Những đổi thay có dấu ấn của Hội

Hoài Thu Thứ ba, ngày 21/04/2015 09:38 AM (GMT+7)
Những năm gần đây, Hội Nông dân (ND) huyện miền núi phía tây tỉnh Thanh Hóa là Thường Xuân đã có nhiều nỗ lực vượt khó, giúp hội viên cải thiện đời sống và gắn bó với Hội.
Bình luận 0

Giúp hội viên làm ăn

Ông Nguyễn Viết Dân, thôn Xuân Thắng, xã Ngọc Phụng chia sẻ: “Gia đình tôi nuôi ong từ năm 1988, nhưng chỉ nuôi theo kinh nghiệm nên lúc được, lúc mất. Đến năm 1994, được sự động viên góp ý của Hội ND xã Ngọc Phụng, gia đình tôi đầu tư trang thiết bị, học thêm kỹ thuật nuôi ong, nhận thầu 8ha nuôi cá… Đến nay gia đình tôi có 127 bọng ong mật (thời điểm cao nhất là 200 bọng) cho khoảng 3 – 4 tạ mật/năm, cung cấp mật, ong giống cho bà con trong và ngoài huyện. Trừ chi phí, mỗi năm gia đình tôi thu gần 100 triệu đồng từ sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt”.

img
Ông Trịnh Quang Hải, thôn Xuân Lập, xã Ngọc Phụng (huyện Thường Xuân, Thanh Hóa) đang chăm sóc vườn thanh long ruột đỏ. Ảnh: Hoài Thu
Chúng tôi gặp ông Trịnh Quang Hải, thôn Xuân Lập (xã Ngọc Phụng) khi ông đang tỉa cành cho thanh long. Ông Hải phấn khởi kể: “Năm 2013, tôi đang bí vốn thì được Hội xét duyệt hỗ trợ vay 20 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội, sau đó tôi mạnh dạn bỏ vốn trồng 200 gốc thanh long ruột đỏ, hơn 50 gốc phật thủ. Dù năm nay mới cho thu hoạch lứa thanh long đầu tiên nhưng với giá cả như hiện nay tôi tin mình sẽ thắng lớn”.

 

Trợ giúp hữu ích

Nói về việc đã làm để nâng cao chất lượng cũng như số lượng hội viên, để hội viên không chỉ ở lại mà còn gắn bó với Hội, ông Lê Văn Bình – Chủ tịch Hội ND xã Ngọc Phụng cho rằng, trước hết, cần phải làm cho họ tin vào tổ chức hội: “Trong năm vừa qua, hội đã phối hợp với các đoàn thể trong xã tuyên truyền 55 buổi với 5.804 lượt người tham gia về các chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước, về Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), phối hợp công tác chống hàng giả, hàng kém chất lượng… Hội đã mở được 12 lớp tập huấn (trong đó có 7 lớp phổ biến kiến thức trợ giúp pháp lý và 5 lớp tập huấn về kỹ thuật trồng trọt) cho 2.190 lượt hội viên tham gia”. Những công việc này đã đem lại lợi ích thiết thực cho hội viên.

Chia sẻ với chúng tôi, ông Cầm Bá Quyền – Phó Chủ tịch Hội ND huyện Thường Xuân cho biết: “Hiện các phong trào nông dân giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững, phong trào xây dựng NTM… đã lan rộng xuống từng thôn bản. Riêng năm 2014, toàn huyện đã bê tông hóa được 7,48km đường liên thôn; mở rộng, giải tỏa 75,2km hành lang đường liên thôn, liên xã tạo thuận lợi cho nhân dân đi lại, giao lưu văn hóa, trao đổi mua bán; nâng tổng số đàn trâu toàn huyện lên 17.715 con, đàn bò 3.946 con, đàn lợn 27.418 con và 279.641 con gia cầm…”.

Là một huyện miền núi với địa hình rộng, phức tạp, dân cư chủ yếu là bà con dân tộc thiểu số, nên việc tuyên truyền vận động để cho người dân hiểu được chính sách pháp luật đã khó, việc gắn kết họ với hội lại càng khó hơn. “Chính vì vậy, cán bộ hội phải thường xuyên bám sát cơ sở, động viên kịp thời những hội viên gặp khó, phát huy những mô hình kinh tế hiệu quả” – ông Quyền tâm sự.

Trong năm 2014, toàn huyện Thường Xuân kết nạp được 503 hội viên, nâng tổng số hội viên toàn huyện lên 13.199 người, chiếm tỷ lệ 85,07% tổng số hộ nông nghiệp. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem