Gần cuối giờ chiều 7.9, ngay sau khi kết thúc cuộc họp với lãnh đạo Công an huyện đảo Phú Quốc, đại tá Đỗ Minh Dũng - Phó Giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Kiên Giang - cho biết, ông đã có mặt tại huyện đảo từ sáng cùng ngày để chỉ đạo xác minh, điều tra làm rõ vụ việc xảy ra sáng 6.9.
Tại một cuộc họp trước đó, lãnh đạo Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Kiên Giang đã được nghe Công an huyện Phú Quốc báo cáo diễn biến vụ dẫn đến tình huống thiếu tá Lê Minh Chánh - Trưởng Công an thị trấn Dương Đông - đã phải nổ súng giải cứu cháu bé mới 2 tuần tuổi - cháu Bùi Trương Bảo Ngọc, con chị Trương Thị Cam Ly (23 tuổi, ngụ khu phố 3, thị trấn Dương Đông, huyện Phú Quốc).
Thông tin đầu tiên về vụ việc này, đại tá Phạm Trung Thành - Trưởng phòng Tham mưu, Người phát ngôn Công an tỉnh Kiên Giang - cho biết, loại súng mà thiếu tá Lê Minh Chánh sử dụng là K59. Đối tượng Nguyễn Văn Hữu (26 tuổi, ngụ khu phố 3, thị trấn Dương Đông) đã bị trúng đạn vào bụng, đứt động mạch gần cột sống, mất nhiều máu nên tử vong.
Khám nghiệm hiện trường nơi Nguyễn Văn Hữu xông vào lúc rạng sáng 6.9.
Việc khám nghiệm tử thi được tiến hành và kết thúc vào lúc 21h ngày 7.9. Thi thể Nguyễn Văn Hữu ngay sau đó cũng đã được bàn giao cho người thân để an táng.
Cùng thời điểm vừa kể, Công an tỉnh Kiên Giang cũng đã hoàn tất khám nghiệm hiện trường tại nhà của các nạn nhân.
Chiều 7.9, một nguồn tin cho biết Nguyễn Văn Hữu đã có một tiền án 2 năm tù hành vi trộm cắp tài sản. Sau đó, anh ta không tiếp tục nghề đi biển mà tụ tập với một số đối tượng xấu ăn nhậu và thường vô cớ gây sự với nhiều người dân xung quanh.
Ông Huỳnh Công Nhờ - công an viên phụ trách Khóm 3, thị trấn Dương Đông - cho biết, trước khi gây ra vụ việc tại nhà chị Ly, từ chiều 6.9, Hữu đã đi dọc theo xóm xuống khu vực Lăng Ông Nam Hải để quấy rối nhiều hộ dân. Trong đó, nhà bà Liên (cùng tổ 11 với nhà chị Ly - PV) bị Hữu đập vỡ một số tài sản nên tối đó không ai dám mở cửa khi nghe gã thanh niên này gọi.
Tuy nhiên, có một chi tiết không như thông tin ban đầu mà chúng tôi nắm được.
Ông Nhờ cho biết, sau sự việc ông có tìm hiểu qua người thân và bạn bè của Hữu thì đêm đó Hữu không uống rượu. “Có thể đối tượng này đã sử dụng ma túy quá liều nên gây ảo giác” - ông Nhờ suy đoán.
Cháu bé Bùi Trương Bảo Ngọc và chị Trương Thị Cam Ly đã được cứu sống nhờ sự ra tay kịp thời của lực lượng công an.
Trao đổi thêm với PV CAND Online vào chiều 7.9, đại tá Đỗ Minh Dũng khẳng định: “Hành vi của đối tượng Nguyễn Văn Hữu vào thời điểm trước khi lực lượng công an nổ súng là cực kỳ nguy hiểm, đe dọa trực tiếp đến tính mạng của cháu Ngọc. Chính vì vậy, theo quan điểm bước đầu của tôi, việc nổ súng là cần thiết và đúng pháp luật. Tuy nhiên, Công an tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp với Viện kiểm sát tiếp tục điều tra, xác minh mới đi đến kết luận chính thức”.
Đại tá Đỗ Minh Dũng còn cho biết, vào thời điểm thiếu tá Lê Minh Chánh nổ súng, có sự chứng kiến của đông đảo người dân địa phương. Sau khi đối tượng manh động bị bắn hạ, đông đảo người dân, trong đó có cả những đảng viên, cán bộ hưu trí trên địa bàn huyện Phú Quốc rất đồng tình với cách xử lý kịp thời của lực lượng công an, cụ thể là Trưởng Công an thị trấn Dương Đông - thiếu tá Lê Minh Chánh.
Trao đổi với PV Báo CAND chiều 7.9, luật sư Nguyễn Trường Thành - Trưởng Văn phòng Luật sư Vạn Lý; Đoàn Luật sư TP.Cần Thơ - cho rằng, quyết định nổ súng của thiếu tá Lê Minh Chánh trong vụ việc kể trên là đúng, được pháp luật cho phép.
Cụ thể, tại khoản 2 tiết b, Điều 22 Pháp lệnh 16/2011/UBTVQH12 (có hiệu lực thi hành vào ngày 1.1.2012) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ) quy định rõ: “Chỉ nổ súng khi không còn biện pháp nào khác để ngăn chặn hành vi của đối tượng và sau khi đã cảnh báo mà đối tượng không tuân theo. Nếu việc nổ súng không kịp thời sẽ đe dọa trực tiếp đến tính mạng sức khỏe của bản thân hoặc người khác hoặc có thể gây ra những hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác thì được nổ súng ngay”.
Hơn nữa, tại Điều 15 khoản 1 Bộ luật Hình sự quy định về phòng vệ chính đáng: “Phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ lợi ích của Nhà nước, của tổ chức bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mình hoặc của người khác mà chống trả một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên”.
“Phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm. Như vậy hành động nổ súng của chiến sĩ công an được coi là phòng vệ chính đáng” - luật sư Nguyễn Trường Thành cho biết thêm.
Về sức khỏe của cháu Ngọc và chị Ly, đến chiều 7.9, anh Bùi Văn Bảo - chồng chị Ly - cho biết, con gái anh chị đã khoẻ, uống được sữa nhiều lần. Hiện chị Ly vẫn đang nằm tại Bệnh viện Đa khoa huyện Phú Quốc. Cả anh và người thân đều từng đề nghị lãnh đạo bệnh viện cho được chuyển hai mẹ con vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kiên Giang để tiếp tục điều trị, song bệnh viện huyện chưa có chỉ định chuyển viện.
|
Binh Huyền (CAND)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.