Những cái chết lãng xẹt

ĐẶNG ĐẠI Thứ hai, ngày 10/08/2020 13:53 PM (GMT+7)
Có phải người Việt ngày càng hung hăng không? Không ai chắc về điều này. Nhưng chắc chắn, bạo lực sẽ làm gia tăng tính hung hăng và hung hăng lại phát sinh bạo lực.
Bình luận 0

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.HCM đang điều tra về vụ án mạng làm một người chết rạng sáng 6/8 tại một quán ốc ở phường Tây Thạnh, quận Tân Phú. Một cái chết rất lãng xẹt và chắc chắn có do rượu bia mà ra.

Theo đó, rạng sáng 6/8, anh Long (ngụ Hà Nội) cùng bạn bè uống bia ở quán này. Khi đi vệ sinh, có xảy ra va chạm với anh Đức, lúc này đã hết ca nên cũng ngồi nhậu tại quán.

NHỮNG CÁI CHẾT LÃNG XẸT - Ảnh 1.

Hình ảnh vụ bạo lực được camera an ninh ghi lại.

Lát sau, Long cầm chai bia qua đánh vào đầu Đức. Thấy đồng nghiệp bị đánh, bàn của Đức xô dậy đánh hội đồng Long và hai bên lao vào hỗn chiến. Trong lúc ẩu đả, Long bị Giang (bạn của Đức) đâm chết. Cơ quan công an đã tạm giữ Giang và một số người liên quan. Chắc chắn sẽ có người vướng vòng lao lý. Một cái chết rất lãng xẹt và những người liên lụy vướng vòng lao lý cũng rất lãng xẹt. 

Tìm kiếm cụm từ "mời rượu không uống" trên google, trong 0,41 giây cho ra 8.200.000 kết quả. Những nội dung đầu tiên đập vào mắt là chuyện án mạng. Mời rượu không uống: Đâm. Con rể mời rượu bố vợ, bố không uống: Đâm luôn. Hai bàn lạ hoắc, rượu vào người đã tây tây, nhớ câu tứ hải giai huynh đệ nên qua bàn mời nhau, một bên từ chối: Đâm nốt. Bạn bè chí cốt rủ nhau đi nhậu, nhậu xong giành nhau tính tiền, tự ái: Đâm luôn… 

Ôi thôi đủ kiểu chết, đủ kiểu án mạng từ bia từ rượu, lãng xẹt, lãng hết chỗ nói. Lạ lùng là lãng xẹt vậy nhưng cứ diễn ra như cơm bữa, từ thành thị chí nông thôn, từ người trẻ tuổi bồng bột cho tới những người có tuổi tưởng chừng chín chắn. Ngày lễ, ngày Tết thì án mạng, thương tật từ bia rượu càng nhiều hơn, chỉ sau tai nạn giao thông. Rượu bia là nguyên nhân trực tiếp. Vậy nguyên nhân sâu xa là gì?

Có phải người Việt hung hăng không? Không ai chắc về điều này. Nhưng chắc chắn, bạo lực sẽ làm gia tăng tính hung hăng và hung hăng lại phát sinh bạo lực. Ở học đường, lâu lâu lại phát sinh một vụ các em học sinh bắt nạt, đánh bạn. Mà đánh hội đồng và có đám đông cổ vũ. Thậm chí có phụ huynh vào trường hành hung học sinh. Thảng hoặc lại có chuyện học trò vì lỗi này lỗi kia bị thầy cô quất tím cả người. Trẻ mẫu giáo cũng không thoát: Một số cháu bị cô mầm non bạo hành, quăng quật, tát. 

Đó là chưa nói ở gia đình, nhiều trẻ phải chịu cảnh "thương cho roi cho vọt" hoặc chứng kiến cảnh bố mẹ bạo hành nhau. Những hành vi ấy chắc chắn ảnh hưởng đến tính cách của trẻ.

Những vụ bạo lực "nhỏ lẻ" có thể lý giải được. Nhưng những vụ bạo lực liên quan đến lễ hội thì thật khó giải thích. Những trận "tranh soái đoạt kỳ" ở lễ hội Đền Gióng những năm trước nghĩ lại cũng rùng mình khi cả trăm, cả ngàn người dùng gậy vụt nhau để giành chiến lợi phẩm. Hay ở Thanh Hoá, mùng 6 tết có cả lễ hội… đánh nhau cầu may. Dĩ nhiên lễ hội có nguồn gốc văn hóa của nó nhưng điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn xã hội văn minh cũng là điều nên cân nhắc. 

Bạn bè của người viết sống ở nước ngoài (thường là châu Âu) có nhận định chủ quan rằng, một bộ phận người Việt rất kém về khả năng giải quyết xung đột cá nhân. Khả năng thảo luận, tranh luận kém nên dễ thượng cẳng chân, hạ cẳng tay, giải quyết vấn đề bằng nắm đấm. Rất hiếm hoi mới thấy một vụ va chạm giao thông trên phố được giải quyết êm thắm mà thường là bên sứt đầu, bên lọi cẳng. Có những vụ chỉ va quẹt nhỏ cũng rút dao đâm nhau, kẻ vào nhà xác người vào nhà tù.

Giải quyết tranh chấp, xung đột bằng thương lượng là một kỹ năng không phải tự nhiên mà có. Ngoài nề nếp gia đình, nhà trường cần phải có vai trò nhất định với một môn học này hay những giờ ngoại khoá, dạy cho học sinh kỹ năng thương lượng. Đó cũng là kỹ năng rất quan trọng trong đời sống và đóng vai trò thành công cho cá nhân rất lớn trong cuộc đời.

Cuộc sống hiện đại ngày càng tất bật, bận rộn và con người có xu hướng ít giao tiếp trực tiếp với nhau. Áp lực cuộc sống dễ làm phát sinh cảm xúc tiêu cực, làm con người mất kiểm soát. Những nhà quản trị xã hội cần có cái nhìn thấu đáo, cận cảnh để điều chỉnh hành vi của con người trong xã hội, để hướng hành vi con người tới chỗ văn minh, biết tôn trọng nhau hơn. Nếu không, có thể giàu có hơn nhưng đối xử với nhau như mãnh thú thì thật là tai hại.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem