Tết là "ngày hội đoàn viên", là dịp để mọi người trong gia đình cùng nhau nhìn lại một năm và lên những kế hoạch cho năm mới. Nhưng với những người dâu mới, lần đầu tiên phải xa bố mẹ và ăn Tết nơi quê chồng sẽ có những cảm xúc rất khác...
***
Cuối năm là mùa cưới, đồng nghĩa với việc nhiều nàng dâu mới vừa chân ướt chân ráo bước vào nhà chồng đã phải nghĩ đến chuyện mua sắm, chuẩn bị một cái Tết chu toàn cho nhà chồng. Sự hồi hộp, lạ lẫm cùng với chút lo lắng đã đẩy các nàng dâu vào những tình huống “dễ gặp nhưng khó nói”. Rất nhiều người thừa nhận rằng, việc trải qua cái Tết đầu tiên ở nhà chồng là một trong những cái “đầu tiên” đáng nhớ nhất.
Dâu mới hãi hùng ngày Tết
Cho đến giờ, đã qua ba cái Tết làm dâu nhưng chị Đào (Vĩnh Phúc) vẫn còn nhớ như in cái Tết đầu tiên tại quê chồng (Hải Phòng). Sự hồi hộp, lo lắng cộng với chút “đoảng” của người con gái lần đầu tiên làm dâu khiến chị nhiều phen ngượng chín mặt.
Vốn là cô con gái út trong gia đình khá giả, chị được bố mẹ cưng chiều, ít khi phải để ý chuyện bếp núc, lại càng không phải lo toan chuyện chuẩn bị Tết sao cho chu toàn. 22 tuổi, vừa mới ra trường, chị đã lấy chồng.
Vì mùa Tết đầu tiên chưa đi làm nên chị Đào không phải lo sắm quà Tết, chỉ phải theo mẹ chồng ra chợ sắm đồ. Nhưng “tránh trời không khỏi nắng”, là dâu trưởng trong nhà, chị không thể không lo chuyện bếp núc, sắm sửa mâm cơm ngày Tết.
Chuyện bếp núc là chuyện thường khiến nàng dâu mới lo lắng nhất khi đón Tết bên chồng (Ảnh minh họa)
Việc khiến chị khiếp đảm nhất là cắt tiết gà. Vốn chưa bao giờ cầm dao thịt con vật đang sống, chị loay hoay tìm cách “chối việc” nhưng không thể... Chị nhắm mắt nhắm mũi cắt mà vẫn không thấy tiết đâu, buông tay ra thì con gà chao đảo chạy khắp sân. Mẹ chồng chị từ bếp nhìn ra tỏ ý vừa bực vừa buồn cười, còn chị thì run run cầm con dao đứng như chôn chân tại chỗ.
Không chỉ vậy, ngay cả việc đơn giản như cắt bánh chưng chị cũng chưa thạo. Chiếc bánh chưng vuông vào tay chị biến thành 8 miếng dở tròn dở méo, be bét cả nhân lẫn thịt. Chị cười bảo: “May mà mẹ chồng mình tốt tính nên lúc đó chỉ nhẹ nhàng chỉ dạy cách cắt bánh chưng, phải đặt giang thế nào, rút cây giang nào trước… Mình vừa ngượng vừa thương mẹ có nàng dâu đoảng”.
Chị Đào chia sẻ: “Mình mới về làm dâu nên không biết quê chồng có phong tục vào lúc giao thừa, con cái phải ngồi nghe bố mẹ răn dạy lễ nghĩa, rồi cả nhà cùng đón năm mới. Tối hôm đó, mình với chồng xin phép bố mẹ đi chơi, hứng lên rủ nhau vào trung tâm thành phố xem bắn pháo hoa đến 1h sáng mới về. Về đến nhà, mình hốt hoảng thấy bố mẹ vẫn ngồi bên mâm cơm chờ. Dù chỉ bị nhắc nhở nhẹ nhàng nhưng mình vẫn thấy áy náy vì không chịu tìm hiểu phong tục ngày Tết ở quê chồng từ trước”.
Cái Tết đầu tiên ở quê chồng giúp chị Đào nhận ra, học làm dâu còn khó hơn học chữ. Những trải nghiệm bi hài ấy cho đến sau này, khi đã “thạo” việc làm dâu chị vẫn không thể quên.
Kỷ niệm nhớ nhất ngày đầu làm dâu dịp Tết của chị Hương (Hải Dương) là chuyện sắm quà Tết. Vì chưa tiếp xúc nhiều với gia đình chồng nên chị không biết lựa chọn quà gì hợp lý, để làm hài lòng gia đình chồng.
Nhưng điều khiến chị băn khoăn và lo lắng nhất chính là tiền sắm Tết. Chị mới ra trường, đi làm, lương tháng vỏn vẹn 5 triệu, cộng với 1 triệu thưởng Tết là 6. Còn chồng chị vừa nghỉ việc cách đó 1 tháng nên không lương, không thưởng. Với 6 triệu trong tay, anh chị không biết tính toán sao cho vừa đủ tiền nhà, vừa đủ tiền về quê ăn Tết.
Chị Hương tâm sự: “Mang tiếng là về quê ăn Tết với bố mẹ không phải chi tiêu gì nhưng mình vẫn lo sốt vó. Bởi con dâu mới đi làm xa nhà mà tay không về ăn Tết thì coi sao được. Hai vợ chồng bàn tính mua đồ ngọt như bánh kẹo, hoa quả, ngoài ra mừng tuổi cho bố mẹ 2 triệu và để lại một ít mừng tuổi các cháu. Đó là mình còn không dám nghĩ đến chuyện mua quà Tết cho bên ngoại.
Tưởng tính toán thế là hợp lý, nào ngờ chút quà đó khiến bố mẹ chồng không vừa lòng. Nhìn anh chị dâu xách túi lớn, túi bé đem về, các cháu được bố mẹ đón rước nồng nhiệt mà mình chạnh lòng”.
Khóc giữa ngày mùng 1 Tết
Trải qua kỳ nghỉ Tết đầu tiên cùng gia đình chồng không phải là việc dễ dàng với những nàng dâu mới. Với những cô nàng lấy chồng xa quê, việc đó còn khó khăn gấp nhiều lần bởi ngoài sự bỡ ngỡ, e sợ, họ còn phải trải qua cảm xúc nhớ nhung cha mẹ ruột vào phút giao thừa.
Ngoài sự bỡ ngỡ, lo sợ, những nàng dâu xa quê còn phải trải qua cảm xúc nhớ nhung cha mẹ ruột vào phút giao thừa (Ảnh minh họa)
Mới chân ướt, chân ráo ra trường, Định (sinh năm 1992, Vĩnh Phúc) đã về Hải Dương làm dâu. Hai vợ chồng cưới được ba tháng thì chồng xuất khẩu lao động sang Đài Loan, không kịp cùng vợ đón cái Tết đầu tiên với gia đình.
Vốn dĩ đảm đang, hiểu biết nên Định không quá khó khăn để cùng mẹ chồng lo chu toàn mâm cơm ngày Tết. Nhưng điều khiến Định buồn tủi nhất là nỗi nhớ cha mẹ, nhớ “hương vị” Tết nơi quê nhà. Dù bố mẹ chồng rất tốt bụng và quan tâm nhưng nàng dâu mới vẫn không có được cảm giác gần gũi, ấm cúng, thân mật như ở quê ngoại, nhất là khi lại không có chồng bên cạnh.
Định tâm sự: “Gần Tết bố mẹ chồng sợ ngỏ ý bảo mình về quê ngoại ăn Tết cho vui. Nhưng nghĩ vừa mới về làm dâu, hơn nữa chồng lại đi vắng không thể để ông bà ăn Tết một mình nên mình ở lại. Nghĩ thì nghĩ vậy nhưng vẫn không tránh được cảm giác cô đơn, buồn tủi. Sáng mồng một Tết, nhìn vợ chồng người ta dắt díu nhau sang nhà chúc Tết, mình lén vào phòng khóc. Mọi người bảo mồng một mà khóc thì xui cả năm, nhưng quả thực lúc đó mình không cầm được nước mắt bởi nhớ bố mẹ, nhớ chồng”.
Có mấy ai không phải trải qua lần đầu tiên đón Tết bên nhà chồng. Dù khó khăn, bỡ ngỡ nhưng đó lại là những trải nghiệm quý báu cho mỗi nàng dâu. Chỉ cần các nàng dâu mới chuẩn bị kỹ càng, chu đáo một chút cùng với tấm lòng chân thành với nhà chồng thì chắc chắn sẽ có cái Tết đầu tiên đáng nhớ, đầy ắp niềm vui.
_______________
Tết là dịp để gia đình đoàn viên, sum vầy. Nhưng nhiều cặp vợ chồng trẻ chỉ vì mâu thuẫn chuyện ăn Tết nhà nội hay nhà ngoại mà đã xảy ra những hiểu lầm, cãi vã, thậm chí mất cả Tết. Hãy cùng đón đọc "Mất Tết vì "cuộc chiến" nhà nội, nhà ngoại vài lúc 9h00 ngày 18/2/2015.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.