Những bộ phim chiến tranh gây "sốc"

Anh Vũ Thứ năm, ngày 28/07/2022 18:36 PM (GMT+7)
Chiến tranh không chỉ có xương máu, chiến tranh còn có những mặt trái đau thương, khiến con người ta bị ám ảnh khôn nguôi. Điều đó đã được thể hiện trong những bộ phim Việt Nam nổi tiếng.
Bình luận 0

Người sót lại của rừng cười

Chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên của Võ Thị Hảo, bộ phim của đạo diễn Trần Phương lấy bối cảnh cuộc kháng chiến chống Mỹ, nói về bốn cô gái canh gác kho quân nhu giữa đại ngàn Trường Sơn đều mắc căn bệnh mà khoa học gọi là Histeria, một thứ bệnh rối loạn thần kinh mất cân bằng tâm lý.

Những bộ phim chiến tranh gây "sốc" - Ảnh 1.

Những bộ phim chiến tranh gây "sốc" - Ảnh 2.

Cảnh trong phim Người sót lại của rừng cười. Ảnh: Chụp màn hình

Chỉ có Thảo, nhân vật nữ chính là người duy nhất không mắc bệnh. Cô chỉ biết buồn tủi, xót thương cho các chị của mình. Và rồi cả 4 người con gái trong trắng ấy đều ngã xuống sau một trận đánh mà chưa một lần kịp yêu ai. Người duy nhất sót lại của rừng cười được trở về thành phố và vào học năm thứ nhất khoa Văn. Nhưng Thảo đã không còn vẻ đẹp căng tràn sức sống với mái tóc mượt dài chấm gót như ngày nào, thay vào đó là thân hình gày gò với mái tóc xơ xác.

Những bộ phim chiến tranh gây "sốc" - Ảnh 3.

Cảnh trong phim Người sót lại của rừng cười. Ảnh: Chụp màn hình

Thành, người yêu của Thảo ngày càng trở nên xa cách với cô dù đã chờ đợi ngày Thảo trở về và ra đón cô tại ga tàu. Thảo muốn giải phóng cho Thành nên đã nghĩ ra cách hàng ngày tự gửi thư cho mình để Thành nghĩ rằng Thảo đã có người yêu mới. Và rồi sự kiện Thành kết hôn với người con gái khác đã đẩy bi kịch của Thảo lên đỉnh điểm. Cô vượt qua được những tháng ngày gian khổ ác liệt ở Trường Sơn nhưng rồi lại mắc căn bệnh của chính những đồng đội ngày xưa ngay giữa thời bình.

Truyền thuyết về Quán Tiên

Truyền thuyết về Quán Tiên. Nguồn: NSX

Truyền thuyết về Quán Tiên chuyển thể từ truyện ngắn đầu tiên của nhà văn Xuân Thiều, do Đinh Tuấn Vũ có nhân vật chính ba cô gái xinh đẹp tên là Mùi (Thúy Hằng), Phượng (Minh Khuê) và Tuyết Lan (Mai Anh) sống ở một hang động trong rừng Trường Sơn những năm 1967. Giữa cao điểm của cuộc chiến ác liệt, ba cô phải nhận một nhiệm vụ đặc biệt là tiếp đón các anh "lính lái xe" tới nghỉ chân trong hang mà theo lời của chỉ huy, phải biến nơi đó thành một cái "Quán Tiên". Các cô mỗi người một số phận, nhưng điểm chung của họ là đều phải chịu đựng nỗi cô đơn tận cùng trong một hang sâu giữa rừng già mà không phải ai cũng hiểu và thấu cảm được.

Bộ phim cũng đề thẳng thắn đề cặp tới Histeria – căn bệnh "thiếu hơi" đàn ông, nỗi ám ảnh của phụ nữ trong chiến tranh, mà người bị mắc bệnh đầu tiên, chính là Tuyết Lan, khi cô có bầu với 1 anh lính tới cứu viện tại hang Quán Tiên. Tuyết Lan và bố đứa trẻ buộc phải rời bỏ chiến trường để về hậu phương sinh con. Với Phượng, dù còn ngây thơ trong trẻo, nhưng cũng phải chịu cảnh chia lìa sinh tử giữa chiến trường với mối tình đầu mới chớm nở.

Những bộ phim chiến tranh gây "sốc" - Ảnh 5.

Phim Truyền thuyết về Quán Tiên. Ảnh: NSX

Ngoài ra, người chị cả Mùi tuy là cô gái vững vàng về tinh thần nhất, nhưng cũng suýt nữa chẳng chịu nổi nỗi cô đơn. Như biên kịch Đỗ Trí Hùng từng nhận xét về nhân vật Mùi như sau: "Mùi, với vẻ ngoài lúc nào cũng nghiêm nghị vì là chỉ huy nhóm nên luôn lên gân, thậm chí đến khắc nghiệt, thật ra lại là người có nỗi đau lớn nhất, nỗi đau: mới kết hôn 3 ngày thì chồng đã lên đường đi lính.  Dường như cái vẻ ngoài nghiêm trang thái quá của cô thực chất là để cố che đậy những cơn bão bên trong, thậm chí, những cơn bão ấy nổi lên lúc đêm khuya khiến cô sợ hãi chính bản thân mình nên tự vệ bằng cách tạo ra vẻ ngoài như vậy".

Tướng về hưu

Những bộ phim chiến tranh gây "sốc" - Ảnh 6.

Cảnh trong Tướng về hưu.

Tướng về hưu là một bộ phim tâm lý của đạo diễn Nguyễn Khắc Lợi, ra mắt năm 1988. Truyện phim dựa theo truyện ngắn cùng tên của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp. Dù không có bối cảnh chiến tranh, nhưng phim lại mô tả những ám ảnh, những hiện thực nghiệt ngã của những người lính khi từng sống trong "mưa bom bão đạn", khi trở về với thời bình sẽ như thế nào.

Tướng về hưu là câu chuyện về một vị thiếu tướng tên Thuấn, niềm tự hào của gia đình, dòng họ Nguyễn và xóm làng. Sau nhiều năm xông pha chiến trường, trận mạc, tự tay chôn 3.000 đồng đội, lính tráng, tướng Thuấn về hưu ở tuổi 70. Nhưng, vị tướng đã hoàn toàn lạc lõng giữa đời thường, giữa chính mảnh đất của mình.

Ông không thể hòa nhập được với một xã hội kim tiền, không kết nối được với người con dâu quá sắc sảo, người con trai nhu nhược. Ông cũng xa lạ với thủ tục cưới xin, ma chay hay những quan niệm mê tín đương thời. "Sao tôi cứ như lạc loài?", vị thiếu tướng chua chát tự vấn.

Bộ phim của Nguyễn Khắc Lợi có những thay đổi về tình tiết để phù hợp, kịch tính hơn và đáp ứng được ngôn ngữ điện ảnh cần có. Song, những sáng tạo này tỏ ra hợp lý và không làm sai mạch thông điệp văn học. Nguyễn Khắc Lợi cho thấy ông không chỉ hiểu và khai thác được chữ của Nguyễn Huy Thiệp mà đã biến chữ nghĩa ấy trở nên sinh động, cuốn hút trên màn ảnh, bằng ngôn ngữ hình ảnh.

Nói về bộ phim, NSND Hoàng Cúc trong vai người con dâu đanh đá chua ngoa, từng chua sẻ với Dân Việt rằng: "Các nhân vật trong Tướng về hưu có số phận đậm nét đến nỗi sau này tôi thấy là hiếm lắm. Mỗi nhân vật là một xã hội thu nhỏ trong gia đình. Khi nhân vật xuất hiện người ta đã hình dung là toàn bộ đó là giai tầng nào trong xã hội. Từ một ông tướng về hưu bất lực. Ông bố thì thương người muốn giúp đỡ mọi người thì lại bị cô con dâu "gài".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem