Hàng năm, khi tiết trời vừa se lạnh, cũng là mùa bông so đũa ở quê tôi đua nhau trổ hoa. Những chùm hoa trắng muốt, đong đưa xen lẫn nụ búp lúng liếng, không chỉ quyến rũ đàn ong bướm “đa tình”, mà còn gợi lại trong tôi bao ký ức tuổi thơ và nỗi thèm tiếc về món canh chua bông so đũa của mẹ nấu.
Hái bông so đũa rất vui, có đứa trèo lên cây với tay bẻ cả nhánh quăng xuống đất, có đứa dùng sào dài để giật từng chùm bông. Bọn con gái không biết trèo thì ngồi dưới gốc cây chờ những chùm bông trắng nõn rơi xuống rồi cùng nhau lượm bỏ vào giỏ, rồi nhí nhảnh cài lên mái tóc mình một chùm bông trắng muốt, hả hê vui đùa một cách hồn nhiên. Chỉ có thế thôi mà sao tôi cứ nhớ mãi, nhớ hoài mùa bông so đũa quê mình.
Bông so đũa tươi ngon nhất là hái vào buổi sáng khi còn đượm hơi sương. Mặt trời vừa lóe lên, từng chùm bông sẽ bắt đầu nở rộ, những cánh hoa dịu dàng, e ấp để lộ chùm nhụy vàng tinh khiết và một túi mật ngọt ngào, toát ra mùi hương quyến rũ diệu kỳ, biến những hàng rào, những khu vườn quê thành một “thiên đàng” cho các loài ong bướm và cả lũ trẻ con vờn quanh.
Hái bông so đũa.
Hằng năm bông so đũa trắng chỉ ra hoa một lần. Đến cuối mùa, mỗi cành cây đều mang nặng những trái dài thon thả, đều đặn giống như những chiếc đũa cặp đôi treo lủng lẳng trên cành. Theo truyền miệng trong dân gian, ở quê tôi, có nhiều cặp trai gái yêu nhau đã mượn mùa bông so đũa để hẹn hò “Ra giêng, lúc nào so đũa thành đôi thì mình sẽ lấy nhau thành đôi vợ chồng”.
Theo quy luật của đất trời, cứ gần đến dịp Tết thì ngoài vườn rau cải trời nhà tôi mọc xanh mơn mởn. Mẹ tôi thường hái rau cải trời về nấu canh với tép và bẻ bông so đũa nấu canh chua với cá rô đồng, cá trê hoặc cá linh cuối mùa. Tuy là món ăn thảo dã, nhưng mùi vị rất thơm ngon, vừa đăng đắng vừa ngọt ngào. Chỉ cần húp một muỗng thôi cũng đủ khiến cho người sảng khoái nhờ các mùi vị rất riêng, nên chỉ ăn một lần thôi cũng đủ nhớ, nhớ đến se sắt lòng.
Món canh chua bông so đũa.
Gần đây, nhiều người đi xa khi trở về thăm quê hương cũng thường hay tìm đến những quán ăn đạm bạc bên bờ sông hoặc dưới hàng cây xanh mát và gọi những thức ăn dân dã như bánh xèo, lẩu mắm chấm bông so đũa… Những loại rau quê ấy mang dấu ấn thiên nhiên để tìm lại chút dư vị của ngày xưa. Họ muốn sống lại với những ký ức qua những món ăn mộc mạc ở quê nhà.
Sau bao năm dài xa quê, trở về trong giây phút chạnh lòng, tôi lại thèm một nồi canh chua cơm mẻ - cá đồng nấu với bông so đũa do chính tay mẹ mình chăm chút. Tiếc rằng cuộc sống cũng như một dòng chảy mang theo tất cả những vui buồn khiến cho chúng ta phải xa quê, xa kỷ niệm để cứ mỗi mùa bông so đũa đến, tâm hồn lại tràn ngập nhớ nhung.
(Hiện nay có giống bông so đũa tím và trắng ra hoa quanh năm, nhưng không thơm ngon bằng so đũa miệt vườn năm xưa).
Bông so đũa tươi mới hái.
Bông so đũa hiện nay được coi là một một loại rau đặc sản luôn có mặt trên bàn tiệc nơi miệt vườn miền Tây.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.