Nóng: Cục Di sản văn hoá đưa thông tin mới nhất về vụ "hồi hương" ấn vàng triều Nguyễn

Hà Tùng Long - Ma Kin Thứ ba, ngày 01/11/2022 12:27 PM (GMT+7)
Sáng nay (1/11), theo thông tin từ Cục Di sản văn hoá (Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch) cho biết, đơn vị này đang phối hợp cùng một số Bộ ngành, tổ chức, cá nhân để có thể tìm ra phương án đưa ấn "Hoàng đế chi bảo" về nước.
Bình luận 0

Mong muốn có tổ chức hoặc cá nhân đủ điều kiện mua kim ấn "Hoàng đế chi bảo"

Ngày 19/10/2022, trên website của hãng đấu giá Millon (có trụ sở chính tại Paris, Pháp) đăng tải thông tin sẽ đưa ra đấu giá 329 cổ vật, trong đó có hai cổ vật của nhà Nguyễn (1802 - 1945), gồm 01 ấn vàng đúc năm 1823 triều vua Minh Mạng (1820 - 1841) (lô số 101) và 01 bát vàng triều vua Khải Định (1917.- 1925) (lô số 100). Phiên đấu giá dự kiến diễn ra vào 11 giờ ngày 31/10/2022 (giờ Paris).

Tuy nhiên, tới ngày hôm qua, hãng Millon đã thông báo tạm hoãn đấu giá chiếc kim ấn "Hoàng đế chi bảo" của triều Nguyễn. Trên website, nhà đấu giá viết: "Trước sự quan tâm của Nhà nước Việt Nam đối với ấn vàng của vua Minh Mạng, chúng tôi xin hoãn việc bán chiếc ấn này đến trưa thứ Năm ngày 10/11".

Nóng: Cục Di sản văn hoá thông tin mới nhất về vụ "hồi hương" ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" - Ảnh 1.

Ấn "Hoàng đế chi bảo bằng vàng. (Ảnh: Millon)

Sáng 1/11, đại diện Cục Di sản văn hoá thông tin rằng, đây là kết quả của những nỗ lực từ phía Việt Nam trong những ngày qua: "Việt Nam là thành viên của Công ước 1970, trong đó có hai điều cam kết là "Chống chảy máu cổ vật" và "Khuyến khích cổ vật hồi hương". Vì thế, Cục Di sản văn hóa mong muốn sẽ có một cá nhân hoặc tổ chức nào đó có đủ điều kiện mua cổ vật đó về nước và hiến tặng lại cho Nhà nước.

"Hồi hương" ở đây không hẳn về với Nhà nước mà có thể thuộc sở hữu tư nhân, miễn không lưu lạc ở nước ngoài. Mong muốn của người những người làm di sản là làm sao để khuyến khích và thu hút nguồn lực xã hội vào việc "chống chảy máu cổ vật" và "khuyến khích cổ vật hồi hương.

Cũng theo đại diện Cục Văn hóa di sản, nếu cá nhân hoặc tổ chức hiến tặng bảo vật cho Nhà nước thì sẽ được hỗ trợ các chi phí về vận chuyển, thuế hải quan và tặng bằng khen theo quy định.

Minh chứng của lịch sử

Trước đó, trong thông cáo báo chí chính thức, Cục Di sản văn hoá đưa ra nhiều thông tin về cổ vật, trong đó viết: "Ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" là di sản văn hoá của Việt Nam, là một minh chứng biểu trưng cho quyền lực chính trị trong một giai đoạn lịch sử nhất định trong tiến trình lịch sử Việt Nam".

Theo "Đại Nam thực lục" của Quốc Sử quán triều Nguyễn, ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" được đúc vào ngày Giáp Thìn, mùng 4 tháng Hai năm Minh Mạng thứ 4 (tức ngày 15/3/1823). "Ấn có nuốm (quai) làm rồng cuốn hai tầng, vuông 3 tấc 2 phân, dày 5 phân, bằng vàng mười tuổi, nặng 180 lạng (chính xác là 280 lạng) 9 đồng 2 phân. Phàm chiếu như sắc dụ đều đóng ấn ấy".

Ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" được dùng cho các hoạt động công quyền, chính sự của triều Nguyễn (vào dịp lễ khánh tiết, ban ân, xá tội, đi tuần thú các địa phương, cúc với sắc thư ban cho nước ngoài...), là di sản văn hoá quý báu của Nhà nước Việt Nam.

Ngày 30/8/1945, khi tuyên bố thoái vị, vua Bảo Đại đã chọn chiếc ấn đẹp nhất, quý nhất, biểu trưng của chế độ quân chủ thời Nguyễn là ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" và thanh bảo kiếm mà phụ vương của ông là vua Khải Định trao lại cho ông, để bàn giao cho chính quyền cách mạng. Ông Trần Huy Liệu, đại diện cho chính quyền cách mạng, đã tiếp nhận bộ ấn kiếm mang tính biểu tượng này, rồi cho chuyển về Hà Nội ngay trước khi Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đọc Tuyên ngôn độc lập tại quảng trường Ba Đình vào ngày 02/09/1945. Sau ngày Toàn quốc kháng chiến (tháng 12/1946), không rõ thông tin về nơi lưu giữ ấn và kiếm. 

Năm 1952, hai cổ vật này đã rơi vào tay nguời Pháp và đến ngày 08/03/1952, người Pháp tổ chức lễ trao lại ấn kiếm cho cựu hoàng Bảo Đại với vai trò là Quốc trưởng, sau đó được đưa sang Pháp vào năm 1953.

Trong thông cáo, Cục Di sản văn hoá cũng đưa ra những kinh nghiệm thực tiễn trong việc "hồi hương" cổ vật, trong đó chỉ ra việc Việt Nam đã nhận được một số cổ vật có nguồn gốc Việt Nam theo 3 hình thức sau: 

1. Cá nhân, tổ chức vận động quyên góp, mua cổ vật và hiến tặng về nước (trường hợp chuông chùa Ngũ Hộ, được đưa từ Tokyo, Nhật Bản về Bắc Ninh năm 1978).

2. Cá nhân, tổ chức đấu giá từ nước ngoài và hiến tặng về nước (trường hợp xe kéo của Hoàng thái hậu Từ Minh được đưa về Huế năm 2015).

3. Chính phủ các nước tự nguyện trả cổ vật của Việt Nam thu được từ các cuộc điều tra buôn bán trái phép cổ vật (18 cổ vật nhận từ Đức năm 2018, một số cổ vật Đông Sơn nhận từ Hoa Kỳ năm 2022).

Cục Di sản khẳng định, việc hãng Millon tạm hoãn đấu giá ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" là thành công bước đầu. Trong thời gian tới, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch sẽ nỗ lực phối hợp với Bộ Ngoại giao cùng một số Bộ, ngành, tổ chức, cá nhân để huy động mọi nguồn lực nhằm tìm phương án "hồi hương" ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" về nước trong thời gian sớm nhất.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem