Nơi an toàn nhất nằm ngay cạnh "quái vật" IS

Mẫn Di - Foreign Affair Thứ sáu, ngày 26/02/2016 07:03 AM (GMT+7)
Một mục tiêu đầy "tiềm năng" cho tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), nhưng IS lại chưa bén mảng được đến xứ này.
Bình luận 0

Tính đến giờ, IS đã tấn công hầu hết các nước láng giềng của Jordan. Vào 5-2015, một thánh đường tại Saudi Arabia bị khủng bố đẫm máu. Tháng 11 là vụ đánh bom máy bay Nga tại Ai Cập. Đầu tháng 1-2016, IS làm rung chuyển trung tâm mua sắm Iraq, gây náo loạn Syria suốt 2 năm qua, làm 18.000 người dân Iraq thiệt mạng từ năm 2014. Riêng năm 2015, đã có 2.000 người Syria thiệt mạng.

Hiện tại, vương quốc Jordan đang trải qua nhiều khó khăn về kinh tế, với mức thất nghiệp là 28,8% theo thống kê của Tổ chức Lao động Thế giới. Chính phủ Jordan cho biết khủng hoảng đã khiến khoảng 2000 người Jordan rời quê hương gia nhập IS.

Tài chính đóng vai trò quan trọng nhưng không hẳn là nguyên nhân duy nhất. Nói cách khác, quốc gia này đang chìm trong rắc rối. Nhưng IS chưa hề thực hiện một vụ tấn công lớn nào trong vương quốc Jordan. Số người thiệt mạng liên quan tới IS tại đây chỉ đến trên đầu ngón tay. Vậy, Jordan đã có "chiến thuật" thế nào?

img
Nhóm biểu tình cùng tranh của vua Abdullah cùng phi công Muath al-Kasaesbeh và quốc kỳ trong khi hô khẩu hiệu ủng hộ nhà vua và chống IS vào 5-2-2015.

Việc IS bắt phi công Jordan Muath Kasasbeh tại Syria năm 2015 đã khiến đất nước này trở nên đoàn kết. Một tháng trước vụ việc, chỉ 72% người Jordan cho rằng IS là nhóm khủng bố thì ngay sau đó tỷ lệ này tăng lên 95% dân số. Quốc gia có tín đồ Hồi giáo chiếm đa số coi việc hành quyết là "ghê tởm" và "tội ác"

Đương nhiên cơn giận dữ của đám đông không phải là lời giải đáp cho sự thành công của Anman trong việc ngăn chặn IS, vì nhóm khủng bố này gây họa ở bất kỳ đâu. Yếu tố thứ hai khiến Jordan an toàn là dịch vụ an ninh vô cùng bài bản, theo nhận định của Hassan Abu Haniyeh, đồng tác giả cuốn "Tổ chức

Nhà nước Hồi giáo" và từng là phiến quân Salafi, một nhóm hồi giáo cực bảo thủ. Được xếp thứ 7 thế giới bởi CIA về chi phí quân sự tính theo phần trăm GDP, Jordan duy trì quân số 100.000 binh sĩ chính thức và 65.000 binh sĩ dự bị.

Hơn nữa, để hợp tác với các cơ quan tình báo phương Tây, Jordan đã có hàng thập kỷ kinh nghiệm chống khủng bố. CIA thậm chí có nhân viên kỹ thuật trực tuyến với Cục Tình báo Jordan (GID), và hai cơ quan đều tiến hành các hoạt động chung cấp cao.

Một trong những "chiến công" lớn nhất đó là cung cấp thông tin quan trọng dẫn đến việc tiêu diệt phiến quân al-Qaeda Abu Musab al-Zarqawi. Biểu dương thành tích này, cựu sĩ quan cấp cao CIA Michael Scheuer nói với Los Angeles Times "GID có độ phủ sóng ở Trung Đông rộng hơn cả Mossad (tình báo Iraq)". Tác giả Jeffrey Goldberg cũng nhận xét trên tờ The Atlantic rằng GID là "Cơ quan tình báo Arab đáng kính nhất"

img
Một binh sĩ ở biên giới Jordan- Syria, gần Mafraq vào 16-8-2015.

Dù vậy, sức mạnh quân sự của Jordan vẫn chưa thể giải thích đầy đủ cho việc tránh được triệt để các cuộc tấn công của IS. Quân đội Ai Cập cũng có quy mô lớn và được tài trợ rất lớn, nhưng các phiến quân nước này vẫn liên kết được với IS chiếm lấy phần lãnh thổ tại Sinai. Mấu chốt ở đây là Jordan có không gian chính trị khá cởi mở.

Giữa những cuộc nổi dậy Mùa xuân Arab năm 2011, Anman đã thông qua cách tiếp cận ôn hòa, tránh thương vong đáng kể, trong khi Syria và Lybia dùng vũ lực để trấn áp các đối thủ chính trị, và cuối cùng IS trở thành "ngư ông đắc lợi" chiếm đa số phần lãnh thổ hiện đang vô cùng chật vật để giành lại.

Tiêu biểu như xử lý các cuộc biểu tình chống tham nhũng, Quốc vương Abdullah đã nhanh chóng phế truất Thủ tướng Samir Rifai cùng nội các. Chính phủ tổ chức bầu cử nghị viện vào tháng 1-2013, mà các lực lượng an ninh vẫn tránh được những các cuộc đàn áp gây chết người như ở Damascus và Benghazi.

img
Quốc vương Abdullah

Hơn nữa, sau các cuộc biểu tình phản đối bạo lực cảnh sát vào năm ngoái, Bộ trưởng Nội vụ Hussein al-Majali nhanh chóng từ chức. Chính phủ cũng nhanh chóng sa thải Giám đốc Cảnh sát Tawfik Muqabla.

Anman có hành động kiên quyết ngăn chặn bạo lực trên diện rộng. Tóm lại, mâu thuẫn đáng lẽ có thể diễn biến theo chiều hướng rất tệ, với các chiến binh cực đoan luôn sẵn sàng kích động cơn tức giận thì chính phủ Jordan lại tương tác với dân chúng rất kịp thời cùng việc duy trì lực lượng an ninh ổn định.

Theo Giám đốc viện Nghiên cứu chính trị Anman, Oraib al-Rantawi, nhờ có  các phản ứng đúng đắn của chính phủ với Mùa xuân Arab , Jordan là quốc gia hiếm hoi không có nền dân chủ mà người dân vẫn có không gian mở để bày tỏ mối quan tâm cũng như nhu cầu của họ.

Vai trò của người Hồi giáo tại Jordan vô cùng quan trọng. Những giáo sĩ Salafi bảo thủ như Abu Qatada hay Abu Muhammad al-Maqdisi, từ chối phát luật chống chính quyền Jordan và thậm chí còn công khai lên án IS. Maqdisi, từng chỉ dẫn tinh thần cho cựu lãnh đạo al-Qaeda tại Iraq, Abu Musab al-Zarqawi, tin rằng giáo lý của IS là "tà phái". Tương tự như vậy, dù ủng hộ al-Nusra tại Syria, Qatada cũng không hề nương tay chỉ trích việc IS hành quyết nhà báo là "phi Hồi giáo".

Ngược với những cuộc chiến đẫm máu giữa các Huynh đệ Hồi giáo và chính phủ Ai Cập, Quốc vương Abdullah lại có mối quan hệ khá dung hòa. Ví dụ như nếu muốn cải cách, Huynh đệ Hồi giáo tại Jordan không kêu gọi lật đổ chính quyền quân chủ. Anman cũng không theo chân Saudi Arabia, dán mác nhóm này là "tổ chức khủng bố" cũng như cho phép người Jordan không gian hoạt động các phong trào chính trị Hồi giáo bất bạo động nhằm tránh bạo lực.

img
Thủ đô Anman, Jordan 

Một khi chính phủ Jordan không thực hiện chiến dịch đàn áp Hồi giáo bằng bạo lực, thì sẽ có ít cá nhân ở lại chiến đấu chống chính quyền hơn là tham gia một cuộc chiến tại nơi khác. Với cáo buộc giết 100.000 dân thường, có vẻ như 2000 người dân Jordan bỏ xứ gia nhập IS là để nhắm vào Assad chứ không phải là vương quốc Hashemite tương đối yên bình. Và đây chính là ưu tiên của IS. Rantawi giải thích rằng "Jordan không phải là ưu tiên của IS trong khu vực vào thời điểm này. Chúng có nhiều mục tiêu khác quan trọng hơn".

IS đã có phiến quân rải khắp Trung Đông nhưng không hề có "chi nhánh" tại Jordan. Adnan Abu Odeh, cựu giám đốc tòa án Hoàng gia và là đại sứ của LHQ nhắc tới nhóm người thiểu số Shitte như một yếu tố quan trọng. IS thường nhắm tới người Shitte chiếm phần đông Lebanon và Yemen, cũng như có xung đột với chính quyền Saudi Arabia nên những nơi này dường như mới là mục tiêu chính.

Tuy nhiên vẫn phải lưu ý là Jordan không thể tránh được bạo lực hoàn toàn. Trong một cuộc đụng độ, một sĩ quan cảnh sát Jordan đã nổ súng bắn chết 5 nhà thầu làm việc với Sở Cảnh sát. Trong tạp chí Dabiq số 12 của IS, nhóm này ca ngợi cuộc tấn công, nhưng Bộ trưởng Bộ Nội vụ Salameh Hammad khẳng định đây là tai nạn tự phát, dẫn chứng các vấn đề tâm sinh lý và tài chính mà sĩ quan này đang gặp phải.

Quan trọng nhất, một quốc gia khó mà đảm bảo có thể né tránh khủng bố mãi mãi. Tuy nhiên bằng cách duy trì tính chuyên môn cao của lực lượng an ninh, cùng khả năng ứng phó với các cuộc biểu tình trong hòa bình cùng việc thiết lập các mối quan hệ mang tính xây dựng trong thế giới Hồi giáo, Jordan đã hạn chế tối đa các mối đe dọa từ IS. Trong một khu vực đang đầy bất ổn thì đó là thành tích rất đáng ghi nhận.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem