Ông Nam cho biết: Đăng ký thương hiệu là một trong những điều kiện rất quan trọng để người nông dân bảo vệ các tài sản SHTT của mình. Hiện một số sản phẩm đã có thương hiệu như cà phê Buôn Ma Thuột, tỏi Lý Sơn, bưởi Diễn, vải thiều Lục Ngạn, chè Thái Nguyên… đều được đăng ký chỉ dẫn địa lý (CDĐL) hoặc nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận. Tuy nhiên, đăng ký bảo hộ vẫn chưa phải yếu tố quyết định đối với từng sản phẩm khi đưa ra thị trường, điều quan trọng nhất là bản thân người nông dân phải tự bảo vệ tài sản SHTT của mình.
|
Nhiều sản phẩm nông nghiệp Việt Nam chưa được đăng ký thương hiệu. |
Thưa ông, trong thời gian qua, liên tiếp các sản phẩm nông sản như cà phê Buôn Ma Thuột, tỏi Lý Sơn, bưởi Diễn… bị chính người nông dân hoặc kẻ xấu “đánh cắp”, nhái lại thương hiệu. Theo ông, đâu là nguyên nhân dẫn đến thực trạng này?
- Nguyên nhân chính là lợi nhuận. Do giá trị của các sản phẩm có thương hiệu cao, được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng, nên đã trở thành đối tượng bị nhiều người tìm cách làm gian dối để trục lợi. Tất nhiên, không loại trừ những người dân ở địa phương khác, do sản phẩm đó có danh tiếng, họ cũng tự tìm cách để kiếm lợi nhuận từ thương hiệu của người khác xây dựng lên. (Chẳng hạn như câu chuyện của tỏi Lý Sơn, vẫn có nhiều trường hợp người dân ở các địa phương khác trộn tỏi nơi khác vào tỏi Lý Sơn rồi bán giá cao). Vấn đề là ý thức bảo vệ của các nhà sản xuất, kinh doanh nông sản ở nước ta hiện nay chưa cao.
Việt Nam là một trong những nước xuất khẩu nông sản hàng đầu trên thế giới, theo thống kê của Cục SHTT, hiện có bao nhiêu mặt hàng nông sản đã đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, CDĐL?
- Theo thống kê chưa đầy đủ của chúng tôi, hiện cả nước chỉ có khoảng 29 CDĐL được đăng ký, trong đó đa số là thực phẩm, đồ uống và nông sản. Những loại nông sản đăng ký thông qua hình thức nhãn tập thể và nhãn chứng nhận cũng có khoảng 300 sản phẩm. Tuy nhiên, hiện còn nhiều sản phẩm nông sản chưa thực hiện đăng ký CDĐL, vì còn vướng nhiều quy định về danh tiếng, chất lượng, các điều kiện tự nhiên, đất đai và khí hậu, thổ nhưỡng…
Vừa qua, có rất nhiều vụ tranh chấp, xâm hại thương hiệu nông sản nước ta, nhất là vụ cà phê Buôn Ma Thuột. Cục SHTT đã có những biện pháp xử lý ra sao, thưa ông?
- Các trường hợp tranh chấp họ thường trực tiếp đề nghị cơ quan thực thi giúp đỡ và xử lý, khi cần thiết mới lấy ý kiến chuyên môn của Cục. Thực tế cho thấy, những tranh chấp về CDĐL ở trong nước cũng không nhiều và chúng ta vẫn hoàn toàn có thể kiểm soát được, quan trọng là thương hiệu nông sản bị “đánh cắp” ở nước ngoài. Như trường hợp điển hình được nhắc nhiều trong thời gian qua là cà phê Buôn Ma Thuột và một số sản phẩm khác đang xảy ra tranh chấp ở nước ngoài.
Xây dựng được thương hiệu đã khó, bảo vệ được lại khó hơn. Theo ông, trong trường hợp thương hiệu đã có nhưng bị nhái, đánh cắp sẽ để lại những hậu quả gì?
- Hậu quả khi bị xâm phạm quyền SHTT, thị trường đương nhiên bị giảm và tác động trực tiếp tới hoạt động sản xuất kinh doanh. Như cà phê Buôn Ma Thuột chẳng hạn, nếu để mất sẽ không thể xuất khẩu vào Trung Quốc được nữa. Khi mất nhãn hiệu, CDĐL, doanh nghiệp sẽ không xuất khẩu được sản phẩm thành phẩm mà chỉ có thể xuất khẩu sản phẩm thô nên thiệt hại là không hề nhỏ.
Đối với các mặt hàng nông sản, muốn tiêu thụ tốt, không có cách nào khác là bản thân những chủ sở hữu, nhà sản xuất, những người nông dân phải bảo vệ thương hiệu của mình. Bởi thương hiệu không chỉ là cái tên, mà biểu hiện sự thành công của sản phẩm và đằng sau những thương hiệu là niềm tin và uy tín đối với người tiêu dùng.
Vậy theo ông, để giữ được các thương hiệu, CDĐL của các mặt hàng nông sản, chúng ta cần có những giải pháp cụ thể gì?
-Trước tiên, chính những người nông dân và hiệp hội các nhà sản xuất phải có trách nhiệm bảo vệ quyền lợi của mình. Chúng ta phải thường xuyên kiểm soát các quy định tiêu chuẩn chất lượng theo đúng tiêu chuẩn đã đăng ký. Ngoài ra, các nhà sản xuất kinh doanh phải kiểm soát và ngăn chặn kịp thời đối với các sản phẩm không vi phạm, đồng thời thông báo và phối hợp với các cơ quan thực thi để bảo vệ quyền SHTT cho các sản phẩm nông sản của mình.
Xin cảm ơn ông!
Thanh Xuân (thực hiện)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.