Nhóm bạn trẻ 10X mang mái ấm đến với người vô gia cư Hà Nội

Khánh Ly Thứ bảy, ngày 11/03/2023 06:10 AM (GMT+7)
Xa quê hương, phải học tập và làm việc nơi “đất khách, quê người”, vượt qua nhiều khó khăn về nhân lực, định kiến, kinh tế... nhóm bạn trẻ quyết tâm thuê một căn nhà để làm nơi mang mái ấm đến với người vô gia cư.
Bình luận 0

Lời hứa với người vô gia cư

Giờ tan tầm, chúng tôi đến thăm một căn nhà đặc biệt nằm sâu trong con ngách nhỏ giữa trung tâm Thủ đô Hà Nội. Đó là nơi mà nhóm 3 bạn trẻ 10X gồm Lê Thanh Hải (SN 2000), Lê Minh Sơn (SN 2002) và Nguyễn Vương Anh (SN 2002) thuê làm mái ấm tình thương cho người vô gia cư.

Khác với tưởng tượng, ngôi nhà trước mắt cao 4 tầng, vô cùng khang trang và sạch sẽ. Tầng 1 có 1 chiếc giường nhỏ, vệ sinh khép kín và chiếc bàn uống nước. Ngay lối cửa vào có thêm chiếc xe đạp với đủ thứ hàng hóa đằng sau. Thấy chúng tôi đến, Thanh Hải, Minh Sơn cùng một vài thành viên đang sống trong căn nhà nở nụ cười tươi, đón chúng tôi vào nhà.

Nhóm bạn trẻ 10X mang mái ấm đến với người vô gia cư Hà Nội - Ảnh 1.

Căn nhà “Hà Nội Chung Tay” - Địa chỉ số 12, ngách 51, ngõ Linh Quang, phường Văn Chương, quận Đống Đa, TP.Hà Nội. Ảnh: Khánh Ly

Tuy là trưởng nhóm nhưng Hải mới sinh sống và làm việc ở Hà Nội gần 4 tháng. Thời gian đầu, do tò mò, lần đầu được sống tự lập xa nhà nên khi rảnh, Hải dành nhiều thời gian dạo phố để khám phá, trải nghiệm cuộc sống mới.

Trong 1 lần đi qua khu vực Tòa án nhân dân tối cao Thành phố Hà Nội, khoảng 12h đêm, đường phố vắng tanh giữa cái lạnh thấu xương của đợt rét đậm, mọi người chìm trong giấc ngủ say, Hải phát hiện một cụ ông co ro ở góc vườn hoa. Trời lạnh, không có chỗ ngủ, ông dựa vào ghế rồi quấn chăn xung quanh cho đỡ lạnh.

“Ông cụ ngủ bên cạnh chiếc xe đạp với chiếc sọt hàng quần áo đã khiến em ám ảnh cả ngày hôm sau. Em nhận ra ban ngày, nếu ông cụ đi bán hàng mưu sinh, chắc chẳng ai biết ông cụ là người vô gia cư đâu. Chỉ đến khi đêm xuống, ông cụ co ro trên vỉa hè, ghế đá công viên... thân phận mới hiện lên rõ rệt nhất. Lúc đó, em tự nhủ mình phải làm gì đó để giúp đỡ họ ngay” - Hải nhớ lại.

Nhóm bạn trẻ 10X mang mái ấm đến với người vô gia cư Hà Nội - Ảnh 3.

Những ngày cuối năm Nhâm Dần, Thanh Hải hỏi chuyện, tâm sự trước khi đưa ông cụ vô gia cư về mái ấm tình thương của nhóm. Ảnh: Khánh Ly

Hải quay trở lại địa điểm cũ ngay ngày hôm sau, gặp ông Nguyễn Bá Thành (70 tuổi, quê Nam Định) – Người vô gia cư co ro trên ghế đá đêm qua. Trò chuyện với ông cụ một hồi, tìm hiểu hoàn cảnh, nghe ông tâm sự xong, Hải ra về với lời hứa: “Ông chờ cháu! Trước Tết cháu sẽ cố gắng, đón ông về nhà!”.

Hiện thực ước muốn về “mái ấm” cho người vô gia cư

Trở về nhà, Hải chia sẻ, thuyết phục Minh Sơn, Vương Anh bằng cách đưa 2 em đi khắp đường phố Hà Nội để tìm và gặp những con người bất hạnh, kém may mắn. Qua những trải nghiệm thực tế, 3 bạn trẻ quyết tâm thành lập “Hà Nội Chung Tay”, góp tiền tìm thuê một căn nhà sạch sẽ, ấm cúng và an toàn, đón người vô gia cư về ở. 

Nghe kể đến đây, ông Thành cười: “Cứ tưởng cậu ấy nói vui thôi hoặc phải lâu lắm mới thành hiện thực. Vậy mà trước Tết, cậu ấy đến đón tôi về nhà thật. Từ ngày hôm đó, tôi không còn là người vô gia cư nữa vì tôi có nhà để về ngủ khi đêm xuống, ngả lưng lúc ốm đau”.

“Qua những buổi đêm đi cùng anh Hải, em nhận ra, phần nhiều trong số họ do hoàn cảnh xô đẩy phải ra đường: Cụ già mất con, mất đất ở quê; do sa cơ lỡ vận; do quá nghèo khổ, không có tiền thuê phòng trọ... Có đi và nói chuyện với họ, em mới biết khi họ không có nhà, tặng nhiều quần áo, thuốc men, đồ ăn cũng chỉ là biện pháp tạm thời! ”- Minh Sơn chia sẻ.

Nhóm bạn trẻ 10X mang mái ấm đến với người vô gia cư Hà Nội - Ảnh 4.

Nhóm bạn trẻ thường chạy xe xuyên đêm để tìm gặp những cụ già trong cảnh “màn trời chiếu đất”. Ảnh: Khánh Ly

Mỗi khi nhận được tin nhắn có người vô gia cư cần giúp đỡ, các bạn sẽ dành thời gian tìm hiểu hoàn cảnh, công việc mưu sinh hàng ngày... trước khi đón các cụ về. Hiện nay, Hà Nội Chung Tay đang là nơi sinh sống của 3 ông cụ vô gia cư. Mỗi người đều có hoàn cảnh đặc biệt: Ông Nguyễn Bá Thành quê ở Hải Phòng, do vợ mất, sa cơ lỡ vận nên vô tình trở thành người vô gia cư; Cụ Đỗ Văn Phương (90 tuổi) không nhớ đã bao lâu không gặp con cháu và kiếm sống bằng nghề nhặt rác...

Đều đặn 4 tháng nay, toàn bộ số tiền thuê nhà 6.500.000 đồng và tiền điện nước đều do 3 bạn đóng góp. Thi thoảng còn mua gạo, thức ăn thêm cho các cụ. Toàn bộ chi phí được trích từ tiền lương hàng tháng của Hải và số tiền Hải, Vương Anh chắt chiu từ tiền sinh hoạt bố mẹ gửi. Căn nhà “Hà Nội Chung Tay” được dựng lên bởi tình yêu thương, mong muốn các cụ có một mái nhà “đúng nghĩa” để nghỉ ngơi, ngon giấc sau một ngày dài mưu sinh vất vả.

Chia sẻ với Phóng viên Báo NTNN/Điện tử Dân Việt, các bạn không giấu nổi cảm xúc khi nhiều người nói các bạn “bị điên”, làm việc không ai làm, làm những việc không giống ai... và sự phản đối lớn nhất có lẽ đến từ gia đình. Hải tâm sự có những ngày trở về nhà, nguyên bữa cơm cả gia đình không nói câu nào.

“Giờ đây, chúng tôi không còn là người vô gia cư”

2 tháng trước, cụ Nguyễn Văn Quý (70 tuổi) kiếm sống bằng nghề nhặt rác được đón về nhà chung. “Trước đây, tôi có thuê một phòng trọ với giá 500.000 đồng. Thời điểm Covid - 19, tôi không có tiền trả nên nợ 1 tháng tiền nhà. Họ đòi giữ xe đạp của tôi lại rồi đuổi tôi đi”, cụ Quý nghẹn ngào.

Nhóm bạn trẻ 10X mang mái ấm đến với người vô gia cư Hà Nội - Ảnh 5.

Từ khi “có nhà” mới, cụ Quý vui hẳn ra. Trước đây, cụ hay ngủ ở vỉa hè, ghế đá công viên hoặc khi gặp người bảo vệ tốt bụng, họ thương, đưa cụ vào bốt ngủ nhờ. Ảnh: Khánh Ly

“Khi đưa các cụ vô gia cư về nhà, chúng em cũng chuẩn bị tinh thần trước những sự việc xấu nhất không may xảy ra. Vì các cụ tuổi đều cao, không đơn thuần chỉ là bữa ăn, giấc ngủ mà còn có trách nhiệm với sức khỏe, tính mạng của các cụ. Cũng từng đắn đo vì 3 anh em còn quá non trẻ nhưng nghĩ lại, họ cũng tầm tuổi ông bà em, nếu không làm thì em còn áy náy hơn”, Thanh Hải chia sẻ.

Ngoài ra, các cụ đều không có điều kiện kinh tế, không người thân nên nhóm đang hoàn tất thủ tục làm thẻ bảo hiểm y tế để đưa các cụ đi kiểm tra sức khỏe. Nói về dự định trong thời gian tới, do căn nhà “Hà Nội Chung Tay” vẫn còn chỗ trống nên nhóm dự định sẽ tìm hiểu thêm hoàn cảnh, đón thêm khoảng 4 – 5 cụ vô gia cư về sinh sống.

Ông Bùi Văn Long – Tổ Trưởng tổ dân phố kể lại, thời gian đầu khi “Hà Nội Chung Tay” mới thuê nhà trong ngõ, do tâm lý chung, mọi người trong tổ dân phố cũng có phần ái ngại. Nhưng sau khi nghe câu chuyện, ý nguyện của nhóm bạn trẻ, chính bản thân ông Long cũng bị thuyết phục. Ông Long đã vận động, góp phần thay đổi cái nhìn của mọi người xung quanh về người vô gia cư. Giờ đây, trong khu phố, mọi người niềm nở với các cụ hơn, ai ai cũng mến các bạn trẻ vì tuổi còn nhỏ mà có tấm lòng thiện nguyện cao cả.

Ở tuổi thất thập cổ lai hy mà các cụ không được sống gần con cháu, thiếu tình thương gia đình. Hiểu được tâm lí, hễ có thời gian rảnh, Minh Sơn thường xuyên qua nhà, thăm hỏi và động viên các cụ.

Thanh Hải chia sẻ, dù còn nhiều khó khăn về kinh tế, nhân lực nhưng được sự ủng hộ và tin tưởng của mọi người, nhóm sẽ cố gắng duy trì nhà chung để một ngày không xa, sẽ càng ít đi những người phải chịu cảnh “màn trời chiếu đất” đúng như thông điệp mà nhóm muốn lan tỏa: “Mang mái ấm đến cho người vô gia cư”!

Mọi sự giúp đỡ xin gửi về:

Nhà chung “Hà Nội Chung Tay” – Địa chỉ: Số nhà 12, ngách 51, ngõ Linh Quang, phường Văn Chương, quận Đống Đa, TP.Hà Nội

SĐT: 0359.454.507 (Minh Sơn) – 0836.361.789 (Thanh Hải)

Hoặc gửi về: Báo Nông Thôn Ngày Nay, Tòa nhà Báo Nông Thôn Ngày Nay – Lô E2, đường Dương Đình Nghệ, quận Cầu Giấy, Hà Nội.

Số tài khoản: 21210000524887 - Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam - BIDV chi nhánh Tây Hồ, Hà Nội.

Chủ tài khoản: Báo Nông Thôn Ngày Nay

Vui lòng ghi rõ: Ủng hộ nhóm Hà Nội Chung Tay


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem