Những ngộ nhận "tai hại" về RAM điện thoại

ICTNEWS Thứ bảy, ngày 01/08/2015 07:32 AM (GMT+7)
Nhiều người ngộ nhận về bộ phận RAM khiến họ tận dụng hết sức mạnh của RAM, làm ảnh hưởng tới tuổi thọ cũng như sức bền của thiết bị.
Bình luận 0

1. Smartphone, tablet không cần nhiều RAM vì người dùng không chạy quá nhiều ứng dụng một lúc

Đây là một trong những ngộ nhận khá phổ biến của nhiều người dùng smartphone hiện nay. Tư duy này bắt nguồn từ buổi bình minh của thị trường điện thoại thông minh. Đó là giai đoạn mà thiết kế phần cứng và hiệu năng của những chiếc smartphone chưa phát triển mạnh mẽ, nhanh chóng như bây giờ. Đó là thời của những chiếc smartphone được trang bị chip đơn nhân. RAM có dung lượng 256 MB đến 512 MB đã được xem là “khủng”. Mặt khác, số lượng ứng dụng của các nhà phát triển chưa phong phú, đa dạng. Khi nhu cầu sử dụng ứng dụng chưa nhiều thì một lượng RAM vừa phải như vậy là đủ để đảm bảo trải nghiệm người dùng. 

Tuy nhiên, theo thời gian, kho ứng dụng trên các hệ điều hành cho thiết bị di động ngày càng mở rộng. Trong đó, có nhiều ứng dụng trở nên cực kỳ thiết yếu, được người dùng sử dụng liên tục như Facebook, Messenger, Instagram, Youtube… Thói quen duyệt web của người dùng cũng đòi hỏi phải mở nhiều tab hơn trên trình duyệt cùng một lúc. Bên cạnh đó, ngày càng có nhiều các ứng dụng đòi hỏi năng lực xử lý đồ họa cao, thực hiện các tác vụ nặng, “ngốn” rất nhiều RAM. Không những vậy, đối với những hệ điều hành mở như Android, việc nhà sản xuất tùy biến giao diện và thêm vào những tính năng, các ứng dụng của riêng mình (vốn được lập trình sẵn để chạy ngầm trên hệ thống) cũng luôn lấy đi một phần bộ nhớ ngoài của thiết bị.

Do vậy, việc các nhà sản xuất cho ra mắt nhiều thiết bị có dung lượng RAM lớn là hệ quả tất yếu của sự phát triển nhanh chóng về phần cứng, phần mềm cũng như nhu cầu sử dụng của người dùng. 

2. Chạy đa nhiệm gây tốn pin, ảnh hưởng đến khả năng xử lý của thiết bị 

Đối với người dùng phổ thông, việc chạy nhiều ứng dụng một lúc gây tốn pin và ảnh hưởng đến tốc độ xử lý, dẫn đến tình trạng giật, lag khi sử dụng smartphone. Đây là một cách nghĩ chỉ đúng đối với các thiết bị có lượng RAM tương đối thấp (tầm dưới 1GB). Với những thiết bị này, việc thực hiện quá nhiều tác vụ, đặc biệt là ứng dụng nặng, khiến RAM bị “đầy” một cách nhanh chóng. Và người dùng buộc phải bật Task Manager (trên hệ điều hành Windows và Android) để tắt thủ công một số ứng dụng nếu không muốn thiết bị của mình chạy ì ạch. 

img

Tính năng chạy đa nhiệm trên iOS9.

Tuy nhiên, đối với các smartphone hay máy tính bảng có lượng dung lượng RAM lớn, việc chạy nhiều ứng dụng một lúc lại giúp máy chạy nhanh hơn và ít bị hao pin hơn. Thực tế là khi chúng ta khởi động lại ứng dụng sau mỗi lần thoát ra, vi xử lý (CPU) của thiết bị phải chạy hết công suất, lượng điện năng tiêu thụ sẽ nhiều hơn bình thường. Ngược lại, khi ứng dụng đang được chạy nền, toàn bộ dữ liệu vẫn được lưu tạm trên bộ nhớ RAM, CPU không phải làm việc nhiều nên thời gian sử dụng pin sẽ được lâu hơn. Không những vậy, hiện nay, nhiều hệ điều hành đã trang bị tính năng tự tắt ứng dụng chạy nền sau một thời gian không sử dụng. Cụ thể, khi hệ điều hành nhận diện một ứng dụng nào nó mà người dùng không có nhu cầu sử dụng trong một khoảng thời gian nhất định, ứng dụng đó sẽ tự ngưng hoạt động để giải phóng lượng RAM trống. 

3. Làm thế nào để tận dụng tối đa sức mạnh của RAM trên thiết bị di động 

Để có những trải nghiệm tốt nhất trên các thiết bị của mình, người dùng nên lưu ý một số vấn đề sau khi sử dụng smartphone hay máy tính bảng:

- Khởi động lại máy sau mỗi ngày sử dụng. Việc để thiết bị chạy lại từ đầu giúp giải phóng hoàn toàn bộ nhớ RAM, giúp cho mọi tác vụ được hoạt động mượt mà hơn, tránh những hiện tượng khó chịu như giật, lag.

- Để các ứng dụng tự động chạy ngầm sau khi sử dụng. Đối với các thiết bị có dung lượng RAM lớn (từ 2GB trở lên), chúng ta không nên tắt hẳn các ứng dụng ngay sau khi vừa dùng. Hãy luôn để các ứng dụng cần thiết chạy ngầm trên thiết bị. Trong trường hợp cần thiết, để kiểm tra dung lượng RAM còn trống, chúng ta vào Cài đặt (Setting)/Quản lý ứng dụng (Apps)/ Mở tab Ứng dụng đang chạy (Running).

img

Giao diện quản lý RAM trên máy tính bảng Android.

Kết luận

Dung lượng RAM đang trở thành một trong những ưu tiên hàng đầu của người dùng sử dụng cũng như các nhà sản xuất. Vừa qua, bên cạnh Asus Zenfone 2 với dung lượng RAM lên đến 4GB, chúng ta cũng được nghe nói đến một chiếc smartphone cao cấp có lượng RAM “khủng” khác sẽ xuất hiện. Đó là Samsung Galaxy Note 5. Trong thời gian tới, RAM có thể sẽ là yếu tố tiếp theo mà các nhà sản xuất tập trung phát triển để tạo nên sự khác biệt cho sản phẩm của mình.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem