Bi kịch của xã hội
Chúng tôi đến Trung tâm Nuôi dưỡng người tâm thần Thủ Đức (phường Tam Phú, quận Thủ Đức, TP.HCM) vào một ngày mưa lê thê. Sau hơn mươi phút giới thiệu và được sự đồng ý của lãnh đạo bệnh viện, chúng tôi men theo bờ rào để tìm đến khu D - khu dành cho bệnh nhân nữ.
Bệnh nhân L có bầu 7 tháng tuổi đang điều trị tại Trung tâm. Ảnh: T.P
Thấy tôi bước vào với bộ quần áo đang mặc cùng chiếc máy ảnh ướt nhèm, bác sĩ Lương Thị Phượng nhoẻn miệng cười. Khi nghe các câu hỏi mà người đối diện cần tìm hiểu hết sức tế nhị, bác sĩ Phượng chuyển nét mặt từ vui vẻ sang trầm ngâm. “Chuyện bệnh nhân có bầu ở đây không phải là hiếm. Nhưng với suy nghĩ không được bình thường, các trường hợp sinh nở khó khăn, đều phải nhờ đến sự tận tình của đôi ngũ y bác sĩ kíp trực. Éo le lắm” - bác sĩ Phượng nhỏ nhẹ. Nhân vật là ai? Họ là những phụ nữ lang thang trong cơn điên loạn, bị kẻ xấu lạm dụng làm có thai. Lúc tỉnh táo họ không nhớ gã bất lương nào hãm hiếp mình để tố cáo. Họ, thậm chí là những người đang hạnh phúc cùng gia đình, bỗng chốc gặp cơn sốc, bỏ nhà đi lang thang và cứ thế được đưa vào trung tâm như một đích đến không ai mong muốn.
Với thâm niên 22 năm chăm sóc bệnh nhân tại đây, bác sĩ Phượng chia sẻ với những tâm tư trăn trở: “Ở bệnh viện này, rất nhiều trường hợp có bầu và sinh con tại đây. Nhóm phụ nữ có bầu này chia ra hai hạng: Một là mang bầu trước khi bị bệnh; hai là bị bệnh rồi vẫn bị một số đối tượng xấu cưỡng hiếp mang bầu”. Đơn cử như năm 2002, bệnh nhân nữ tên Điệp lúc vào trung tâm đã mang bầu được 12 tuần tuổi. Một thời gian trị bệnh và dần ổn định, Điệp kể rằng bào thai có từ lúc “đi bụi”. Những tháng ngày ngủ nơi gầm cầu, xó chợ rồi bị ai đó hãm hiếp trong cơn điên loạn nên chẳng biết ai là “tác giả” của hành động gieo mầm sống vào trong người mình…
Mặc dù các bác sĩ cùng êkíp trực tại bệnh viện đã rất cố gắng nhưng vẫn không tìm được người thân bảo lãnh Điệp về. Trong tình cảnh éo le, Điệp ở lại trung tâm và hạ sinh một bé gái. Tuy nhiên, Điệp thần trí không minh mẫn, nhiều lúc cũng nựng, cưng chiều con, nhưng chỉ cần mọi người lơ là, Điệp lên cơn là sẽ tát, cào cấu, gây nguy hiểm cho đứa bé. Giống như trường hợp của Điệp, bệnh nhân Ray (20 tuổi) bị chứng bệnh loạn thần cấp, đi lang thang rồi có thai. Điều trị được vài tuần, Ray nhớ ra địa chỉ gia đình, người thân. Thế nhưng Ray vẫn không thể biết cha của đứa bé đang nằm trong bụng mình là ai.
Hiện trung tâm có gần 1.200 bệnh nhân. Các bệnh nhân phục hồi nhanh hay chậm phụ thuộc rất lớn vào quá trình tác động tâm lý của gia đình nên mong người nhà chung tay giúp sức, để họ nhanh có ngày trở về”.
Bác sĩ Bùi Văn Xây –
Giám đốc Trung tâm Điều trị
bệnh nhân tâm thần Thủ Đức
|
Như trường hợp hiện tại trong trung tâm, bệnh nhân Liên, sinh năm 1993, sau thời gian điều trị tích cực đã nhớ về gia đình, về những việc đã qua. Nhưng có những thứ không thể nhớ được. Liên chỉ biết rằng chồng đã bỏ cô đi, để lại cho cô một bào thai 7 tháng tuổi đang từng ngày lớn lên thành hình hài - một sinh linh với tương lai ảm đạm.
Tấm chân tình dành cho “người điên”
Mới đây, khoảng 5 giờ chiều ngày 28.8.2016, bệnh viện nhận một bệnh nhân tên Nguyễn Thị N. N được Phòng Lao động Thương binh và Xã hội quận 1 đưa vào. Thế nhưng, N không đi một mình mà trên tay còn có một bé gái 11 tháng tuổi.
Khi được các nhân viên điều dưỡng báo cáo sự việc, chị Phượng không biết phải xử lý thế nào vì đây là trường hợp đầu tiên, nên nhanh chóng báo cáo lên lãnh đạo bệnh viện để tiếp nhận. Vậy nhưng, khi đưa chị N vào trung tâm thì khó khăn nhất vẫn là việc tách rời hai mẹ con để chăm sóc riêng. “Tuy N không tỉnh táo nhưng việc đưa bé gái ra ở với các y, bác sĩ gặp phải sự chống đối quyết liệt từ người mẹ. N không chịu buông con vì sợ mọi người bắt mất con của mình. Sau hơn một ngày dùng thuốc và sự động viên từ êkip điều dưỡng, N kể mình giận chồng và bỏ đi. Hai ngày sau, bệnh nhân này tỉnh táo hơn và qua số điện thoại N cho, N cùng bé gái được gia đình từ miền Trung vào đón về kèm theo phác họa điều trị từ bệnh viện” - bác sĩ Phượng kể.
Chia tay bác sĩ Phượng, chúng tôi gặp y tá Vân, người đã cống hiến gần 40 năm với bệnh viện. Với tính tình thân thiện, hay cười, y tá Vân chia sẻ về từng hoàn cảnh, những khó khăn trong công tác chăm sóc những phụ nữ mang bầu.
Chị Hoa (40 tuổi), khi được đưa vào bệnh viện đã mang thai tuần thứ 8. Vì là người đầu tiên có thai được đưa vào Trung tâm Thủ Đức nên các bác sĩ không chú ý. Trong một đêm ngồi trực, các y bác sĩ nghe giọng hét lớn, quằn quại. Với linh tính của người phụ nữ từng làm mẹ, y tá Vân cùng kíp trực nhanh chóng đưa Hoa đến trạm xá gần đó để lâm bồn.
Trong lúc trở dạ, miệng Hoa vẫn gào thét điên loạn. Tuy nhiên, với sự giúp đỡ tận tình của những bà đỡ bất đắc dĩ, Hoa đã mẹ tròn con vuông. “Em bé vừa chào đời, Hoa chồm dậy nhìn con với ánh mắt ngơ ngác rồi lao vào định bóp cổ đứa trẻ… Nhưng khi tỉnh táo lại, Hoa liên tục hỏi: “Con tôi đâu bác sĩ, trả nó lại để tôi cho nó bú” - y tá Vân xúc động kể.
Chia tay trung tâm khi cơn mưa chưa dứt, chúng tôi bước chậm qua những dãy nhà có bệnh nhân mà lòng quặn lại. Giá như, những bệnh nhân kia có gia đình đến thăm giờ này. Hay một người thân thấy cơn mưa giữa tiết trời lạnh của miền Nam mà mang cho họ chiếc áo ấm. Biết đâu, ngày mai, họ lại trở về...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.