Lò hạt nhân đang tan chảy
Các đài truyền hình ở Nhật Bản ngày 13.3 liên tiếp đưa tin về một lò phản ứng hạt nhân của Nhà máy hạt nhân Fukushima số 1 có nguy cơ bị nổ sau khi hệ thống làm mát của lò này ngừng hoạt động.
|
Kiểm tra phóng xạ ở tỉnh Fukushima, Nhật Bản. |
Phát ngôn viên của Công ty Điện lực Tokyo (Tepco) cho biết: "Mọi chức năng nhằm duy trì các mực nước làm mát tại lò phản ứng số 3 của Nhà máy điện hạt nhân Fukushima Số 1 đã mất tác dụng. Từ 5 giờ 30 phút sáng 13.3 (giờ địa phương), hoạt động bơm nước làm mát đã bị ngừng lại và áp suất bên trong đang tăng nhẹ".
Tepco nói rằng phần chỏm của các thanh nhiên liệu đã lộ trên mặt nước 3m, dấu hiệu về khả năng xảy ra tan chảy. Tepco cảnh báo rằng lò phản ứng số 3 tại Nhà máy số 1 Fukushima đang quá nóng và rất nhiều nước làm lạnh bị bốc hơi quá nhanh khiến các thanh nhiên liệu có thể bị phơi ra không khí.
Trong khi đó, các chuyên gia hạt nhân Mỹ cảnh báo việc bơm nước biển để làm lạnh lò phản ứng hạt nhân là "hành động tuyệt vọng", vụ việc có thể gây ra thảm họa như Chernobyl (Nga). Công ty Điện lực Tohoku cùng ngày cho biết lượng phóng xạ tại Nhà máy điện Onagawa thuộc tỉnh Miyagi đã tăng trên mức bình thường khoảng 400 lần.
Cùng ngày, người phát ngôn hàng đầu của Chính phủ Nhật Bản Yukio Edano cho biết có thể đã xảy ra tan chảy nhiên liệu hạt nhân ở lò phản ứng số 1 của Nhà máy Fukushima.
Nhiễu thông tin
Trước đó, chiều 12.3, một vụ nổ đã xảy ra ở Nhà máy hạt nhân Fukushima. Nhiều nguồn tin đã ghi nhận hiện tượng rò rỉ chất phóng xạ tại Nhà máy này. Đến nay, khoảng 200.000 người Nhật Bản được lệnh sơ tán khỏi khu vực gần Nhà máy hạt nhân Fukushima số 1 bị nổ, bởi lo ngại nguy cơ rò rỉ phóng xạ. Nhiều trung tâm xét nghiệm phơi nhiễm phóng xạ cũng đã được thiết lập để kiểm tra sức khỏe cho người dân.
|
Người dân Nhật Bản bàng hoàng trước đống đổ nát sau thảm họa kép. |
Đặc biệt Hãng tin Kyodo dẫn nguồn tin từ Cơ quan An toàn Hạt nhân Nhật Bản nói rằng số người bị phơi nhiễm phóng xạ từ Nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1 có thể lên đến 160 người. Kyodo cũng cho hay, 22 người ở gần các nhà máy hạt nhân tại Fukushima đã bị phơi nhiễm phóng xạ.
Ngày 12.3, chuyên gia Andre-Claude Lacoste thuộc Cơ quan An toàn Hạt nhân Pháp cảnh báo: Gió tự nhiên có thể sẽ thổi chất bẩn phóng xạ từ vụ nổ Nhà máy điện hạt nhân Fukushima Số 1 ở Nhật Bản ra khắp Thái Bình Dương.... Tình huống này là rất nghiêm trọng". Trong khi đó, một quan chức cho biết Cơ quan An toàn Hạt nhân Nhật Bản đánh giá vụ nổ tại Nhà máy Fukushima số 1 ở mức nguy hiểm cấp 4 trong tổng số 7 cấp theo quy định quốc tế.
Số người chết có thể trên 10.000 người
Chiều 13.3, người phát ngôn cảnh sát tỉnh Miyagi ông Go Sugawara cho biết, người chết do động đất và sóng thần chỉ riêng tại tỉnh Miyagi có thể vượt quá 10.000 người. Tỉnh Miyagi, với dân số 2,3 triệu người, là 1 trong 3 tỉnh chịu thiệt hại nặng nhất.
Cho đến nay, đã có 379 người tại tỉnh này được xác nhận thiệt mạng. Một nguồn tin khác cho hay tính đến 17 giờ 30 phút ngày 13.3 hơn 20.000 người vẫn chưa xác định được còn hay mất.
Trong khi đó hàng triệu người dân Nhật Bản đang sống trong tình cảnh thiếu thức ăn, nước uống và điện. Theo thống kê, khoảng 5,57 triệu hộ gia đình bị mất điện, nước…
Nguy cơ thêm một trận động đất cấp 7
Ngày 13.3, Cơ quan khí tượng Nhật Bản thông báo trong vòng 3 ngày tới, xác suất xảy ra dư chấn động đất mạnh cấp 7 là 70% và từ ngày 16 đến 19.3 là 50%. Cơ quan này dự đoán động đất có thể đi kèm với sóng thần và kêu gọi người dân hết sức cảnh giác, chuẩn bị đối phó. Nếu dư chấn động đất mạnh tới cấp 7 xảy ra, thiệt hại về người và của sẽ tăng do nhiều tòa nhà đã rạn lún sau các đợt động đất và dư chấn liên tục trong 3 ngày qua.
Quang Minh
Vui lòng nhập nội dung bình luận.