Những quy định mới nhất về thử việc lao động cần biết
Không chỉ có lương, còn rất nhiều quyền lợi đi kèm, kể cả bảo hiểm mà nhiều lao động thử việc không biết
Thùy Anh
Thứ hai, ngày 18/04/2022 13:35 PM (GMT+7)
Tiền lương thử việc được dựa trên tính chất mức độ, bằng cấp khác nhau của từng lao động và từng công việc, nhưng không thấp hơn 85% mức lương của công việc đó. Ngoài ra, lao động còn có nhiều quyền lợi khác khi tham gia thử việc.
Tiền lương thử việc bằng ít nhất 85% lương của công việc đó
Điều 26, Bộ luật Lao động 2019 có quy định cụ thể về mức tiền lương thử việc với lao động. Theo đó, tiền lương của người lao động trong thời gian thử việc do hai bên thỏa thuận nhưng ít nhất phải bằng 85% mức lương của công việc đó.
Đồng thời, mức tiền lương của công việc này phải được tính toán đảm bảo dựa trên mức lương tối thiểu vùng (đối với công nhân, lao động làm trong các doanh nghiệp) và cao hơn mức lương cơ sở (đối với lao động làm trong các đơn vị cơ quan, tổ chức Nhà nước).
Ngoài ra, mức lương cụ thể của từng công việc còn được tính dựa trên nhiều yếu tố.
Hiện nay, các doanh nghiệp, tổng công ty đã áp dụng việc xây dựng thang bảng lương cụ thể cho từng công việc, từng vị trí.
Có một số nguyên tắc được áp dụng khi xây dựng thang bảng lương để tính tiền lương cho các công việc cụ thể trong các doanh nghiệp đó là:
- Thang bảng lương trong doanh nghiệp phải không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng nơi địa bàn doanh nghiệp đó đóng chân.
- Thứ hai, mức lương phải được tính toán dựa trên cả bằng cấp, kỹ thuật của lao động đang có.
- Thứ ba, mức lương phải có sự công bằng giữa các vị trí.
- Thứ tư, có tính toán tới mức lương của công việc độc hại, nguy hiểm.
- Thứ năm, mức lương phải đảm bảo tính cạnh tranh của doanh nghiệp và tạo động lực giúp chính lao động thi đua, sản xuất. Và khi ban hành thang bảng lương phải được sự thỏa thuận, tham khảo của công đoàn công ty.
- Thứ sáu, mức lương phải đảm bảo chăm lo cho người lao động, giúp người lao động ổn định đời sống, tạo động lực lao động gắn bó, thi đua sản xuất, nâng cao năng suất lao động.
Ngoài ra, với mỗi một vị trí, chức danh, doanh nghiệp còn có các tính toán xây dựng thang, bảng lương khác nhau với nhiều chế độ lương thưởng cũng rất khác nhau nhằm "hút" nhân tài.
Không sai khi các chuyên gia cho rằng: "một mức lương hấp dẫn sẽ là một chiêu thức hấp dẫn để giữ chân nhân tài, thu hút người giỏi".
Từ những căn cứ trên, trong các doanh nghiệp, tập đoàn sẽ đưa ra thang bảng lương cụ thể với từng vị trí, chức danh. Thang bảng lương này được công khai để người lao động giám sát, theo dõi quá trình thực hiện.
Tiền lương thử việc của lao động cũng sẽ được thay đổi tùy thuộc vào sự thay đổi của lương tối thiểu vùng, hay thang bảng lương hoặc lương cơ sở. Tuy nhiên, mức lương này cũng phải dựa trên sự thỏa thuận giữa người lao động và người thử việc.
Mức lương thử việc ở từng vị trí công việc sẽ được tính dựa trên chỉ số này và đảm bảo không được thấp hơn 85% lương của công việc đã được quy định thang, bảng lương của công ty ban hành.
Tương tự, với lao động làm việc trong cơ quan nhà nước, lực lượng vũ trang, quân đội, các tổ chức chính trị, xã hội. Mức lương thử việc cũng được áp dụng dựa trên mức không được thấp thấp dưới 85% mức lương hiện hành của công việc đó.
Lương công nhân viên chức hiện nay được tính dựa trên mức lương cơ sở vùng là 1,49 triệu đồng/tháng. Mức lương này chưa kể hệ số bằng cấp của lao động và thâm niên của lao động.
Với lao động làm việc ở vùng đặc biệt khó khăn, làm các công việc nặng nhọc, độc hại... mức lương thử việc sẽ được cộng thêm các chỉ số này.
Ngoài tiền lương thử việc, lao động còn có những quyền lợi khác cần biết
Lao động khi thử việc phải lưu ý ký hợp động thử việc và thỏa thuận về thời gian thử việc, nghĩa vụ thử việc.
Khoản 1, khoản 4 Điều 24 Bộ luật Lao động 2019 đã quy định có thể thỏa thuận thử việc bằng 2 hình thức: Thỏa thuận nội dung thử việc ghi trong hợp đồng lao động; Giao kết hợp đồng thử việc.
Tuy nhiên, không áp dụng thử việc đối với người lao động có hợp đồng lao động có thời hạn dưới 1 tháng.
Nội dung của hợp đồng thử việc phải ghi rõ các thông tin của lao động, công ty, tổ chức nơi lao động làm việc. Tiếp đến là mức lương, công việc, thời gian làm việc, thời gian nghỉ ngơi...
Khoản 2 Điều 27 Bộ luật Lao động 2019 đã quy định về hủy bỏ thỏa thuận thử việc. Theo đó, trong thời gian thử việc, mỗi bên có quyền hủy bỏ hợp đồng thử việc hoặc hợp đồng lao động đã giao kết mà không cần báo trước và không phải bồi thường.
Thời gian thử việc do hai bên thỏa thuận căn cứ vào tính chất và mức độ phức tạp của công việc nhưng chỉ được thử việc một lần đối với một công việc và bảo đảm điều kiện sau đây:
Không quá 180 ngày đối với: công việc của người quản lý doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp , Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp ;
Không quá 60 ngày đối với: công việc có chức danh nghề nghiệp cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật từ cao đẳng trở lên;
Không quá 30 ngày đối với: công việc có chức danh nghề nghiệp cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật trung cấp, công nhân kỹ thuật, nhân viên nghiệp vụ;
Không quá 6 ngày làm việc đối với công việc khác.
Người lao động ký kết hợp đồng thử việc không phải đóng BHXH bắt buộc. Tuy nhiên, Công văn 2447/LĐTBXH-BHXH ngày 26/7/2011 quy định đối với người lao động có thời gian thử việc ghi trong hợp đồng lao động mà hợp đồng đó thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, thì cả người sử dụng lao động và người lao động phải đóng BHXH bắt buộc cho cả thời gian thử việc.
Kết thúc thời gian thử việc, công ty phải thông báo kết quả cụ thể. Nếu đạt thì ký kết hợp đồng lao động, nếu không thì hủy bỏ hợp đồng thử việc.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.