Bữa cơm chan nước mắt
“Hôm đó, nó còn thịt gà cho cụ cháu tôi ăn với nhau” – cụ Lê Thọ (ngoài 90 tuổi, ở Ngọc Thụy, Long Biên, Hà Nội) bắt đầu kể về kết cục cuộc đời cay đắng của mình bằng một bữa cơm mà cụ đã rất ngon miệng và vui vẻ. Bởi vì ngay sau đó, con cụ đã có một hành động khiến cụ cảm thấy miếng thịt gà trồi ngược lên họng.
|
Có 7 đứa con, nhưng ở tuổi 90, cụ Lê Thọ đang phải tá tục ở cửa Phật. D.L |
Ai hỏi cụ Thọ sinh được mấy người con, cụ đều bảo: “Gần chục”. Chính xác thì cụ có 7 người con. Cụ ở với con trai cả đã gần 70 tuổi, cùng cháu, chắt. Cụ bảo sai lầm cay đắng nhất trong cuộc đời cụ chính là bán đất và chia cho các con.
Cụ chia cho cả 7 con nhưng con gái ít, con trai nhiều, con nào đã có nhà thì ít hơn con chưa có nhà. Cụ những tưởng anh em yêu thương, xót xa cho nhau thì thấy thế là công bằng. Con trưởng được nhiều nhất nên đã mua đất, làm nhà.
Cụ ở yên thân trên ngôi nhà mới cùng với con cháu được 4-5 tháng. Bữa ấy, cô con dâu đã thịt gà, nấu cơm canh tươm tất mời cụ ăn cùng con cháu. Lâu lắm cụ không được ăn thịt gà nên cụ đã rất phấn chấn.
“Cha mẹ nuôi con bằng trời bằng bể/Con nuôi cha mẹ, con kể tháng ngày”. Đó là nỗi buồn của không ít người già. Dân số Việt Nam đang bước vào thời kỳ già hóa với gần 10 triệu người già đang cần con cháu và xã hội quan tâm, chăm sóc.
Theo sư thầy Thích Đàm Lan, nhà Phật luôn dạy rằng: “Phàm làm việc gì phải nhớ đến kết quả của nó”, những người bất hiếu với cha mẹ, việc nhỡn tiền là con họ cũng sẽ bất hiếu, vô tình.
Vừa ăn, vừa cười đùa cùng đứa chắt. Ăn xong, con trai mời cụ ra ghế ngồi, đưa cho cụ cuốn sổ đỏ rồi từ tốn bảo: “Ông xem trong sổ đỏ của nhà này có tên ông thì ông ở lại, không có tên thì mời ông đi chỗ khác”. Đương nhiên là không thể có tên cụ, vì con trai cụ đã tự mua đất, xây nhà bằng tiền của cụ cho!
Chịu nhục nhã, đau đớn được thêm 1 tháng nữa, nghe tin chùa Bồ Đề nhận nuôi người già, cụ đã đến xin trú nhờ. Lúc đầu sư thầy còn từ chối, vì nhà chùa chỉ cứu giúp người già cô đơn không nơi nương tựa, đằng này, cụ có cả 7 đứa con, gia đình sung túc cả. Nhưng cụ đã bật khóc. Sinh 7 đứa con như cụ thì cũng như là kẻ “mồ côi” con.
Hơn 1 năm nay cũng không đứa con nào đến thăm cụ. Cụ trệu trạo nói: “Người ta chan cơm bằng canh, còn tôi cứ bê cơm lên lại chan bằng nước mắt. Vì tôi nhớ đến bữa cơm cuối cùng tôi còn được chúng nó gọi bằng bố, bằng ông”. Cụ Thọ cũng nghe tin con trai cả đã bán nhà ở Ngọc Thụy, mua nhà ở tận Đông Anh. Chắc để cho cụ bặt tin, không còn biết đường mà tìm về.
Đắng lòng cha mẹ
Bà Hoàng Thị Khanh (Khoái Châu, Hưng Yên) năm nay cũng 91 tuổi. Bà ngồi nhỏ thó ở góc giường, im lặng, đôi mắt mờ đục nhìn xa xăm. Thấy khách hỏi thăm, bà chìa đôi bàn chân Giao Chỉ nứt ngang dọc ra khoe. Bà bảo ngày trẻ, bà bán bún, bán bánh tẻ nên đi bộ khắp mọi nơi. Bà sinh 5 lần nhưng chỉ nuôi được 3 cô con gái.
Chồng bà mất sớm, 2 cô đến tuổi cập kê thì đi biệt tăm mất, nghe đâu bị lừa bán sang Trung Quốc. Một cô còn lại lấy chồng rồi cũng theo chồng đi mãi, không về thăm mẹ. “5 đứa đều chê tôi nghèo mà bỏ đi cả rồi”. Bà cứ côi cút một mình, đến lúc già không đi buôn bán được thì đi ở cho người ta. Nhưng rồi cũng đến lúc bà mệt mỏi, đau ốm, không làm được việc nữa, bị người ta đánh mắng, hắt hủi. Rồi cán bộ địa phương đưa bà vào chùa.
32 cụ già cô đơn, không nơi nương tựa đến tá túc tại chùa Bồ Đề (Hà Nội). Mỗi người một cảnh khổ, một nỗi đau. Nhưng tất cả đều chung nỗi niềm thiếu thốn tình yêu thương, đặc biệt những người đã đứt ruột sinh con, vắt mồ hôi, nước mắt nuôi con lớn khôn, nhưng đến lúc tuổi già lại bị con ruồng bỏ. Sư thầy trụ trì Thích Đàm Lan cho biết, lúc nào trong chùa cũng có vài chục cụ già neo đơn tá túc. Nhà chùa có chỗ ngủ, bữa cơm nhưng không thể xóa đi nỗi tủi phận, niềm cay đắng của họ.
Diệu Linh
Vui lòng nhập nội dung bình luận.