Mường Ảng là huyện vùng cao, có tới 8/10 xã, thị trấn thuộc diện đặc biệt khó khăn với 90% dân số là bà con các dân tộc: Thái, Mông, Khơ Mú... Do địa bàn nhiều núi cao, vực sâu, nguồn nước khan hiếm nên đồng bào chủ yếu làm nương và chăn nuôi gia súc, gia cầm.
Ai cũng thích vào Hội Nông dânAnh Lò Văn Tưởng, bản Tọ Nọ, xã Ẳng Tở cho biết: Hội thường xuyên phối hợp với ngành khuyến nông, thú y, bảo vệ thực vật hướng dẫn bà con cách làm ăn, phòng chống dịch bệnh trên gia súc, cây trồng nên thu nhập của chúng tôi mấy năm gần đây khá hơn. Hội cũng phối hợp với nhiều doanh nghiệp cung ứng cho nông dân (ND) giống cây, con, phân bón, thức ăn chăn nuôi có chất lượng và giá thành hạ. Vì thế, dân bản ai cũng thích tham gia Hội ND. Hội lại có tổ chức đến tận bản nên ai làm tốt, làm chưa đúng Hội đều nắm bắt được cả, phê bình hay biểu dương luôn đúng người, đúng việc.
Nông dân xã Ẳng Tở phát triển chăn nuôi đại gia súc để lấy sức kéo và tích tụ kinh tế hộ.
Đến thăm gia đình anh Quàng Văn Chiến, bản Tở (xã Ẳng Tở), anh tâm sự: “Nhà tôi cũng như nhiều hộ khác trong bản mấy năm nay kinh tế khá hơn trước rồi. Cũng nhờ có cán bộ hội ND xã, bản chỉ bảo cách làm ăn, động viên bà con sản xuất, tiết kiệm nên dù vẫn làm nông nghiệp, vẫn là mảnh ruộng, mảnh nương ấy nhưng thu nhập cao hơn.
Trước đây nuôi cả năm mới được con lợn, con gà nho nhỏ nhưng cứ vào dịp tết là nó lại chết vì lạnh, vì bệnh. Bây giờ bà con nghe lời cán bộ, nuôi con gì cũng tiêm phòng, cũng làm nhà cho nó ở nên không bị chết rét, chết bệnh nữa. Bản có hơn 90 hộ thì nhà nào cũng có vài chục con gà, vịt trở lên, nhiều lợn, dê và trâu, bò rồi. Thu nhập từ chăn nuôi kể cả con gà, con vịt cũng dễ thu bạc triệu nên cuộc sống của bà con khá hơn”.
“Bà con tin, mình phải cố gắng”
"Cũng nhờ có cán bộ hội ND xã, bản chỉ bảo cách làm ăn, động viên bà con sản xuất, tiết kiệm nên dù vẫn làm nông nghiệp, vẫn là mảnh ruộng, mảnh nương ấy nhưng thu nhập cao hơn hẳn”.
Anh Quàng Văn Chiến
|
Bên bản Tọ Luông của đồng bào Khơ Mú, nhiều mái nhà mới lợp ngói đã thay thế những mái nhà tranh tre, nứa lá tạm bợ trước đây. Trên sàn cầu thang bên quản (phía trái ngôi nhà), anh Bạc Cầm Tun - Trưởng bản đang lúi húi tính toán trên mảnh giấy nhỏ.
Thấy khách đến, anh cười, bảo: “Cán bộ vào nhà đi. Mình đang tính thử xem giữa trồng cà phê và trồng sắn, ngô thì cây nào lợi hơn và giải quyết được việc làm tốt hơn. Bây giờ nhiều hộ đã đủ ăn nên muốn tính tới làm ăn lớn hơn, thu lợi nhiều hơn từ những cây-con giống mới. Cà phê nếu được giá thì thu cao thật nhưng vốn đầu tư lớn, lại dài ngày nên bà con bảo trưởng bản và chi hội ND tính giúp xem đầu tư cái nào an toàn, hiệu quả hơn. Bà con đã tin tưởng thì mình phải cố gắng”.
Nhờ những hoạt động sát thực, vì lợi ích hội viên, ND nên Hội ND tạo được sức hút với ND, gia tăng số lượng hội viên và chất lượng hoạt động Hội. Ông Lù Văn Đón - Chủ tịch Hội ND huyện Mường Ảng cho biết: “Năm 2013, đã có thêm 177 ND tham gia tổ chức hội, nâng tổng số hội viên toàn huyện lên gần 6.800 người. Toàn huyện có 127 chi hội, thì 63% chi hội được công nhận vững mạnh, 24% chi hội khá, không có chi hội yếu kém; 8/10 cơ sở hội vững mạnh, 2 cơ sở xếp loại khá. Các Hội cơ sở đã xây dựng được quỹ hội với mức 2,5-10 triệu đồng/cơ sở.
Kiều Thiện (Kiều Thiện)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.