Những dự án siêu lãng phí đất (Bài 1): “Đất vàng” nông nghiệp chết yểu

Trần Đáng - Quốc Hải Thứ năm, ngày 25/12/2014 09:00 AM (GMT+7)
Nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) hoặc liên doanh ôm hàng ngàn ha đất nông nghiệp sau đó “bỏ của chạy lấy người” khiến nông nghiệp Việt Nam lãng phí một diện tích đất “khủng”, còn người nông dân “sống dở, chết dở” bởi những dự án siêu lãng phí này.
Bình luận 0

Hàng ngàn ha đất “sạch” được chính quyền hối hả thu hồi của nông dân, giao cho doanh nghiệp FDI để cuối cùng… bỏ hoang. Tây Ninh là điển hình cho các con “ngáo ộp” kiểu này hoành hành. 6 dự án nông nghiệp FDI loại “khủng” đã ôm hàng ngàn ha đất.

Viễn cảnh đẹp

UBND tỉnh Tây Ninh vừa thu hồi hàng ngàn ha đất ở huyện Bến Cầu của 2 dự án FDI để chuyển giao cho những nhà đầu tư mới. Nhắc đến 2 doanh nghiệp FDI này, ông Nguyễn Văn Hoàng – Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Bến Cầu, lắc đầu ngao ngán: “Từ khi nhận đất dự án đến giờ họ có làm được gì đâu, cứ trồng hết hoa lan rồi đay, mía… manh mún, đuối quá nên đành bỏ chạy”.

img
Công ty Biotech giờ đã là của Công ty Bò sữa Việt Nam.   
Đứng trước cổng Công ty TNHH Taichi Biotech (gọi tắt là Công ty Biotech), ở xã Long Khánh (Bến Cầu, Tây Ninh) mới thấy hết sự phũ phàng của một dự án mà có lúc người ta hy vọng sẽ là địa điểm vàng nông nghiệp Tây Ninh. Tại cổng đi vào Công ty Biotech, giờ đã thay đổi bảng hiệu thành Trang trại Bò sữa Tây Ninh (Công ty TNHH MTV Bò sữa Việt Nam). Phía trong trang trại cỏ mọc ngút ngàn.

 

img
Cảnh ngổn ngang trong phần đất dự án của Công ty Biotech. (Ảnh: Trần Đáng)
Tháng 11.2004, UBND tỉnh Tây Ninh cấp giấy chứng nhận đầu tư cho nhà đầu tư Noble Base Biotech Corporation mà người đại diện pháp luật là ông Yeh Kou- I (Đài Loan) - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Biotech. Công ty được nhận 685ha đất “sạch” để thực hiện Dự án “Tạo giống, trồng các loại hoa và các loại thảo dược, trừ các loại thảo dược để sản xuất thuốc gây nghiện; ươm nuôi, trồng cỏ voi”, với tổng vốn đầu tư 720 tỷ đồng, hoạt động trong 50 năm.

 

Theo dự án, công ty sẽ trồng 185ha hoa lan chậu các loại (mỗi năm sản xuất 1 triệu chậu), 500ha còn lại trồng cỏ voi trong thời hạn 1 năm (từ tháng 6.2008), năng suất 66 tấn/ha. Công ty Biotech được ưu đãi nhiều khoản: Được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 4 năm kể từ khi có thu nhập chịu thuế; giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo. Công ty còn được miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hoá nhập khẩu…

Cách Công ty Biotech không xa, tại xã Long Phước cũng có một dự án nông nghiệp FDI một thời rất được ưu ái là của Công ty Nông công nghiệp TNHH Tam Hiệp (gọi tắt là Công ty Tam Hiệp) có vốn đầu tư 100% của Hàn Quốc. Theo đó, tháng 12.1996, Công ty Tam Hiệp được Bộ Kế hoạch - Đầu tư cấp giấy phép đầu tư với vốn đăng ký là 4 triệu USD để “trồng, chế biến rau sạch và các loại cây nông sản khác” với diện tích 1.000ha đất, thời hạn hoạt động 20 năm. Doanh nghiệp này được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 2 năm kể từ năm kinh doanh có thu nhập chịu thuế và giảm 50% số thuế phải nộp cho 3 năm tiếp theo.

“Làm như mèo mửa”…

Một nông dân ở xã Long Phước (Bến Cầu, Tây Ninh) đã thốt lên như thế khi nghe chúng tôi hỏi về những gì Công ty Tam Hiệp triển khai trong dự án. Ông còn nói: “Nhà nước thu hồi đất của người dân rồi giao lại cho Công ty Tam Hiệp. Họ có làm gì đâu. Bỏ chạy hết ráo rồi!”.

Thực tế, sau một thời gian dài loay hoay trồng “thử nghiệm” một số loại cây như đậu, bí đao, bí rợ, dưa leo... bản xứ và một số loại cây nhập từ nước ngoài nhưng đều thất bại, cuối năm 2000, Công ty chuyển sang trồng… mía. Công ty trồng được khoảng gần 200ha thì cơ quan chức năng phát hiện không thực hiện đúng nội dung ghi trong giấy phép đầu tư. Sau đó, Công ty Tam Hiệp chuyển sang trồng cây kena trên một phần diện tích được giao và bỏ hoang phần lớn diện tích dự án. Trong khi đó, dự án của Công ty Biotech tình trạng lãng phí đất chẳng thua kém gì.

Theo kết luận thanh tra của tỉnh Tây Ninh, cho đến thời điểm chuyển nhượng, về cơ bản, Công ty Biotech chỉ thực hiện được một phần rất nhỏ của dự án “khổng lồ” gần 700ha đất, đem đất cho các cá nhân khác thuê lại và không sử dụng đất hiệu quả.

Trên địa bàn tỉnh Tây Ninh còn một dự án siêu lãng phí khác của Công ty Cofaci - Việt Nam ở xã Ninh Điền, huyện Châu Thành. Công ty Cofaci được thuê 2.026ha đất trong 20 năm để sản xuất mía nguyên liệu, trồng và chế biến bắp. Thực tế, diện tích đất Cofaci quản lý, sử dụng lên đến 2.051,6ha. Đến khoảng năm 2000, công ty chỉ mới sử dụng 1.251,6ha, còn lại thì “bỏ không”, để mặc người dân lấn chiếm gần 400ha. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem