Lưu Tuấn Anh
Thứ hai, ngày 29/08/2022 08:30 AM (GMT+7)
"Nhớ thương Lưu Quỳnh Thơ - Em Mí của tôi!" là bài viết - những dòng cảm xúc chất chứa yêu thương của tác giả Lưu Tuấn Anh (con trai nhà thơ Xuân Quỳnh) viết về em trai Lưu Quỳnh Thơ của mình. Người em trai mà dẫu đã 34 năm đi xa, anh Lưu Tuấn Anh vẫn chưa một ngày thôi thương nhớ...!
Mí là cái tên trìu mến mà gia đình nhà viết kịch Lưu Quang Vũ, nhà thơ Xuân Quỳnh, anh Lưu Tuấn Anh, anh Lưu Minh Vũ thường gọi Lưu Quỳnh Thơ (sinh năm 1975) – người con/người em út trong gia đình.
Ngỡ rằng, Mí – niềm tự hào của cả gia đình, cậu bé mà bất kỳ ai gặp cũng có thể mến thương ngay được sẽ lớn lên như bao đứa trẻ khác và tỏa sáng tài năng thiên bẩm của mình. Nhưng, định mệnh đớn đau đã "cướp" mất Mí cùng bố mẹ là nhà viết kịch tài ba Lưu Quang Vũ và nhà thơ Xuân Quỳnh trong một vụ tai nạn giao thông dưới chân cầu Phú Lương (Hải Dương) vào ngày 29/8/1988, khi cả gia đình có chuyến công tác từ Hải Phòng về Hà Nội.
34 năm đã trôi qua, nỗi đau mất đi một lúc 3 người thân yêu vẫn nhói lên trong tâm khảm của những người ở lại. Nỗi đau đã trở thành vết thương quá lớn và thời gian không đủ nhiệm màu để chữa lành vết thương ấy. Ký ức về Mí – cậu em như một "tặng vật" quý giá nhất trên đời mà Thượng đế đã ban tặng cho anh Lưu Tuấn Anh vẫn còn rất rõ mỗi khi nhắc đến.
Trong những cảm xúc mênh mang của mùa Thu tháng Tám, báo Dân Việt gửi đến bạn đọc tâm sự chất chứa yêu thương của anh Lưu Tuấn Anh viết về em Mí – Lưu Quỳnh Thơ của mình. Đây cũng là lần đầu tiên anh Lưu Tuấn Anh cho công bố bài viết này và Dân Việt độc quyền đăng tải để gửi đến bạn đọc gần xa!
– "Anh ơi, có người viết về anh Mí trên Facebook đấy!", vợ tôi gọi.
– "Đâu em?", tôi ngừng kiểm tra email trên máy tính xách tay và vội chuyển sang Facebook.
Vợ tôi từ phòng trong ra ngồi xuống bên cạnh và chỉ cho tôi địa chỉ của tới bài viết. Thì ra đây là trang Facebook của một người bạn học của Quỳnh Thơ tên Thủy và từng là một hoa hậu nổi tiếng. Tôi hơi ngỡ ngàng vì tiêu đề bài viết "Mắc kẹt lại tuổi thơ – Viết tặng Lưu Quỳnh Thơ". Nhưng rồi tôi nhanh chóng bị cuốn vào những dòng tâm tư từ ký ức của tác giả.
"Cô Hương, tên cô giáo của em, tỏ ra rất sốt sắng đón chào thằng bé mới đến. Nó để tóc dài hỉ nhi y như em nhưng trông vẫn đặc con trai, có lẽ ở đôi mắt đen và lém lỉnh cùng với cặp chân mày đen như vẽ. Nó cười rất xinh nhưng vẫn lém lỉnh và tự tin chững chạc như không biết sợ sệt, e ngại là gì. Nó cười với tất cả mọi người trong lớp và cười cả với em. Em tin ngay rằng nó là đứa trẻ đầu tiên trong đời đã mỉm cười với em tính đến lúc đó. …. Cô Hương giới thiệu: Đây là Quỳnh Thơ, con trai của mẹ Xuân Quỳnh."
Hình ảnh đứa em tôi lại hiển hiện sống động ngay trước mắt. Mái tóc đen dài, gương mặt trong sáng và nụ cười thánh thiện của nó. Ôi, đã ngần ấy năm trôi qua rồi. Tim tôi lại nhói đau.
******
Sau khi lấy bố dượng tôi, chú Vũ, mẹ tôi rất thèm có một đứa con gái. Có lẽ mẹ cần sự dịu dàng, tình cảm của một đứa con gái để cân bằng lại với cái ngỗ nghịch vốn có thừa của hai thằng con trai − tôi và Kít. Khi có mang, mẹ và chú Vũ tôi đã sắp sẵn cái tên Quỳnh Thơ vì đinh ninh sẽ sinh con gái. Nhưng trời đã không chiều lòng mẹ.
Cái tên đặc con gái ấy rốt cuộc lại đặt cho một thằng con trai, thằng thứ ba trong nhà. Không biết có phải vì mẹ tôi mong con gái quá hay không mà thằng em út của tôi xinh xắn giống con gái thật. Da nó trắng bóc, còn mắt thì to và đen láy. Mẹ thương nó lắm và để tóc dài cho nó nên lại càng giống con gái khiến ai nhìn cũng nhầm. Cả nhà gọi nó là Mí, cái tên nghe cũng con gái luôn.
Tôi và Kít thấy mẹ dành nhiều tình cảm cho em cũng chẳng lấy làm phiền. Mí ra đời làm cho cả nhà càng gắn bó hơn vì ai cũng yêu nó. Mới hai tuổi, Mí đã bắt đầu cầm bút sáp tập vẽ mặc dù chẳng có ai dạy. Ban đầu tôi nghĩ nó nghịch chứ chẳng có ý thức gì sất. Chả bao lâu, cả nhà đều ngạc nhiên vì nó vẽ nhiều và vẽ ngày càng đẹp. Cả căn phòng của mẹ và bố dượng tôi la liệt những bức vẽ của nó.
Khi nó ba tuổi rưỡi, mẹ gửi một bức vẽ của nó để dự thi cuộc thi vẽ thiếu nhi quốc tế "Năm 2000 em sống như thế nào" do UNICEF tổ chức. Tưởng dự cho vui ai dè bức vẽ của nó đọat giải Nhì - mà cuộc thi ấy không có giải Nhất. Tác phẩm của nó có hình ảnh một cậu bé cưỡi ngựa đi dạo trong một cái hồ toàn hoa giống như hoa sen. Tôi băn khoăn vì chẳng có cái chi tiết nào trong bức vẽ giống thật cả mà người ta cũng cho nó giải. Chắc là người ta đánh giá tác phẩm ở mức độ viễn tưởng.
Càng lớn Mí càng tỏ ra là một đứa trẻ đặc biệt với trí thông minh khác thường. Nó đi học thường đứng đầu lớp mà không mấy vất vả. Có lần nó bị xếp thứ ba ở lớp về nhà đã thành sự kiện rồi. Tôi và Kít – tuy chẳng mấy khi có vinh dự đứng trong top 5 của lớp – nhân cơ hội trêu Mí là để hai thằng nó "ị" lên đầu. Không phải chỉ học văn hóa mà Mí học cái gì cũng nhanh và nhàn nhã, khiến tôi với Kít nhiều khi trở thành hai thằng ngố khi so sánh. Môn vẽ thì nó vô đối rồi. Học tiếng Anh thì học tới đâu, nhớ tới đó, trong khi tôi với Kít thì nhét bao nhiêu vào đầu lại trôi đi bấy nhiêu. Tới môn nhạc thì nó cũng là đứa có khiếu nhất mặc dù đi sau hai anh.
Hồi đó cả ba anh em tôi đều học ghi-ta. Tôi và Kít học trước với thầy Phạm Ngữ, bác nhạc sĩ già hàng xóm cùng tầng của chúng tôi. Bác Ngữ từng là thành viên của nhóm nhạc Đồng Vọng nổi tiếng một thời. Sau một thời gian thì Mí cũng học, lúc đó thì Phương, con trai bác Ngữ dạy chúng tôi thay cha. Tôi học không kém nhưng hơi chậm trong việc nhìn bản nhạc và phối hợp hai tay. Gặp phải bài khó là nhịp phách của tôi loạn cả lên, mắt thì trợn mà mồ hôi toát ra đầm đìa. Học đàn mà như đi cày ruộng vậy.
Kít thì còn thê thảm hơn nữa. Hắn nhìn bản nhạc đờ đẫn một lúc cứ như mặc niệm. Thầy sốt ruột nhưng đành phải đợi, tưởng chừng cả thầy và trò đang ngồi thiền. Rồi đang trong tĩnh lặng vô biên thì hắn bỗng gảy cái "phừng" khiến cả thế giới giật mình. Đúng một tiếng thôi, rồi lại rơi vào tĩnh lặng. Mí học ghi-ta là thoải mái nhất. Nó cầm đàn là cười như hoa và chẳng có vẻ gì là căng thẳng cả. Thầy Phương bảo gì nó làm được ngay tắp lự. Bản nhạc mới đưa ra nó liếc qua một téo là tay múa "tăng tăng tăng tăng" trôi chảy tới hết bài thì thôi.
Phương thích Mí lắm nên mấy lần bảo tôi: "Thằng em ông nhạc cảm tốt hiếm có. Nó học nhanh nên dạy nó sướng thật đấy!". Những lần tôi ôm đàn hòa tấu với thầy Phương, Mí ngồi xem và cũng cầm đàn bắt chước. Chẳng mấy chốc nó cũng bắt đầu biết hòa tấu những bài đơn giản. Có hôm tôi ngồi một mình gảy giai điệu bài Lymphard Melody của Richard Clayderman, Mí xách đàn đến bảo muốn đánh hợp âm để hòa. Bài này mới tinh mà và thuộc loại khó nên tôi không tin lắm là nó đánh được.
Thế mà sau vài phút, tôi chỉ bảo nó vào hợp âm ngon lành hòa với tôi. Hai anh em sung sướng ngồi đàn cả tiếng đồng hồ. Sau vụ đó Mí tiến bộ cực nhanh. Nó có thể hoà tấu trong vai trò đánh đệm hợp âm hoặc đi bè bass cùng tôi và thày Phương một loạt các bài hát nổi danh thời đó của các ban nhạc ABBA, Smokie và Eagles.
*******
Mí hơn hẳn hai anh về mặt ý thức trách nhiệm. Trên phương diện này thì nó mới là người lớn, còn tôi và Kít chỉ là hai đứa trẻ lớn xác. Khi thấy bố mẹ vất vả, nó chủ động giúp đỡ mà không phải yêu cầu. Thậm chí, nó tự nguyện làm cả những việc không thuộc trách nhiệm của nó hay lứa tuổi của nó. Mẹ tôi rất vui vì Mí biết an ủi mẹ và thể hiện tình thương với mẹ bằng hành động. Khát khao có con gái của mẹ cuối cùng cũng được bù đắp từ cậu con trai út giàu tình cảm.
Hồi ấy căn hộ của mẹ tôi và chú Vũ ở tầng ba của khu nhà tập thể. Chỉ có đúng một vòi nước công cộng cho 40 hộ dân của toàn khu và nó lại ở tầng một. Máy bơm hồi đó không có nên hộ nào cũng phải cử người xuống hứng nước bằng xô và xách lên nhà để tắm và nấu ăn. Ai muốn giặt thì phải bê chậu quần áo xuống tầng một giặt cạnh vòi nước. Mẹ tôi phải giặt quần áo thường xuyên cho cả nhà, giặt nhiều tới mức bột giặt ăn mòn cả da tay.
Khi lên 8 tuổi, Mí thương mẹ nằng nặng đòi vào giặt cùng mẹ. Rồi nó cũng học cách hòa xà phòng, vò quần áo và giũ nước. Tôi và Kít không tham gia giặt giũ thì được giao việc xách nước nhưng có lúc chúng tôi lủi đi chơi và quên tiệt nhiệm vụ của mình. Những lúc như thế, mẹ tôi một tay ôm chậu giặt, một tay xách xô nước đầy đi liêu xiêu bước từng bậc cầu thang lên gác. Mí thấy cảnh đó lại đòi xách nước giúp mẹ. Nhưng cái xô quá to so với thân hình trẻ con của nó nên nó xách không nổi. Nó đòi mẹ mua cho nó cái xô nhỏ vừa khổ người để xách nước. Có cái xô rồi nó xách nước cả sáng lẫn chiều. Cái quai xô cứng làm tay nó nổi chai ở lòng bàn tay như người lớn vậy.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.