Là người con của bản làng dân tộc Tày, sinh ra, lớn lên đã được đắm mình trong giai điệu của những làn điệu sli - lượn mượt mà, mặc dù không được học qua trường lớp nào về âm nhạc, nhưng tôi đã rất am hiểu về nhạc cụ của đồng bào các dân tộc Tày, Mông, Dao quê nhà. Bà con nơi đây vẫn đùa rằng, nhờ trời cho tôi cái tài, cái khéo và cả đôi tai thính nên đi đâu thấy nhạc cụ nào hay là tôi đều tìm đến gạ mua bằng được và học hỏi kỹ thuật làm nhạc cụ.
|
Anh Sỹ với những nhạc cụ do mình làm ra. |
Năm 2002, tôi bắt đầu mày mò làm đàn tính và các loại nhạc cụ khác như sáo, kèn môi, sáo bầu, khèn của dân tộc Mông... Ban đầu, những nhạc cụ của tôi chỉ để làm quà tặng những người thân yêu thích hoạt động văn nghệ. Theo thời gian, công việc tùy hứng ấy đã trở thành nghề. Mọi người bảo rằng, những nhạc cụ tôi làm ra không chỉ đẹp mắt, độc đáo, mà còn rất chuẩn về âm thanh.
Để làm đàn bầu, mấy năm trời, tôi phải tự tìm đọc tài liệu rồi đặt người ở các bản xa xôi trồng quả bầu để làm bầu đàn, chọn loại gỗ nhẹ, dai để làm cần đàn. Trong khi chế tạo đàn tính, tôi luôn thận trọng và tỷ mỷ ở từng thao tác. Làm sáo hay làm khèn cũng vậy, tôi cũng tỷ mỷ, cẩn trọng từng công đoạn.
Tự làm, tự kiểm tra chất lượng âm thanh ở từng nhạc cụ, rồi lại chỉnh cho đúng âm mà khách hàng yêu cầu đã đem lại uy tín cho những nhạc cụ mà tôi sản xuất. Chỉ riêng cây đàn tính mỗi năm tôi làm ít nhất là 300 chiếc, giá bán mỗi chiếc bình quân không dưới 500.000 đồng.
Thế mới có chuyện Đoàn Nghệ thuật Dân tộc tỉnh Cao Bằng trước đây thường sử dụng đàn tính của tỉnh để biểu diễn, nhưng từ khi nhận thấy những âm thanh chuẩn và đẹp mắt từ cây đàn mà tôi chế tạo ra, họ đã chuyển sang sử dụng đàn tính của tôi làm.
Nhờ bán những nhạc cụ này ra mà gia đình tôi từ diện phải xóa đói, giảm nghèo đã trở thành điển hình làm kinh tế khá giả ở địa phương, đóng góp một phần không nhỏ vào việc thu hút du khách đến tham quan xã nhà...
Nếu ai hỏi về dự định tương lai, tôi sẽ không ngần ngại chia sẻ rằng, mình sẽ đi tìm những người khuyết tật về dạy nghề và tạo việc làm cho họ bằng việc tạo ra các đồ lưu niệm dưới hình thức các nhạc cụ ở địa phương để bán cho khách du lịch tham quan hồ Ba Bể. Tôi cũng mong được truyền nghề cho các bạn trẻ có tâm huyết, yêu các nhạc cụ dân tộc để một ngày nào đó những nét văn hoá độc đáo của quê hương được quảng bá rộng rãi đến đông đảo bạn bè quốc tế...
Anh Hứa Quang Sỹ - xã Khang Ninh, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn.
Vinh Minh (ghi)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.