Nhiệm vụ của đào thài là đứng ở bốn góc quan tài trong quá trình đưa linh cữu người chết tới nghĩa trang.
Phần lớn những đứa trẻ làm nghề đào thài sẽ tự biết mình làm những gì, tuy nhiên công việc cũng không quá khó khăn để phải khiến chúng lưỡng lự. Mỗi lần đi làm đào thài như vậy, mỗi đứa trẻ nhận được tiền của chủ trại hòm 80 ngàn đồng. Số tiền không nhỏ đối với những đứa con nít tuổi lên 7, lên 8 khiến chúng luôn sẵn sàng nhận nhiệm vụ.
Đào thài trở thành một phần không thể thiếu trong những đám tang.
Lần lữa mãi sau gần cả tháng trời chúng tôi mới có dịp gặp được những đứa trẻ của bà Ngân ở trại hòm H.K, tại ngã tư An Sương, P.Đông Hưng Thuận, Q.12 (TP.HCM).
Theo tâm linh, đào thài là người hầu linh hồn người chết về cõi bên kia. Nếu khi chết đi nhiều linh hồn sẽ không biết những “quy tắc” để đi qua các cửa và sẽ bị ma quỷ ám hại. Khi có bốn vị đào thài thì linh hồn sẽ qua được bến yên nghỉ một cách thuận lợi.
Thường những đứa trẻ ở độ tuổi từ 6 đến 12 tuổi sẽ được chọn. Chúng được trang điểm và ăn mặc giống như diễn viên hát bội. Đôi khi người nhà của người chết còn yêu cầu các đào thài ăn mặc trông giống như các thiên thần. Giải thích lý do vì sao trang điểm như vậy bà Ngân cho hay, vì theo dân gian khi ma quỷ không bắt nạt được linh hồn sẽ quay lại tìm cách hãm hại các đào thài. Vì thế phải trang điểm thật khác để khi về nhà rửa sạch phấn son thì không ma quỷ nào biết được.
“Con học lớp 2 tên Tuấn. Làm cái này có tiền đưa mẹ mua đồ ăn. Không sợ ma”. Đó là những câu trả lời nhát ngừng của cậu bé tên Tuấn, 9 tuổi khi chúng tôi hỏi về công việc mà cậu nhóc đang làm. Làn da đen nhẻm quen với cái nắng và mùi hôi nồng từ bãi rác đang được bà chủ trại hòm tô vẽ để trông “ăn diện” hơn. Tuấn đã tham gia đội quân đào thài của bà Ngân được 2 năm và có vẻ là “già” nhất trong nhóm.
Bà Ngân cho biết thường đi tìm những đứa trẻ con nhà nghèo cha mẹ chúng mới chấp nhận cho con làm công việc này. “Có lần phải ra tận mấy bãi rác, cho tiền chúng ăn kem xong rồi còn phải đợi chúng tắm rửa cho bớt mùi hôi mới trang điểm được”, bà nói. Với mỗi lần đi làm đào thài, tiền kiếm được những đứa trẻ này lại đưa về cho ba mẹ chúng. Duyên nói, mẹ thường cất dùm tiền này của con để dành mua gạo. Khi hỏi về cảm nghĩ của mình về công việc này, Tuấn nói: “Con cũng thích làm đào thài nhưng buồn ngủ và sợ lắm. Nhiều lúc cứ sợ người trong quan tài sẽ ngồi dậy túm lấy tụi con”.
Tuổi thơ của các em như bị ám ảnh bởi cái nghề và quan niệm tập tục đặc biệt này.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.