Ninh Bình: Cận Tết, người dân đổ xô mua thịt "con sửu" ăn, biếu Tết vì lý do bất ngờ này

Hải Đăng Thứ tư, ngày 10/02/2021 19:41 PM (GMT+7)
Mấy ngày cận Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, hàng thịt trâu thả đồng của ông Phạm Vũ Hoàng ở thôn 8, xã Đông Sơn, TP.Tam Điệp (Ninh Bình) bán giá cao nhưng vẫn thu hút nhiều khách đến mua về ăn, biếu Tết.
Bình luận 0
Cận Tết, mổ "con sửu" bán giá cao nhất làng, lão nông Ninh Bình nói điều này mà hút đông khách đến mua hết hàng - Ảnh 1.

Giá thị trâu, nghé thả đồng đang được ông Hoàng bán từ 250.000 đồng đến 350.000 đồng/kg.

Là hộ nuôi nhiều trâu, nghé nhất xã, khoảng trên 10 con, ông Hoàng thường dành 4-6 con để mổ thịt bán Tết. 

Theo lão nông này, do đàn trâu, nghé của ông được chăn thả tự do ngoài cánh đồng ăn cỏ, uống nước sạch nên vật nuôi có chất lượng thịt rất thơm, ngon. Bởi thế, mỗi khi biết ông sắp mổ bán đã có nhiều khách quen ở làng đặt trước.

"Dù năm nay có đại dịch nhưng nhu cầu mua thịt trâu, nghé ăn, biếu Tết, nhất là phục vụ các cuộc liên hoan ở các gia đình, dòng họ vẫn khá nhiều nên các "con sửu" của tôi thịt ra đến đâu đều có khách đến tận nhà mua hết. Thậm chí nhiều khách chậm chân đến muộn còn không có thịt trâu để mua ăn", chủ đàn trâu lớn nhất xã Đông Sơn chia sẻ.

Lý giải nguyên nhân khách mua thịt trâu nhiều, ông Hoàng khẳng định: Thứ nhất thịt trâu có thể chế biến được nhiều món như xào, hấp, lẩu... ăn rất ngon và lạ miệng. Thứ 2 là Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 mang hình tượng con trâu nên nhiều người quan niệm ăn thịt trâu gặp nhiều may mắn, tài lộc nên bà con mua nhiều về ăn và biếu Tết.

Nghe tin ông Hoàng mổ thịt trâu, nghé, sáng ngày 10/2 (ngày 29 tháng Chạp), anh Tống Văn Mạnh ở thôn 8 đã ra chờ mua vài cân thịt trâu về ăn Tết.

"Thường ngày ăn nhiều thịt gà, lợn, bò, mấy ngày Tết năm nay tôi cố gắng bổ sung thêm thịt trâu để đổi vị phục vụ gia đình và khách đến chúc Tết", anh Mạnh nói.

Theo anh Mạnh, dù năm nay có đại dịch nhưng gia đình anh vẫn ăn Tết đủ đầy như mọi năm, từ việc tiêu dùng các thực phẩm truyền thống Tết Việt như bánh chưng, dưa hành, thịt gà và chơi hoa đào phai 5 cánh.

Cận Tết, mổ thịt"con sửu" bán giá cao nhất làng, lão nông Ninh Bình nói điều này mà hút đông khách đến mua hết hàng - Ảnh 2.

Mấy ngày cận Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 gia đình ông Hoàng mổ thịt 5 con trâu, nghé có trọng lượng từ 1 đến 2 tạ/con đều bán đắt hàng.

Cận Tết, mổ thịt"con sửu" bán giá cao nhất làng, lão nông Ninh Bình nói điều này mà hút đông khách đến mua hết hàng - Ảnh 3.

Bên cạnh việc bán thịt trâu tươi có giá từ 250.000 đồng đến 350.000 đồng/kg, ông Hoàng còn xay giò trâu nguyên chất bán cho người tiêu dùng với giá 350.000 đồng/kg.

Cận Tết, mổ thịt"con sửu" bán giá cao nhất làng, lão nông Ninh Bình nói điều này mà hút đông khách đến mua hết hàng - Ảnh 4.

Khách hàng phấn khởi khi mua được thịt trâu của ông Hoàng về ăn, biếu Tết.

Cận Tết, mổ thịt"con sửu" bán giá cao nhất làng, lão nông Ninh Bình nói điều này mà hút đông khách đến mua hết hàng - Ảnh 5.

Cùng thôn với gia đình ông Hoàng, gia đình ông Phạm Xuân Thông cũng mổ bò bán với giá từ 200.000 đồng đến 250.000 đồng/kg thu hút rất nhiều người mua.

Lương y Vũ Quốc Trung (Hà Nội) cho biết, con trâu ở nước ta được nuôi phổ biến nhất cách đây khoảng 3000 năm. Trâu thích ăn các loại cỏ, rau, củ. Thịt trâu, sừng trâu, sữa trâu, răng trâu, nhiều bộ phận khác như da trâu, nội tạng gan, lá lách, dạ dày trâu đều được dùng như thịt bò. Các bộ phận của con trâu đều có thể ăn và làm thuốc chữa bệnh được.

Theo Đông y, thịt trâu có tính mát, vị ngọt, không độc, có tác dụng bổ tỳ vị, ích khí huyết, cường gân cốt. Theo nghiên cứu, trong thịt trâu chứa 74,2 % nước, 21,9 % protit, 3 % lipit. Ngoài ra thịt trâu còn giàu các khoáng chất như phốt pho, can xi. Thịt trâu lành hơn thịt bò, có tác dụng chữa phong tê thấp, bớt đau lưng. Thịt trâu còn có ưu điểm ít mỡ hơn thịt bò. Trong thịt trâu chỉ có 1,6-5,6% mỡ so với thịt bò là 10-22%. Hơn nữa, lượng sắt có trong thịt trâu lại hơn hẳn thịt bò.

Từ xa xưa danh y Tuệ Tĩnh và Hải Thượng Lãn Ông đều viết thịt trâu bổ thận, bổ gân cốt, chữa phong, thủy lũng nên phải ăn.

Tuy nhiên, các danh y cũng đúc kết không nên ăn thịt trâu với củ kiệu, hẹ vì dễ phát sinh nhiệt bệnh; cũng không nên ăn với gừng vì làm hư răng. Nếu dùng thịt trâu nấu chín xắt mỏng chấm với nước mắm gừng phải thêm giấm, lúc này sẽ ăn vào sẽ chữa tỳ hư thấp ủng, sưng thũng nặng nề hai chân.

Tuy nhiên, do đặc tính giàu đạm nên thịt trâu chống chỉ định cho riêng với một số bệnh nhân. Những người bị bệnh mỡ máu, huyết áp cao, các bệnh về chuyển hóa tuyệt đối không nên ăn thịt trâu.Trong thịt trâu chứa nhiều chất béo bão hòa không tốt cho sức khỏe của người mắc bệnh này.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem