Những "Thần nông" trên đồng ruộng - khúc ca tự hào về người nông dân Việt Nam
Nhà văn Chu Lai: Những "Thần nông" trên đồng ruộng - khúc ca tự hào về người nông dân Việt Nam
Minh Huệ
Thứ tư, ngày 12/10/2022 18:41 PM (GMT+7)
“Lịch sử Việt Nam là lịch sử trận mạc chống giặc ngoại xâm, cụm từ nông dân là quân chủ lực luôn luôn vang vọng. Người nông dân từng đã không chịu cái nhục mất nước, thì nay cũng quyết không chấp nhận cái nhục đói nghèo. Nông dân, nông thôn của chúng ta đang sôi lên, bừng lên” – Nhà văn Chu Lai chia sẻ.
Theo nhà văn Chu Lai, người nông dân bây giờ đã nhìn xa hơn ngọn lúa để trở thành người nông dân công nghiệp, để đường hoàng bước vào cuộc cách mạng 4.0. "Dù đang còn cái này, cái khác, nhưng với cái trí tuệ luôn có sẵn trong đầu nông dân, tôi tin sẽ có khúc ca về người nông dân vang vọng trên bầu trời" – ông nói.
Trò chuyện, giao lưu với nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2017, nhà văn Chu Lai chia sẻ: Nói về ai có thể hỏi; nói về cái gì, có thể hỏi, nhưng khi nói về người nông dân - một lực lượng chủ chốt của dân tộc, thì tôi phải nghiêng mình kính cẩn cúi chào. Tôi thường viết về người lính, nhưng thật ra hầu hết những người lính đều xuất thân từ nông dân, nông thôn.
Lịch sử Việt Nam là lịch sử trận mạc, dân tộc Việt Nam dẫu không muốn cũng vẫn là dân tộc trận mạc. Do đó cụm từ nông dân là quân chủ lực đã vang vọng suốt cuộc hành trình kháng chiến. Qua chiến tranh, hòa bình, qua thời bao cấp ảm đạm, qua thời thị trường ngang ngửa và đến ngày hôm nay, giai cấp nông dân Việt Nam đã trải qua những thời kì giông bão nhất của đất nước.
Hôm nay diện mạo kinh tế Việt Nam tươi sáng, ổn định như thế này, thì giai cấp nông dân Việt Nam vẫn giữ nguyên vai trò là quân chủ lực. Trong suốt chiều dài lịch sử nước ta, giông bão, tai ương, thiên tai địch họa đều đổ xuống những vùng nông thôn, miền núi, và người nông dân đều gánh chịu hết. Chính vì thế, người nông dân đã trở thành chỗ dựa tinh thần cho cả dân tộc đứng vững trong rất nhiều cảnh ngộ khác nhau, cả hòa bình lẫn dịu êm, cũng như chiến tranh, giông bão.
"Với những người cầm bút chúng tôi, nếu ngày hôm qua chiến tranh, thì hình tượng trung tâm sẽ là người lính bởi vì liên quan đến sinh tử, sống còn của dân tộc, nhưng hôm nay, hình tượng trung tâm của những người cầm bút chính là những người nông dân và doanh nhân. Đó là 2 hình tượng liên quan đến sinh tử, đói no của non sông. Vì thế mà hình tượng người nông dân sẽ mãi mãi đi cùng năm tháng" – nhà văn Chu Lai khẳng định.
Nhà văn Chu Lai cho rằng, một điều tuyệt vời của cảnh sắc nông thôn nước ta, đó cũng là cảnh sắc của văn học nghệ thuật. Nếu không có cảnh sắc nông thôn thì Việt Nam này không có nhà văn Đỗ Chu với "Mùa cá bột", không có nhà thơ thần đồng Trần Đăng Khoa khi mà "cua lên bờ, mẹ em xuống cấy" - rất nông thôn; cũng sẽ không có Lưu Quang Vũ, một người lính pháo thủ đóng quân ở sông Hồng thì mới có các tác phẩm "Se sẽ chứ", "Cánh buồm bay đi mất"...
"Hòa bình rồi, nhưng nhiều vùng nông thôn, miền núi vẫn còn nghèo. Một câu hỏi bay lơ lửng lâu nay, khiến chúng ta luôn đau đáu phải đi tìm câu trả lời, đó là tại sao nỗi nhục mất nước người nông dân không chịu được, mà cái nhục đói nghèo chúng ta lại dễ dàng chấp nhận sao? Và chúng ta có thể trả lời, 30 năm qua, người nông dân không chấp nhận điều đó, không chấp nhận nỗi nhục đói nghèo. Họ đã góp phần thay đổi diện mạo của nền kinh tế" - nhà văn Chu Lai khẳng định.
Giờ đây, đất nước ta đang dồn dập bước vào cuộc cách mạng 4.0, nông thôn văn minh, nông thôn số hóa, thì chúng tôi - những người lính cầm bút vẫn viết về những người mẹ Việt Nam, những cô thôn nữ thắt đáy lưng ong, thoảng hương mùi bồ kết trên tóc, vẫn là mùi mồ hôi nồng nàn... Khắp đất nước hình chữ S này mang dáng dấp của nông dân công nghiệp hòa nhập với toàn cầu.
"Tới đây, tôi tin rằng, với tất cả khí lực của người nông dân, tài lực của người nông dân, cái cần cù, tảo tần, thêm trí tuệ sẵn có, cuộc cách mạng nông nghiệp 4.0 của chúng ta sẽ thành công, sẽ có thêm những khúc ca chiến thắng vang vọng khắp bầu trời..." – nhà văn Chu Lai khẳng định.
Những "Thần nông" trên đồng ruộng
Một người gắn bó với nông thôn từ thuở nhỏ, có nhiều tác phẩm nổi tiếng về nông thôn, nông dân là Nhà thơ Trần Đăng Khoa, bày tỏ: "Việc tôn vinh những người "Nông dân Việt Nam xuất sắc" thực sự có ý nghĩa rất thiết thực, không chỉ là lễ vinh danh các cá nhân tiêu biểu xuất sắc nhất, mà còn nhằm khích lệ, động viên nông dân kịp thời, tạo động lực cho họ tiếp tục phấn đấu làm giàu cho gia đình và cho xã hội.
Những hội viên, nông dân được tôn vinh, nhận danh hiệu "Nông dân Việt Nam xuất sắc" đều là những nhà nông năng động, sáng tạo, có ý chí vượt khó làm giàu và sống nghĩa tình trong cộng đồng.
Hay có thể nói, họ là những người anh hùng trên "chiến tuyến" thời bình, họ không chỉ lao động, sản xuất, kinh doanh giỏi, không chỉ lao động, sản xuất vì mục đích thoát nghèo, vươn lên làm giàu cho gia đình mà còn sống nghĩa tình, giúp đỡ bà con hàng xóm, cùng với Hội nông dân các cấp tham gia giảm hộ nghèo, tăng hộ khá, giàu ở nông thôn.
Theo nhà thơ Trần Đăng Khoa, bây giờ người nông dân không phải chỉ lao động bằng cơ bắp, họ còn lao động bằng trí tuệ. Làm sao có thể hình dung một lão Hai Lúa với học vấn chỉ lớp 3, lớp 4 mà làm được cả máy bay, xe tăng, tàu ngầm, rồi những cỗ máy nông cụ. Máy gặt, máy tra hạt, máy bón phân. Có lão còn chế tạo được phân bón kích thích sinh trưởng rất tốt, đặc biệt là thuốc sâu, có thể diệt sâu rất hiệu nghiệm, nhưng lại không độc hại cho người. Có lão còn "nếm phân", "nếm thuốc sâu" sáng chế ngay trước ống kính truyền hình. Phải nói là kỳ diệu.
Trong khi chúng ta có rất nhiều tiến sĩ, viện sĩ, nhiều nhà khoa học, nhiều viện khoa học, nhưng những "phát minh" sáng giá lại chỉ thấy ở... nông dân. Họ thường không được học cao, nhưng họ lại tự đào tạo để thành tài.
Đó là những "Thần Nông" không phải trong huyền thoại, nhưng họ đã thực sự làm nên huyền thoại. Mình vẫn biết là họ tài rồi, vậy mà đến khi đọc những bài viết về họ, mình vẫn kinh ngạc. Tôi đặc biệt kính nể những ông nông dân có khả năng sáng chế ra những chiếc máy nông cụ 3 trong 1, rồi 5 trong 1, thậm chí 32 trong 1. Họ thực sự là những bậc kỳ tài…
Mới đây nhất là anh Phạm Văn Hát, chỉ học hết lớp 7. Anh Hát sinh năm 1972, ở xã Ngọc Kỳ, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương, song anh đã nghiên cứu, sáng chế thành công nhiều loại máy nông nghiệp, điển hình là con rô bốt đặt hạt. Rô bốt rất đơn giản, không cần rơ le, cũng không cần chíp điện tử, nhưng nó có thể đặt hạt chính xác khoảng cách 2 hoặc 3 cm, và vận hành thuần thục trên mọi địa hình của cánh đồng kể cả trên những triền núi cao, thay thế cho khoảng 40 người làm việc cật lực. Robot đặt hạt sau 2 năm nghiên cứu, cải tiến đã vượt ra khỏi lũy tre làng ở xã Ngọc Kỳ, sang tận Đức, Mỹ, Singapore, Thái Lan... bằng nhiều cách khác nhau.
"Mỗi chiếc máy xuất khẩu, anh Hát cũng chỉ bán với giá 2.500 USD, rất bình dân. Nông dân của chúng ta thế đấy. Họ là những nhà khoa học đích thực. Nhà khoa học chân đất" - nhà thơ Trần Đăng Khoa nhấn mạnh.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.