Nỗ lực tìm việc làm cho học viên

Thứ năm, ngày 09/08/2012 07:54 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Đó là một trong những kết quả đáng ghi nhận trong công tác dạy nghề cho nông dân tại huyện Thanh Sơn, Phú Thọ.
Bình luận 0

Giải bài toán việc làm

Thanh Sơn là huyện miền núi gồm 22 xã, 1 thị trấn, trong đó 9 xã thuộc diện xã 135, 6 xã thuộc Chương trình 229. Huyện có dân số hơn 12.000 người, gồm 4 dân tộc, trong đó người dân tộc thiểu số chiếm gần 60%. Giao thông không thuận lợi nên đời sống của người dân rất khó khăn. Việc triển khai Quyết định 1956 của Chính phủ được coi là "chìa khóa" giúp giải bài toán về việc làm ở Thanh Sơn.

img
Gia đình anh Đinh Văn Thiên nuôi gà sinh học, bán hoang dã sau khi học nghề.

Ông Bùi Trung Hiếu - Phó phòng LĐTBXH huyện Thanh Sơn cho hay: "Chúng tôi đã triển khai Quyết định 1956 đến tất cả 23 xã, trị trấn. Cụ thể, năm 2010 huyện đã mở được 9 lớp, với 227 học viên; năm 2011 mở 13 lớp, với 385 học viên; 6 tháng đầu năm 2012 đã mở 6 lớp, với 210 học viên tham gia học các nghề chăn nuôi thú y, trồng trọt, điện dân dụng…".

Theo kết quả khảo sát của Phòng LĐTBXH, khoảng 72% lao động sau khi học nghề xong có việc làm, trong đó số người làm việc tại địa phương là 40%, 32% làm việc ở các địa phương trong và ngoài tỉnh.

Anh Đinh Văn Thiên ở xóm Giữa, xã Địch Quả từng học nghề chăn nuôi, hiện anh là một trong những hộ đang thử nghiệm mô hình nuôi gà sinh học. Anh Thiên cho biết: "Sau 3 tháng học nghề tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện, tôi đã được cấp chứng chỉ nghề. Hiện tôi đang nuôi 200 con gà theo mô hình chăn nuôi sinh học, bán hoang dã. Gà lớn rất nhanh, ít bệnh tật, sau 4 tháng trọng lượng trung bình đạt 1,8 - 2kg/con, trừ chi phí lãi 70.000 - 80.000 đồng/con".

Cần đầu tư vào nghề “nóng”

Hiện trên địa bàn huyện Thanh Sơn có tới 7 trường, trung tâm dạy nghề. Đây là thuận lợi của huyện trong việc triển khai đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Tuy nhiên, một số nghề hiện cho thu nhập cao như cơ khí, điện công nghiệp, vận hành máy xúc… vẫn khó tuyển sinh. Trao đổi với chúng tôi, bà Đinh Thị Tuệ Minh- Chủ tịch Hội ND huyện Thanh Sơn cho biết, mặc dù trên địa bàn có nhiều trường, trung tâm dạy nghề, nhưng lại rất ít các xưởng cơ khí, điện dân dụng… Học xong phải đi nơi khác xin việc, nên nhiều lao động vẫn chưa mặn mà học những nghề này.

Sau hơn 2 năm triển khai dạy nghề theo Quyết định 1956, số lao động qua đào tạo nghề ở huyện Thanh Sơn từ 9.925 người lên 13.172 người, chiếm 16,5% tổng số lao động trong huyện. Tổng kinh phí đào tạo nghề hơn 1,4 tỷ đồng.

Từ những khó khăn này, UBND huyện Thanh Sơn đã đề nghị các trường, trung tâm dạy nghề trên địa bàn huyện phối hợp với các tổ chức hội, đoàn thể để tuyển sinh, đồng thời giải quyết khâu đầu ra cho người lao động. Năm 2011, Trung tâm Giáo dục thường xuyên Thanh Sơn mở 1 lớp trung cấp điện công nghiệp và 1 lớp vận hành máy xúc. Kết thúc khóa học, 100% học viên đã được Trung tâm giới thiệu vào làm tại 2 doanh nghiệp, với thu nhập từ 2,5-3,5 triệu đồng/người/tháng. Trường Trung cấp Nghề dân tộc nội trú Phú Thọ cũng đã mở 1 lớp sơ cấp hàn, với 44 học viên. Sau khi học xong, 100% học viên đã được trường giới thiệu vào làm việc tại Nhà máy Thủy điện Sơn La, với mức lương từ 4-5,5 triệu đồng/người/tháng.

Chị Nguyễn Thị Hoa (xã Võ Miếu) sau khi học xong chị đã mua máy may về nhà làm chia sẻ: "Nghề may không vất vả, nhưng đòi hỏi phải cẩn thận, khéo tay. Mình túc tắc làm ở nhà, vừa kiếm sống tiện chăm sóc con cái, công việc gia đình".

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem