Hồi nhỏ, sáng nào má cũng cho tôi 5 cắc để ăn sáng. 5 cắc hồi đó lớn lắm, đủ để no bụng với khá nhiều món lót lòng. Tôi vốn là thằng nhỏ ưa ngọt nên mỗi sáng đi học, thay vì ăn gói xôi, tô cháo lòng, tô bánh canh, đĩa bánh bèo… tôi chỉ thích hai món là bánh cam và bánh còng.
Lẽ dễ hiểu là vì bánh cam có hình tròn dẹp và bánh còng giống như chiếc vòng đeo tay của má. Tuy nhiên hấp dẫn hơn vẫn là cả hai đều có màu cam sậm, nổi lên trên bề mặt của bánh là một lớp mỏng màu đỏ đậm. Đó là lớp nước đường người ta nhúng vào sau khi chiên bánh chín. Màu đỏ ấy quyến rũ cái lưỡi lúc nào cũng thèm ngọt của lũ nhỏ chúng tôi. Cứ tưởng tượng le lưỡi liếm một phát lên bề mặt lớp đường ấy cũng có thể biết nó ngọt lịm cả thần hồn như thế nào.
Bánh còng, bánh cam là những món ngon bình dị một thời. (ảnh: Đức Khánh)
Nhưng đâu đã hết, bên trong cái bánh cam và bánh còng ấy còn chứa một điều “bí mật” nữa. Cũng là cái chất ngọt nhưng dịu nhẹ lại thêm vị bùi béo mê hồn. Có được như vậy là nhờ bên trong lớp vỏ cưng cứng của bột gạo chiên, chính là cái nhân bánh được tạo bằng lớp đậu xanh tán nhuyễn cùng nước cốt dừa béo ngậy. Với nhiều ưu điểm như vậy, những chiếc bánh cam và bánh còng sáng nào cũng “vét” sạch túi nhưng tôi vô cùng ưng bụng.
Ngày nay, xã hội ngày càng phát triển, thức ăn vặt bày bán nhiều, hiện hữu khắp nơi từ đường phố, trong hẻm, cạnh cổng trường học… Các loại món ăn vô cùng phong phú, hớp hồn tụi nhỏ với những tên gọi nghe rất “kêu”. Nào là: Xoài lắc; bánh mì nướng sa tế; khoai tây lốc xoáy; bò lúc lắc; bánh tráng trộn; hột gà nướng… Ngẫm lại, thấy tụi nhỏ ngày nay sướng thiệt, có vô vàn sự lựa chọn món ăn mà chúng ưa thích.
Mưa lất phất, chạnh lòng tôi lại nhớ món bánh xưa. Cái món ăn bình dị ngon ngọt đến lạ thường. Chạnh lòng tôi tự hỏi, mấy ai còn nhớ đến bánh còng, bánh cam?.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.