Những cựu quan chức "nói một đằng, làm một nẻo"

Phạm Hiệp Thứ bảy, ngày 13/11/2021 08:00 AM (GMT+7)
Ở nhiều vụ án hình sự, các cựu quan chức hoặc đương chức thường có những phát ngôn "mạnh miệng" để chứng tỏ sự trong sạch trước khi vướng vòng lao lý. Tuy nhiên, khi Cơ quan điều tra vào cuộc lại phát hiện họ "nói một đằng, làm một nẻo".
Bình luận 0

Những phát ngôn "dậy sóng"

Cựu Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung hiện đang là bị án của vụ chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước; bị can của một số vụ án khác đang ở giai đoạn truy tố.

Việc ông Chung "ngã ngựa" ở những vụ án liên quan đến các sai phạm mà hầu hết ông này là chủ mưu, hoặc có hành vi là ưu ái cho công ty gia đình khiến dư luận không khỏi băn khoăn.

Nhiều năm trước đây, ông Chung đã từng có những phát ngôn rất mạnh mẽ về chống tiêu cực, tham nhũng. Năm 2015, khi đang đương chức Giám đốc Công an TP.Hà Nội, khi nói về án tử hình với tội phạm tham nhũng, ông Chung từng chia sẻ nên giữ án tử hình để có tính răn đe.

Những cựu quan chức "nói một đằng, làm một nẻo" - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Đức Chung phát biểu rất quyết liệt về việc phòng, chống tham nhũng vào năm 2014. Ảnh: Tiền phong

Ông này dẫn chứng người nghèo không có điều kiện buộc phải đi buôn ma túy để kiếm tiền, để sinh sống thì buôn ma túy vẫn tử hình.

"Trong khi đó một người am hiểu về mặt pháp luật, có hiểu biết, có chức vụ nhưng lại tham ô, tham nhũng lượng tiền lớn trong khi đó lại không áp dụng tử hình… tôi đề nghị giữ nguyên mức án tử hình với tội phạm tham nhũng" – ông Chung nói.

Phát ngôn này của ông Chung thời điểm đó được dư luận đánh giá cao, cho thấy sự quyết tâm phòng, chống tham nhũng của vị Giám đốc Công an TP.Hà Nội.

Tuy nhiên nhiều năm sau này, ông Chung đã làm những điều không đúng với tinh thần quyết liệt phòng, chống tham nhũng mà ông từng nói.

1 năm sau đề nghị giữ nguyên mức án tử hình với tội phạm tham nhũng, ông Chung lúc này đương chức Chủ tịch UBND TP.Hà Nội đã quyết định mua chế phẩm Redoxy 3C trái pháp luật; chỉ đạo cấp dưới thực hiện trái quy định về quản lý, sử dụng vốn nhà nước để công ty gia đình được hưởng khoản lợi nhuận không chính đáng.

Những cựu quan chức "nói một đằng, làm một nẻo" - Ảnh 2.

Từng phát ngôn thể hiện thái độ mạnh mẽ trong phòng, chống tham nhũng nhưng ông Chung sau này lại vướng lao lý ở nhiều vụ án, trong có có sai phạm liên quan việc tạo điều kiện cho công ty gia đình hưởng lợi ở vụ mua bán chế phẩm Redoxy 3C. Ảnh: NLĐ

Cũng trong thời gian từ năm 2016 đến cuối năm 2018, khi Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.Hà Nội thực hiện 2 gói thầu số hóa, ông Chung cũng được cho đã có những can thiệp, chỉ đạo dừng thực hiện gói thầu số hóa năm 2016 không đúng quy định của pháp luật để cho Công ty Nhật Cường thu lợi bất chính.

Ông Chung bị truy tố trong cả 2 vụ án này và hiện đang chờ ngày tòa án đưa ra xét xử.

Ở vụ nâng khống giá thiết bị y tế ở Bệnh viện Bạch Mai, trước khi bị khởi tố, bắt giam, cựu Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cũng từng có những phát ngôn khiến dư luận tưởng chừng ông này hoàn toàn vô can.

Những cựu quan chức "nói một đằng, làm một nẻo" - Ảnh 3.

Cựu Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Nguyễn Quốc Anh khi chưa bị khởi tố thì nói không có lợi ích nhóm, không ai được hưởng lợi ở vụ nâng khống giá thiết bị y tế ở bệnh viện này. Khi Cơ quan điều tra vào cuộc, có quá nhiều sai phạm ở vụ việc, thậm chí có bị cáo còn khai đã tặng ông Quốc Anh hàng trăm triệu đồng. Ảnh: BCA

Theo đó, liên quan tới vụ việc Công ty BMS liên kết lắp đặt 2 thiết bị robot Rosa và Mako, ông Nguyễn Quốc Anh – cựu Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai nói bệnh viện cũng chỉ là nạn nhân vụ BMS nâng khống thiết bị.

Ông Quốc Anh khẳng định không có lợi ích nhóm hay lợi ích cá nhân nào ở Bệnh viện Bạch Mai và cũng "không ai được hưởng xu nào" trong vụ việc. Tuy nhiên, cuối tháng 9/2020, ông Quốc Anh bị Bộ Công an bắt với tội danh "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ".

Cơ quan truy tố cáo buộc ông ta vi phạm quy định khi liên kết sử dụng robot Rosa trong phẫu thuật, làm tăng chi phí điều trị, gây thiệt hại hơn 10,5 tỷ đồng cho người bệnh. Trong khoản tiền này, Công ty BMS nhận 9,1 tỷ đồng, Bệnh viện Bạch Mai quản lý hơn 1,4 tỷ đồng.

Một bị can trong vụ án khai trong quá trình triển khai hợp đồng đã tặng ông Quốc Anh 400 triệu đồng và 10.000 USD.

Cựu Bộ trưởng và cuốn sách "Phòng chống tự diễn biến, tự chuyển hóa"

Ông Trương Minh Tuấn – cựu Bộ trưởng Bộ TT&TT đang chấp hành bản án 14 năm tù về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng vốn đầu tư công", "Nhận hối lộ", xảy ra tại Tổng công ty Viễn thông Mobifone.

Trong thương vụ Mobifone mua bán cổ phần Công ty AVG, ông Tuấn bị cáo buộc ký quyết định phê duyệt dự án đầu tư dịch vụ truyền hình của MobiFone khi chưa có quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ; chưa được cơ quan có thẩm quyền thẩm định về giá mua và hiệu quả đầu tư của dự án dẫn đến việc MobiFone tổ chức thực hiện dự án, ký các thỏa thuận, hợp đồng chuyển nhượng cổ phần với AVG gây hậu quả thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản nhà nước.

Những cựu quan chức "nói một đằng, làm một nẻo" - Ảnh 4.

Cựu Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn đang thụ án tù vì "Nhận hối lộ" và "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng vốn đầu tư công". Ảnh: BCA

Bên cạnh đó, ông Tuấn còn được xác định đã nhận 200.000 USD từ cựu Chủ tịch AVG (khoảng 4,45 tỷ đồng). Khi bị xét xử, ông Tuấn nói "tưởng 200.000 USD là quà mừng lên Bộ trưởng" (ông Tuấn trúng cử Bộ trưởng Bộ TT&TT năm 2016).

Trước khi vụ việc này bị phanh phui, cũng trong năm 2016, ông Trương Minh Tuấn đã chủ biên một cuốn sách có tên "Phòng chống tự diễn biến, tự chuyển hóa".

Khi thông tin ông Tuấn bị bắt, dư luận đã có nhiều quan điểm trái chiều về cuốn sách này. Nhiều chuyên gia đánh giá, cuốn sách đã bộc lộ bản chất không thật thà và thiếu trung thực của ông Trương Minh Tuấn.

Những cựu quan chức "nói một đằng, làm một nẻo" - Ảnh 5.

Khi ông Trương Minh Tuấn bị bắt vì nhiều vi phạm trong thương vụ Mobifone mua cổ phần AVG, dư luận dấy lên thông tin đề nghị thu hồi cuốn sách mà ông Tuấn chủ biên trước đó. Ảnh: VTC

"Không có cơ chế nào để thu hồi cuốn sách này cả nhưng chính cuốn sách đã thể hiện sự nói một đằng, làm một nẻo. Cuốn sách là minh chứng cho thái độ thiếu trung thực, lừa dối của ông Trương Minh Tuấn, bộc lộ trước đảng viên và người dân.

Theo tôi, không cần thiết phải thu hồi, cứ để như vậy bởi chẳng có ai đọc làm gì và tự khắc cuốn sách sẽ chết" – Thiếu tướng Lê Văn Cương – nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Bộ Công an chia sẻ trước thông tin đề nghị thu hồi cuốn sách trên của ông Trương Minh Tuấn.

Ở vụ án khác liên quan đến cựu Trung tướng, cựu Tổng Cục trưởng Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an) Phan Văn Vĩnh, trước thời điểm "dính án" vì "bảo kê" đường dây đánh bạc nghìn tỷ (bị đánh sập năm 2017), ông Vĩnh cũng từng có chia sẻ rất trăn trở về vấn đề phòng, chống tham nhũng.

Theo đó, vào năm 2014 khi triển khai Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường đấu tranh chống buôn lậu thuốc lá, tướng Vĩnh tâm tư: "Xin hãy làm trong sạch nội bộ của lực lượng phòng chống buôn lậu trước khi chống buôn lậu".

Tuy nhiên khi đường dây đánh bạc nghìn tỷ do Phan Sào Nam (cựu Chủ tịch Công ty VTC Online) bị phá, dư luận được phen tá hỏa khi thấy có đến 2 tướng Công an đứng ra "bảo kê" cho đường dây này hoạt động.

Trao đổi với Dân Việt, ông Vũ Quốc Hùng - nguyên Phó Chủ nhiệm thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho biết, ông không ngạc nhiên vì Trung ương đã cảnh báo từ lâu về sự suy thoái của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên.

Theo ông Vũ Quốc Hùng, tham nhũng ngày một phức tạp, lan rộng và tinh vi, thậm chí còn công khai hơn trước. Ông đánh giá, tựu chung lại là vấn đề liên quan đến công tác cán bộ.

Vị nguyên Phó Chủ nhiệm thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương nhìn nhận, ngay từ đầu khi tuyển chọn cán bộ, bổ nhiệm cán bộ, chúng ta phải thực hiện thật chặt chẽ, nghiêm túc thì từ đó sẽ hạn chế lựa chọn những người không xứng đáng vào bộ máy công quyền.

Nếu công tác cán bộ bị xem nhẹ hoặc chưa được quan tâm đúng mức, hệ quả sau này sẽ nhìn thấy rõ.

"Việc tuyển chọn, đề bạt cất nhắc cán bộ là một việc làm thường xuyên, vì chuyển giao thế hệ, chuyển giao công việc. Dùng người như dùng gỗ, những người có trách nhiệm trong việc này phải là người trong sạch, trong sáng.

Trước tiên phải rà soát thấy ai thiếu năng lực, không trong sạch trong sáng thì chuyển sang việc khác. Những người đứng đầu, cơ quan tổ chức phải có trách nhiệm trong công tác cán bộ" – ông Vũ Quốc Hùng nói.

Ở giai đoạn tiếp theo, khi cán bộ đã được bổ nhiệm, có chức, có quyền, theo ông Hùng, việc kiểm soát quyền lực phải được đặt ra và thực hiện nghiêm, các cơ quan chức năng phải giám sát, kiểm tra thường xuyên để đảm bảo cán bộ đó không vì điều gì mà đi "chệch hướng".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem