Những nông sản nào giúp ngành nông nghiệp xuất siêu 6,9 tỷ USD?
Những nông sản nào giúp ngành nông nghiệp xuất siêu 6,9 tỷ USD?
P.V
Thứ năm, ngày 06/10/2022 16:37 PM (GMT+7)
9 tháng năm 2022, xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt khoảng 40,8 tỷ USD, tăng 15,2% so với cùng kỳ; xuất siêu đạt 6,9 tỷ USD, gấp 2 lần so với cùng kỳ năm trước.
Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ NNPTNT mới đây, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến thông tin, 9 tháng năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu nông lâm thủy sản trong 9 tháng năm 2022 đạt khoảng 74,7 tỷ USD; trong đó xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt khoảng 40,8 tỷ USD, tăng 15,2% so với cùng kỳ; trong đó xuất khẩu nhóm nông sản chính trên 16,8 tỷ USD; lâm sản chính khoảng 13,3 tỷ USD; thủy sản trên 8, 5 tỷ USD.
Như vậy, đối với các mặt hàng nông lâm thủy sản, xuất siêu đạt khoảng 6,9 tỷ USD, gấp 2 lần so với cùng kỳ năm trước.
Theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến, sở dĩ xuất siêu nông lâm thủy sản đạt con số khả quan là do có tới 7 sản phẩm, nhóm sản phẩm đạt giá trị xuất khẩu trên 2 tỷ USD, gồm cà phê, cao su, gạo, rau quả, điều, tôm, sản phẩm gỗ.
Ngành chế biến và xuất khẩu gỗ có đóng góp đáng kể vào xuất siêu của ngành nông nghiệp. Trong ảnh: Chế biến gỗ tại Xí nghiệp Thắng Lợi, Công ty Phú Tài (Bình Định). Ảnh: Q.Hương.
Trong đó, có nhiều mặt hàng đạt giá trị xuất khẩu cao hơn cùng kỳ năm trước như: Cà phê gần 3,1 tỷ USD, tăng 37,6%; cao su trên 2,3 tỷ USD, tăng 7,7%; sắn và sản phẩm từ sắn trên 1 tỷ USD; cá tra trên 1,9 tỷ USD, tăng 83,3%; tôm gần 3,5 tỷ USD, tăng 24,8%.
Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu nông lâm thủy sản lớn nhất của Việt Nam với giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 10,5 tỷ USD, chiếm 25,8% thị phần; đứng thứ 2 là thị trường Trung Quốc khoảng 7,4 tỷ USD, chiếm 18,2% thị phần; thứ 3 là thị trường Nhật Bản, đạt 3,1 tỷ USD; thứ tư là thị trường Hàn Quốc.
"Trong bối cảnh xung đột Nga - Ukraine khiến chuỗi cung ứng bị gián đoạn, giá thành sản phẩm tăng, lạm phát toàn cầu tăng khiến nhu cầu tiêu dùng giảm, thị trường bị thu hẹp, việc các sản phẩm nông lâm thủy sản xuất siêu 6,9 tỷ USD có ý nghĩa rất quan trọng", Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nói.
Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, trên thực tế, những diễn biến trên thị trường thế giới đã có những tác động lớn đến xuất khẩu nông lâm thủy sản Việt Nam trong thời gian qua, tồn kho đã xuất hiện, một số ngành hàng đơn hàng giảm sâu như gỗ và sản phẩm từ gỗ (theo khảo sát tại một số doanh nghiệp ngành gỗ, đơn hàng giảm tới 40%).
"Nhưng dĩ bất biến ứng vạn biến, xuất khẩu gỗ giảm thì một số sản phẩm mới như viên nén, dăm gỗ lại tăng trưởng mạnh nên xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ trong 9 tháng năm 2022 vẫn tăng", Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.
Trong khi đó, xuất khẩu tôm, cá tra đều có sự tăng trưởng khả quan, nên bù đắp lại những mặt hàng giảm kim ngạch xuất khẩu.
"Các chỉ tiêu của ngành nông nghiệp góp phần vào ổn định kinh tế vĩ mô và phát triển bền vững. Trong bất cứ hoàn cảnh khó khăn nào, chúng ta vẫn đảm bảo được an ninh lương thực, thực phẩm, hướng mạnh tới xuất khẩu. Chúng ta đã xoay trục qua các thị trường khó tính, tăng cả khối lượng, tăng cả giá trị", Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.
Theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT, với việc xoay trục linh hoạt, tăng cường quảng bá, giới thiệu sản phẩm, Việt Nam hoàn toàn có thể đạt được mục tiêu xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 50 tỷ USD, thậm chí có thể hơn.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.