Kế hoạch Lê –a lộ bí mật
Ngày mồng 7 tháng 10 năm 1947, giặc Pháp bắt đầu mở cuộc tiến công lớn lên vùng căn cứ Việt Bắc. Để đạt phần thắng, tướng Xa-lãng được cử sang thay tướng Đép-bơ làm tư lệnh quân viễn chinh Pháp tại Bắc Bộ. Nhờ có thêm mấy ngàn viện binh từ Pháp mới sang, y huy động cả thảy 12.000 quân vào cuộc tiến công này. Cuộc hành binh được mệnh danh “Kế hoạch Lê-a” nhằm 3 mục đích:
- Tiêu diệt đầu não chỉ huy, bắt gọn Chính phủ kháng chiến Hồ Chí Minh.
- Tiêu diệt lực lượng chủ lực đối phương.
- Đánh phá các kho tàng, cơ sở kinh tế, quốc phòng, làm tê liệt tiềm lực kháng chiến của ta.
Nếu kế hoạch Lê-a thắng lợi, địch coi như đã loại trừ về cơ bản công cuộc kháng chiến của Việt Minh. Còn lại có chăng chỉ mang tính chất kháng cự nhỏ, phá rối của các nhóm du kích ở từng địa phương riêng lẻ. Nó sẽ tan dần sau các cuộc hành binh càn quét.
Để thực hiện cái kế hoạch đầy kiêu ngạo, hợm hĩnh, sặc mùi chủ quan của kẻ chuyên ỷ vào sức mạnh, ít chịu tính tới khả năng giáng trả của đối phương, tướng Xa-lăng tung hai gọng kìm lớn, đồng thời sử dụng quân dù như một mũi thứ ba hòng khép chặt vùng chiến khu Việt Bắc.
Gọng kìm phía Tây do tên đại tá Com-muy-nan chỉ huy một binh đoàn hỗn hợp theo đường thủy, ngược sông Lô tiến chiếm Tuyên Giang, Chiêm Hóa. Còn tên đại tá Bô-phrê chỉ huy một binh đoàn bộ binh thuộc địa, từ phía Lạng Sơn ngược theo Đường số 4 đánh lên Thất Khê, Cao Bằng rồi vòng xuống Bắc Kạn khoá chặt hướng Đông và phía Bắc. Chúng dự tính hai gọng kìm sẽ hợp điểm ở Đại Thi, Tuyên Quang.
Cùng lúc, từ trên trời, binh đoàn đổ bộ hàng không của tên đại tá Xô-va-nhắc nhảy dù ở vùng Bắc Kạn, ụp xuống Chợ Đồn, Chợ Mới. Một khi vòng vây đã khép chặt, một số tiểu đoàn dự bị chiến dịch sẽ được thả tiếp xuống bất cứ địa điểm nào thuộc vùng chiến khu Việt Bắc nếu phát hiện ra cơ quan đầu não chỉ huy hoặc lực lượng chủ lực của tướng Giáp.
Tượng đài ghi lại những chiến thắng hiển hách trên đèo Bông Lau.
Chỉ sáu hôm sau cuộc tiến công này (12.10), toàn bộ bản kế hoạch mang mật danh Lê-a của giặc đã bị phơi bày với mọi chi tiết, từng đường đi nước buớc cụ thể. Số là chiếc máy bay chở tên đại tá Lăm-be, Tham mưu trưởng quân đội viễn chinh Pháp trên chiến trường Bắc Bộ, bị cao xạ của Trung đoàn 74 Cao Bằng bắn rơi tại đồi Thiên Văn. Lập tức, chiếc cặp đựng toàn bộ bản “Kế hoạch Lê-a” được hỏa tốc mang ngay về Bộ Tổng tư lệnh của ta. Liên lạc viên Nguyễn Danh Lộc đã chạy liên tục 4 ngày 3 đêm từ Cao Bằng về Yên Thông (Có lẽ anh là vận động viên quân đội đầu tiên chạy maratông). Tài liệu đó cùng với sự tổng hợp tình hình từ nhiều nguồn của Ban 2, đã giúp Bộ Tổng tham mưu của ta điều hành cuộc chiến hiệu nghiệm, “quyết phá tan cuộc tiến công của giặc Pháp”.
Đèo Bông Lau – “tử huyệt” trên đường số 4 của giặc Pháp
Là một con đèo thuộc vòng cung Đông Bắc ở vùng núi phía Bắc Việt Nam, nằm trên quốc lộ 4A giữa hai huyện Tràng Định (Lạng Sơn) và Thạch An (Cao Bằng).
Trận phục kích địch ở bản Sao-đèo Bông Lau, do Tiểu đoàn 374, Trung đoàn 11 Lạng Sơn và các đơn vị bộ đội địa phương, dân quân du kích tiến hành ngày 30.10.1947 là trận phục kích đầu tiên trên đường số 4, góp phần đánh bại cuộc tiến công của quân đội Pháp lên Việt Bắc trong Thu-Đông 1947.
Tiểu đoàn 374 có ba đại đội bộ binh 184, 185, 186 và một đại đội trợ chiến; được trang bị tương đối đầy đủ so với các đơn vị khác lúc bấy giờ. Vũ khí chính có một khẩu đại liên Hốt-kít, bốn khẩu trung liên, một súng cối 60mm; mỗi đại đội có vài khẩu tiểu liên Tôm-xơn, mỗi tiểu đội có ba đến bốn khẩu súng trường, còn lại là mã tấu, kiếm... Các tổ chiến đấu có lựu đạn. Địa hình tác chiến hiểm trở, đi lại khó khăn, song cán bộ, chiến sĩ tiểu đoàn đã khéo lợi dụng địa hình, chuẩn bị chu đáo, quyết tâm chiến đấu cao, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Ban chỉ huy tiểu đoàn đã nghiên cứu kỹ địa hình, chọn trận địa phục kích ở đoạn bản Sao – đèo Bông Lau (dài khoảng 2km), địa hình hiểm trở, đường độc đạo. Lực lượng tham gia trận đánh được chia thành 5 bộ phận.
Về hỏa lực, ta bố trí đại liên ở sườn tây nam điểm cao 480, cách vị trí chỉ huy của tiểu đoàn 20m; cối 60mm đặt ở sườn bắc điểm cao 420, có nhiệm vụ tiêu diệt địch trong khu vực trận địa chính và chi viện cho các hướng khác khi có lệnh. Đến 5 giờ sáng ngày 30-10-1947, các lực lượng và vũ khí đã sẵn sàng.
Khoảng 15 giờ, địch cho bốn chiếc máy bay khu trục bay qua trận địa, dọc theo đường về hướng Lạng Sơn, sau đó, một trung đội tuần tiễu của địch đi trước lùng sục, trinh sát hai bên sườn núi. Trận địa của ta do ngụy trang kín đáo, giữ bí mật tuyệt đối, nên chúng không phát hiện được. Lúc 17 giờ, đoàn xe 33 chiếc của quân đội Pháp vận chuyển binh lính, vũ khí trang bị từ Cao Bằng về Lạng Sơn đã lọt vào trận địa phục kích. Khoảng cách giữa các xe từ 7 đến 8 mét; chỉ huy tiểu đoàn phát lệnh chiến đấu.
Bị đánh bất ngờ, cả đoàn xe địch bị dồn lại, lính trên xe nhảy xuống đường, xô nhau chạy tán loạn, một số chui vào gầm xe để tránh đạn. Cùng lúc đó, đại liên, trung liên, cối 60mm của ta từ hai bên sườn núi bắn dồn dập vào đội hình địch.
Trận đánh thắng lợi, đạt hiệu suất chiến đấu cao. Ta tiêu diệt gọn một đoàn xe cơ giới của địch, phá hủy 27 xe, diệt 94 tên, bắt sống 101 tên, thu 600 chiếc dù và toàn bộ vũ khí trang bị. Từ đây tiểu đoàn 374 được gọi là “Tiểu đoàn Bông Lau”.
Cán bộ chỉ huy trận đánh này là các đồng chí Thế Hùng (tham mưu trưởng E11), Liên Đoàn là trung đoàn trưởng và Long Xuyên là trung đoàn phó. Sang năm 1948 tới 1950, đồng chí Đặng Văn Việt là trung đoàn trưởng E 174 lại tiếp tục đánh phục kích tại đường số 4 gây cho địch nhiều thương vong và khiến chúng phải sợ khiếp vía, kinh hoàng. Trung đoàn trưởng Đặng Văn Việt được mệnh danh là “Hùm xám đường số 4” và người Pháp sau đã gọi ông là “Tiểu Napoleon”.
Cảm hứng từ trận đánh trên đèo Bông Lau năm 1947, nhạc sĩ Phạm Duy đã sáng tác bài “Bông lau rừng xanh pha máu” và năm 1948 nhạc sĩ Đỗ Nhuận sáng tác bài “Đèo Bông Lau” ca ngợi trận chiến này.
(Xem tiếp: Trận đánh vang lừng của Đoàn Bông Lau, bắt sống ”Vua chiến trường”).
Vui lòng nhập nội dung bình luận.