Những chuyến đi “hòa giải” của cựu binh Việt - Mỹ

Mỹ Hằng Thứ sáu, ngày 30/04/2021 06:04 AM (GMT+7)
Cựu binh Mỹ trở lại Việt Nam cùng đi tìm hài cốt những người lính Bắc Việt đã hy sinh. Họ không chỉ tìm sự hàn gắn cho cá nhân mình, mà còn cho mối quan hệ tốt đẹp và sâu sắc giữa Việt Nam và Mỹ .
Bình luận 0

Lính mũ sắt quả cảm

Những ngày cuối tháng 4/2021. Chỉ ít ngày nữa là tới ngày kỷ niệm kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ của người Việt Nam. Các cựu chiến binh Hồ Đại Đồng và Nguyễn Văn Vĩnh đã suốt một tháng trời miệt mài băng rừng vượt núi ở dãy Chư Tan Kra, Kon Tum, đi tìm đồng đội của họ. Đây là lần thứ 4 hay thứ 5 trong chuyến đi này họ "gia hạn visa" với gia đình, và dự tính sẽ ở đến tầm 30/4 sẽ trở lại Hà Nội. Lúc bắt đầu chuyến đi có nhiều cựu binh cùng tham gia, nhưng ở lại lâu nhất là ông Đồng và ông Vĩnh.

Đương nhiên gia đình họ phải lo lắng. Ông Đồng năm nay đã 72, ông Vĩnh đã 74 tuổi, đi thì vất vả vô kể. Ông chia sẻ hôm 22/4: "Sau nửa ngày phơi nắng khảo sát tọa độ có 5 liệt sĩ ở đông Chư Tan Kra, chúng tôi gặp một nhà nương. Gần một tháng ngủ võng, người cong như tôm, được ngả lưng lên sạp lồ ô thật sướng. Đầu chiều mưa đến từ hướng Chư Mom Ray, chúng tôi phải tạm dừng, mai sẽ tiếp tục khảo sát phía tây núi, nơi theo thông tin của quân đội Mỹ có 62 liệt sĩ hy sinh trong tháng 4/1968".

gop/ Những chuyến đi “hòa giải” của cựu binh Việt - Mỹ - Ảnh 1.

Cựu chiến binh Hồ Đại Đồng và cựu binh Mỹ Deryle Perryman: Một thời là kẻ thù, giờ là bạn.

"Tôi trở lại Việt Nam vì muốn sửa chữa những thiệt hại tôi gây ra cho đất nước này khi còn là một anh lính trẻ ngờ nghệnh… Tôi muốn làm những điều đúng đắn trước khi tôi chết, bù đắp lại những gì tôi gây ra".

Perryman chia sẻ

Họ bắt đầu chuyến tìm đồng đội đầu tiên năm 2009, đến nay là 34 chuyến, tất cả bằng tiền túi họ tự gom góp. Có năm đi một lần, có năm 2 - 3 lần, những chuyến đi kéo dài cả tháng, trèo đèo lội suối lên đỉnh Chư Tan Kra, đào đất bằng cuốc xẻng, có lúc dùng tay trần bới đất, nâng niu từng kỷ vật, từng chút xương còn lại của đồng đội. Gian khổ có lẽ chẳng kém mấy so với khi họ hành quân năm xưa, chỉ có điều giờ họ đã là những ông già, có người bệnh kinh niên, có người đau ốm, có người từng tai biến.

Năm 1965, Mỹ đánh phá miền Bắc, hơn 1.000 thanh niên Hà Nội tuổi 19 - 20, hầu hết là quân tình nguyện, đã được tuyển vào Trung đoàn 209, Sư 312, trong đó có ông Đồng và ông Vĩnh. Họ được huấn luyện đặc biệt, trang bị hiện đại bao gồm cả mũ sắt, nên trung đoàn của họ còn được gọi là "trung đoàn mũ sắt". Những chàng trai Hà Nội lạc quan, hào hoa, đầy lý tưởng lên đường ra trận, hừng hực khí thế viết tiếp những trang sử hào hùng của cuộc kháng chiến.

Đầu tháng 2/1968, đúng Tết Mậu Thân, Trung đoàn 209 hành quân vào chiến trường. Ngày 21/3 năm đó, khi Trung đoàn vừa tập trung ở Chư Tan Kra (huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum) thì Mỹ cũng đổ quân bổ sung tới đây, gồm cả bộ binh, công binh, trinh sát, lính pháo… Lực lượng hai bên chênh nhau nhanh chóng, quân Bắc Việt vừa ít hơn về quân số, vừa thua về hỏa lực. Hàng ngày, từ vị trí đóng quân của mình, những người lính Bắc Việt nhìn rõ trực thăng Mỹ lên xuống, lính Mỹ đào hầm, căng dây thép gai…

Chư Tan Kra là trận thử lửa đầu tiên của các chàng trai mũ sắt thuộc Trung đoàn 209. Khi ấy Hồ Đại Đồng - cựu học sinh chuyên toán, là trinh sát pháo binh. Nguyễn Văn Vĩnh là pháo thủ cùng đại đội 5, tiểu đoàn 7 - tình bạn của họ khăng khít từ thời vào sinh ra tử đó đến giờ. Cuộc chiến giành giật cao điểm M2 trên đỉnh Chư Tan Kra bắt đầu từ đêm 26/3/1968. Giao tranh, giành giật quyết liệt từng ụ pháo - ông Hồ Đại Đồng sau này viết. Bộ đội ta bị vây trong căn cứ đến khi dần hết đạn và buộc phải rút dần. Trận Chư Tan Kra kết thúc ngày 31/3 khi quân ta rút khỏi cao điểm 1198.

gop/ Những chuyến đi “hòa giải” của cựu binh Việt - Mỹ - Ảnh 3.

Các cựu binh Mỹ sát cánh cùng cựu binh Việt Nam tìm hài cốt liệt sĩ. Ảnh: T.L

Từng cầm súng chĩa vào nhau, nhưng giờ chúng tôi lại bên nhau tìm hài cốt của những liệt sĩ đã ngã xuống. Điều đó thật hiếm có, và với Việt Nam thì chỉ xảy ra trong quan hệ với Mỹ. Hành trình ấy đã kéo dài hơn 10 năm rồi".

Ông Hồ Đại Đồng

Không một người lính mũ sắt nào đầu hàng quân địch, tất cả chiến đấu đến viên đạn cuối cùng - ông Đồng cho biết. Tài liệu của chúng ta ghi nhận 204 lính Mỹ bị tiêu diệt, hơn 200 lính mũ sắt hy sinh. Nhật ký chiến trường của quân Mỹ nói 198 lính Mỹ thương vong và mất tích, 135 lính Bắc Việt chết trong căn cứ Mỹ.

Nhưng khi cuộc chiến qua đi, người sống sót trở về bị cuốn vào cuộc mưu sinh. Có người thành đạt, làm tổng giám đốc những công ty lớn. Có người chỉ chạy xe ôm. Nhưng họ vẫn gắn kết bên nhau, yêu thương nhau bởi một thời từng cùng nhau đối mặt với cái chết. Cho đến năm 2008, biết đồng đội của mình nằm lại trên đỉnh Chư Tan Kra chưa từng được cất bốc trở về, Ban liên lạc Trung đoàn 209 họp bàn, quyết tâm trở lại chiến trường xưa tìm hài cốt đồng đội. Từ đó, như một sự ám ảnh, một lời thúc giục, không năm nào họ không lên đường. Bằng tiền túi, bằng lương hưu, đồng đội trong ban liên lạc tự giúp đỡ nhau trang trải, nhất định không kêu gọi quyên góp bởi đã có quá nhiều vụ lợi dụng tìm hài cốt liệt sĩ để chiếm đoạt tiền bạc của thân nhân liệt sĩ.

Những cựu binh Mỹ trở lại

Deryle Perryman - cựu lính pháo 175 ly, tình nguyện sang Việt Nam tham chiến vào mùa Giáng sinh năm 1967, khi chỉ còn vài ngày nữa, đầu tháng Giêng năm sau ông sẽ tròn 19 tuổi. "Lúc đó tôi còn trẻ và ngờ nghệch. Tôi được bảo rằng chúng tôi đến đây là bảo vệ tự do, bảo vệ những người yếu thế. Một năm ở đây tôi nhận ra tôi chẳng biết gì về Việt Nam. Giống như phần lớn những lính Mỹ từng tham chiến (ở Việt Nam), tôi đã tìm kiếm sự khép lại, sự bình yên cho tâm trí mình, một sự hàn gắn của trái tim và tâm hồn, nhưng không bao giờ làm được" -Perryman kể chuyện của ông từ nước Mỹ, khi những "đối thủ" cũ của ông đang lặn lội trên đỉnh Chư Tan Kra.

gop/ Những chuyến đi “hòa giải” của cựu binh Việt - Mỹ - Ảnh 5.

Nghỉ chân giữa rừng núi Sa Thầy trong một chuyến tìm hài cốt liệt sĩ. Ảnh: T.L

* Đã có 154 đợt trao trả hài cốt lính Mỹ từ năm 1973 đến cuối năm 2020.

* Bộ Quốc phòng Mỹ đã giúp tìm kiếm hài cốt của hơn 200.000 quân nhân Việt Nam.

Như mọi năm, lẽ ra tầm này ông cũng có mặt tại Việt Nam tham gia chuyến đi cùng họ. Nhưng năm nay, và năm ngoái, do Covid-19, ông phải ở lại Mỹ. "Sau nhiều năm cố tìm cách tìm kiếm sự bình yên ấy, tôi thấy một bài báo đăng trên một tờ báo Việt Nam về những người lính mũ sắt từ Hà Nội đi tìm hài cốt đồng đội của họ. Qua miêu tả trong bài báo, tôi nhận ra rằng tôi cũng từng tham chiến ở đó. Vậy là tôi tìm cách kết nối. Họ đã rất tử tế khi chấp nhận đề nghị giúp đỡ của tôi. Cử chỉ đó thay đổi cuộc đời tôi theo nhiều cách".

Cuộc chiến tranh ở Việt Nam, với nhiều cựu chiến binh Mỹ, là sự ám ảnh suốt nhiều thập kỷ, giống như với Perryman. Ký ức cay đắng, tuổi trẻ bị đánh mất, hậu quả tâm lý và thể xác suốt quãng đời còn lại. Có những người không dám đối diện với quá khứ, nhưng có những người, như Perryman, đã can đảm vượt qua để trở lại Việt Nam, nơi họ tìm thấy sự xoa dịu, sự hòa giải. Perryman từng muốn quên đi cuộc chiến, cho tới khi con trai đầu của ông qua đời năm 1982, khi mới 6 tuổi, do bị bại não, di chứng bởi chất da cam/dioxin từ ông. Rất may người con trai thứ hai của ông lớn lên khỏe mạnh, to cao hơn cả bố.

Kể từ năm 1995, khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao cho tới nay, Perryman đã trở lại Việt Nam 22 lần. Ông muốn giúp đỡ con cái của các cựu binh Việt Nam bị hậu quả chiến tranh, và sau này, là tham gia những chuyến tìm kiếm hài cốt những người từng là đối thủ cũ ở chiến trường Chư Tan Kra, nơi một thời họ phải tìm cách giết đối phương để mình sống sót.

Ông chỉ là một trong những cựu binh Mỹ trở lại Chư Tan Kra suốt gần 10 năm qua. Nhiều cựu binh khác từng tham chiến ở Chư Tan Kra cũng quay lại đây, Steve Edmunds từ New York, Ronald Reddy từ bang Colorado, Paul Ogren từ California… cũng nhiều lần đến Chư Tan Kra cùng các cựu binh mũ sắt. Các cựu binh Mỹ đã cung cấp ảnh, tư liệu, bản đồ về trận đánh năm 1968, họ đến tận nơi tìm kiếm, nhận dạng địa bàn, từ đó giúp các cựu chiến binh Việt Nam và Ban chỉ huy Quân sự tỉnh Kon Tum, huyện Sa Thầy tìm ra 3 ngôi mộ tập thể, nơi chôn cất 135 liệt sĩ Hà Nội.

Hành trình tìm kiếm mộ liệt sĩ của các cựu chiến binh Trung đoàn 209 vẫn còn đang tiếp tục. 2 năm qua, dịch Covid-19 bùng phát, các cựu binh Mỹ không thể sang Việt Nam để cùng đi lên những cánh rừng Kon Tum. Nhưng họ đã hẹn sang năm, khi có hộ chiếu Covid, họ sẽ quay trở lại. Perryman nói: "Tôi rất muốn quay trở lại Việt Nam sau khi dịch buông tha chúng ta. Tôi rất nhớ Việt Nam, nhớ những con người tử tế nhất, hài hước nhất ở đó, những người đã trở thành bạn bè, gia đình của tôi".

Quan hệ Việt - Mỹ đã thay đổi hoàn toàn hơn 40 năm sau khi kết thúc chiến tranh, hơn 25 năm sau khi bình thường hóa. Công cuộc hòa giải từng vô cùng khó khăn, nhưng đã được tiến triển từng bước, và ngày đầu chính là một phần nhờ sự can đảm của các nhà lãnh đạo, các cựu chiến binh hai bên. Nhiều người Mỹ đã vượt qua quá khứ cay đắng để trở lại Việt Nam, từ các cựu binh nổi tiếng như cựu Thượng Nghị sĩ John Kerry, John McCain, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel, cho đến những người lính bình thường như Perryman hay Reddy, Ogren… Chính phủ, người dân Việt Nam đã dũng cảm vượt qua quá khứ, hướng tới tương lai, coi việc tìm kiếm lính Mỹ mất tích như một vấn đề nhân đạo và đó là một nhịp cầu quan trọng để hai bên gần lại với nhau và tiến tới hòa giải. 

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem