Lưu Tuấn Anh
Thứ ba, ngày 30/08/2022 08:30 AM (GMT+7)
Trong mạch cảm xúc "Nhớ thương Lưu Quỳnh Thơ - Em Mí của tôi!" (bài 1) , tác giả Lưu Tuấn Anh tiếp tục với những hoài niệm về người em trai vừa tình cảm, vừa tài năng, vừa tinh nghịch. Với tác giả, chỉ một lời nói thô bạo với em Mí thôi cũng khiến anh thấy mình tội lỗi, không đáng làm anh.
Khỏi phải nói là mẹ tôi yêu Mí như thế nào. Nó là đứa con hoàn hảo mà mọi người mẹ đều ước muốn. Mỗi lần nó thỏ thẻ: "Mẹ để em làm giúp cho" thì gương mặt mẹ lại bừng lên rạng rỡ vì hạnh phúc. Cái cách Mí xưng hô với bố mẹ cũng rất đặc biệt và dễ thương. Nó tự gọi nó là "em" - cứ như học trò và thầy cô giáo vậy. Tôi rất bực mình khi bất kỳ ai nhắc Mí là em cùng mẹ khác cha với tôi. Với tôi nó là đứa em ruột trọn vẹn và tôi yêu nó, có thế thôi và tôi không muốn nghe thêm điều gì khác.
Tôi không bao giờ gọi Mí bằng "mày" và cũng chưa bao giờ nổi quạu với nó. Với đứa em thông minh, ngoan ngoãn như thế thì chỉ một lời nói thô bạo với nó thôi tôi cũng thấy mình tội lỗi, không đáng làm anh.
*****
Thậm chí, hàng xóm khu tập thể chúng tôi ai cũng quý Mí. Có hai người hàng xóm đặc biệt mến nó là là chị Hằng - diễn viên Nhà hát Tuổi Trẻ và cô Phúc - con dâu của lão nhà văn Huy Phồn. Cô Phúc đôi khi còn trìu mến gọi nó bằng "con".
Nhưng mối quan hệ đặc biệt nhất của Mí khiến nhiều người hoài nghi và tò mò là với bố đẻ tôi. Bố Tuấn của tôi không phải chỉ quý nó mà thực lòng yêu nó như con đẻ vậy. Bố dành thời gian trò chuyện với nó, làm đồ chơi cho nó, để dành bánh kẹo cho nó, dạy nó nhạc, sửa đàn cho nó và làm bất cứ việc gì khiến nó vui. Đôi khi thấy Mí xách đàn ghi-ta lên, bố tôi còn nổi hứng lấy vi-ô-lông ra kéo hòa với nó.
Những chiều hè nóng, Mí muốn ngủ trên sân thượng ngoài trời (cả nhà tập thể của tôi có một cái sân công cộng trên nóc). Thấy nó vác chiếu lên, bố tôi bảo: "Mí ơi! Cháu không nằm lên sàn được đâu vì gạch bị nắng cả ngày nóng lắm, để bác bê chõng lên cháu nằm cho mát". Thế là bố tôi lụi cụi bê cái chõng tre lên và còn cẩn thận dội nước vào sàn gạch bên dưới chõng để Mí nằm cho mát.
Còn cái dạo Mí bắt đầu xách nước giúp mẹ nó kêu đau tay vì cái quai xô vuông và cứng quá. Bố tôi thương nó nên cắt mảnh cao su bọc cái quai xô lại để nó xách cho êm và đỡ bị chai tay. Mí lên căn hộ của chúng tôi chơi thường xuyên và cứ có việc gì cần tới bàn tay khéo léo của bố tôi là là nó không ngần ngại gọi "Bác Tuấn ơi. Bác làm hộ cháu ..."!
Tuy Mí ngoan thật nhưng nếu bảo nó không nghịch thì không đúng. Suy cho cùng thì nó vẫn là một thằng con trai đúng với bản chất. Mà đã là con trai nhanh nhẹn thì làm gì có thằng nào không nghịch. Vì thông minh nên nó hay dẫn đầu đám trẻ bằng tuổi hoặc nhỏ hơn trong các trò. Nó tụ tập bọn trẻ để đá bóng, trốn tìm, ném lon hoặc kể chuyện tếu. Mí có khiếu hài hước và biệt tài đóng kịch nên nó có thể tự tạo ra một màn kịch do nó thủ vai.
Có lần nó đóng vai lão nông lưng còng ngồi đan sọt và trò chuyện bằng thổ ngữ miền quê. Có lần khác nó đóng vai một anh công an cầm súng vào rừng săn cướp với vẻ mặt căng thẳng trên một nền âm thanh đầy gay cấn (y chang phim hình sự Việt Nam mà nó đã từng xem).
Nhạc và âm thanh thì nó tự tạo ra bằng mồm và điều tiết nhanh chậm và to nhỏ theo tình huống. Nó bảo bọn trẻ khi nào tiếng nhạc hoặc tiếng mõ to lên đỉnh điểm "cộc cộc cộc choeng" là thằng cướp chuẩn bị lao ra. Bọn trẻ lâu la của nó ngồi xem hoặc cười lăn hoặc bị hút hồn tới há hốc cả mồm cứ như xem phim thật.
Nói chung thì các trò mà nó đầu têu đều không làm ảnh hưởng tới ai, quá lắm chỉ gây ồn ào một chút. Nếu có người lớn nhắc nhở là nó vâng lời và dừng ngay. Nhưng rồi tới năm 11 tuổi nó cũng gây một chuyện động trời cho cả hàng xóm và gia đình. Buổi tối mùa hè tháng 7 hôm ấy, Mí ở trên sân thượng cùng một đám trẻ trong đó có thằng Thân lớn hơn nó bốn tuổi. Ngồi buồn, thằng Thân – vốn nổi tiếng là vua quậy trong khu tập thể - đứng dậy khởi xướng một trò giải trí.
– "Chúng mày nghe đây. Hôm nay chúng ta sẽ giới thiệu đội hình bóng đá toàn siêu cầu thủ từ các quốc gia trên thế giới", Thân dõng dạc tuyên bố.
– "Thế là thế nào anh Thân ơi?", bọn trẻ tỏ vẻ không hiểu.
– "Mỗi người đều phải lần lượt giới thiệu cầu thủ mà mình cho là xuất sắc. Quan trọng nhất là màn giới thiệu phải đặc biệt vui, hí hí. Thôi để tao làm mẫu là chúng mày hiểu ngay thôi".
Thằng Thân bắt đầu màn giới thiệu đầu tiên: "Tôi xin giới thiệu, trung phong hàng đầu của Đức, cầu thủ Hac Lao Ghe Lơ (hắc lào ghẻ lở). Anh là em trai của cầu thủ lừng danh Ngheo Cu Toi (nghẻo củ tỏi) mới chết năm ngoái. Cầu thủ đối phương thấy anh vừa đi bóng, vừa gãi là tự động tránh xa".
– "Ha ha ha ...", lũ trẻ cười ngất… "Anh Thân ơi, trẻ con Việt Nam cũng sợ ông này lắm!".
Số là phần lớn chúng tôi thời đó đều bị hắc lào, ghẻ lở.
Đã hiểu cuộc chơi, Mí chủ động đứng lên và bắt đầu màn giới thiệu tiếp theo: "Bắt bóng giỏi nhất trên thế giới là thủ môn người Pháp tên Mông Ta To Ghê. Biệt tài của anh là không dùng tay bắt bóng mà dùng mông chặn và phá bóng. Khi tiền đạo đối phương tấn công, anh chỉ việc chổng mông ra che kín khung thành".
Lần này thì lũ trẻ phát cuồng, chúng bắt đầu xung phong để được giới thiệu.
– "Cầu thủ người Trung Quốc, Quấn Ra Đài (đái ra quần).... vừa rê bóng vừa tưới cỏ trên sân ...".
– "Cầu thủ Thái Lan, Bủm Xịt Thủm ... với các đường bóng khiến đối phương ngừng thở ...".
– "Cầu thủ Việt Nam, Trần Phân Bắc. Anh là chân sút số một của đội Chuồng Tiêu...".
Cứ thế cuộc chơi tiếp diễn trong tiếng cười hỉ hả của bọn trẻ. Tôi ngồi hóng gió gần đó cũng khoái trá với các trò bậy bạ mà khôi hài này. Nhưng giới thiệu được khoảng chín cái tên một lúc thì cả lũ hết vốn và tắc tị. Thằng Thân đầu trò vò đầu bứt tai nhưng vẫn không nặn ra được cái tên nào mới. Bí quá nó quay sang Mí:
"Mày nhanh trí nghĩ tiếp đi nào".
Mí giật mình và ngơ ngác vài giây vì nó cũng đang bế tắc. Nhưng rồi một ý tưởng chợt đến và nó nở nụ cười:
– "E hèm. Cầu thủ đặc biệt nhất trong đội hình thế giới là hậu vệ chém đinh chặt sắt Phôn Ông Chìm Loi Toi Xoi (chim ông Phồn) ....".
Nó chưa kịp dứt lời thì bọn trẻ đã cười rú lên thích thú làm gián đoạn màn giới thiệu. Chúng đều quá biết lão nhà văn Huy Phồn sống ở tầng ba (thường được những người trong giới văn gọi là cụ Đồ Phồn). Cụ Phồn là người thích yên tĩnh nên hay la mắng tụi trẻ khi chúng huyên náo gần nhà cụ. Phần lớn trẻ con trong nhà tập thể đều sợ cụ.
"Ha ha ha ... Hi hi hi ... Ối giời ơi, đau bụng chết mất". Tụi trẻ vẫn cười không dừng. Chỉ có mỗi thằng Minh là ngồi im không cười mà mặt méo xệch. Lý do đơn giản vì nó là cháu nội của cụ Phồn. Mí cũng có vẻ bối rối vì chót xúc phạm tới đàn em nhưng phút bối rối của nó nhanh chóng qua đi vì sự hỉ hả của cả bọn.
Nhưng không may cho Mí và cả lũ trẻ là có mấy người hàng xóm lớn tuổi cũng chứng kiến sự việc từ đầu tới cuối và rất khó chịu với cách giải trí nhảm nhí này. Một người hàng xóm đi mách bố mẹ của tất cả tụi trẻ và dĩ nhiên cả mẹ chúng tôi nữa. Mẹ thực sự sốc vì không bao giờ nghĩ Mí có thể nói những điều bậy bạ như vậy.
Mẹ trách tôi:
– "Con là anh, có mặt ở đó không ngăn em mà cũng cười hùa với chúng nó".
– "Ôi dào mẹ ơi. Bọn nó đùa thôi chứ có gì nghiêm trọng đâu", tôi đáp.
– "Con không nghe người ta kháo nhau à? Họ bảo – Không thể tin được là thằng bé Mí bình thường ngoan ngoãn thế mà lại hỗn như vậy". Rồi mẹ nói chuyện với Mí. Mẹ không ra mắng nhưng thể hiện buồn và thất vọng vì nó. Mẹ bảo: "Cô Phúc quý con như thế. Em Minh con cô Phúc chơi thân với con. Mà sao con có thể nói điều xúc phạm như thế hả Mí?". Mí hoảng lắm vì có lẽ điều nó sợ nhất trên đời là làm cho mẹ buồn. Nó hứa không bao giờ có thái độ hay lời nói thiếu tôn trọng với người lớn nữa. Rồi nó sang xin lỗi cô Phúc bên nhà cụ Phồn. Cô Phúc cười xòa – vốn quý và hiểu nó nên cô cũng chẳng buồn giận. Quan hệ của Mí và thằng Minh cũng không vì chuyện này mà xấu đi. Chúng vẫn quấn lấy nhau anh anh... em em.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.