chống ngập bền vững tại TP.Thủ Đức có tổng mức đầu tư hơn 1 tỷ USD, do Chính phủ và doanh nghiệp Hà Lan thực hiện theo mô hình hợp tác công tư.

Để triển khai dự án chống ngập này, Chính phủ Hà Lan cần sự đảm bảo và cam kết hỗ trợ của TP.HCM để có thể kêu gọi đầu tư.

Quyền Giám đốc Sở Ngoại vụ TP.HCM cho biết, Chính phủ Hà Lan cam kết ủng hộ và tạo điều kiện cho dự án được thực hiện. Do dự án được vận hành và đầu tư theo phương thức mới nên Sở Ngoại vụ đề xuất UBND TP.HCM giao các sở, ngành liên quan cùng phối hợp để triển khai dự án.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem