Nông dân Hà Tĩnh sản xuất kịp thời vụ, được nợ tiền mua phân bón nhờ một chính sách đặc biệt

Trang Ngân - Nguyễn Thu Thứ ba, ngày 12/09/2023 15:01 PM (GMT+7)
Trung tâm Hỗ trợ nông dân – Hội Nông dân tỉnh Hà Tĩnh đã triển khai chương trình cung ứng phân bón trả chậm cho nông dân thông qua liên kết với các doanh nghiệp, công ty phân bón hàng đầu của ngành phân bón Việt Nam, trong đó có Công ty CP Supe phốt phát và hóa chất Lâm Thao.
Bình luận 0

Cung ứng hơn 1.183 tấn phân bón chậm trả cho nông dân Hà Tĩnh

Thông tin về kết quả hoạt động 6 tháng đầu năm và phương hướng triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm, bà Nguyễn Thị Hồng Minh – Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ nông dân (Hội Nông dân tỉnh Hà Tĩnh) cho biết, 6 tháng đầu năm 2023, Trung tâm đã luôn chủ động bám sát cơ sở, phối hợp với các cấp Hội Nông dân trên địa bàn toàn tỉnh thực hiện tốt mọi nhiệm vụ được giao. 

Đặc biệt, Trung tâm Hỗ trợ nông dân đã phối hợp với Hội Nông dân các cấp, Công ty CP Supe phốt phát và hóa chất Lâm Thao, các đơn vị liên quan tổ chức 16 hội nghị tập huấn hướng dẫn kỹ thuật sử dụng phân bón hiệu quả cho gần 1.000 hội viên nông dân; lồng ghép 25 cuộc tư vấn kỹ thuật cho gần 1.500 hội viên tại các địa phương. 

Bên cạnh đó, Trung tâm còn phối hợp với Supe Lâm Thao tổ chức các gian hàng trưng bày và tư vấn sản phẩm phân bón tại Đại hội Hội Nông dân các đơn vị Hồng Lĩnh, Cẩm Xuyên, Vũ Quang… 

Điểm nhấn trong hoạt động phối hợp với doanh nghiệp là triển khai cung ứng 1.183,905 tấn phân bón trả chậm các loại vụ xuân 2023 và vụ hè thu 2023 cho bà con nông dân trong địa bàn tỉnh Hà Tĩnh. Tập trung đôn đốc đối chiếu, thu hồi công nợ phân bón đến hạn, quá hạn tại các đơn vị để chuyển trả cho nhà cung cấp dịch vụ.

Nông dân Hà Tĩnh sản xuất kịp thời vụ, được nợ tiền mua phân bón nhờ một chính sách đặc biệt - Ảnh 1.

Từ đầu năm đến tháng 7/2023, các cấp Hội Nông dân tỉnh Hà Tĩnh đã phối hợp với các doanh nghiệp cung ứng 42.800 tấn phân bón các loại, 120 tấn phân hữu cơ vi sinh, 100 tấn vôi, 210.000 cây giống các loại... Ảnh: HND Hà Tĩnh

Bà Minh cho biết, mỗi năm vào thời vụ sản xuất, bà con nông dân rất trăn trở vì gánh nặng phân bón, vật tư nông nghiệp, tiền thuê nhân công ngày càng đắt đỏ, khiến cho việc sản xuất nông nghiệp nói chung, trồng lúa nói riêng ngày càng bị teo tóp, không có lãi. Nhiều nông dân không có tiền, đành phải chấp nhận mua phân bón trả nợ sau với giá cao từ các đại lý. 

Nhưng từ vụ hè thu năm 2017 đến nay, người nông dân trên địa bàn bớt hẳn nỗi lo về tiền mua phân bón mỗi khi vào vụ bởi chương trình hỗ trợ mua phân bón trả chậm do Trung tâm Hỗ trợ Nông dân tỉnh triển khai.

Đơn cử như ở thôn Kim Nam Tiến, xã Kỳ Tiến, huyện Kỳ Anh, từ năm 2017 đến nay, gia đình ông Phạm Hồng Bình cũng như nhiều hộ nông dân trên địa bàn xã Kỳ Tiến không còn phải lo vay mượn tiền với lãi suất cao để mua phân bón để sản xuất.

Ông Bình cho biết: "Gia đình tôi có 5 sào, trước đây đầu mỗi vụ sản xuất, gia đình đều phải lo một khoản tiền lớn để mua phân bón. Có những thời điểm khó khăn, không có tiền mua phân bón nên bị chậm thời vụ. Kể từ khi tiếp cận chương trình mua phân bón trả chậm thông qua Hội Nông dân, được Trung tâm Hỗ trợ nông dân tỉnh, Hội Nông dân huyện đứng ra tín chấp với doanh nghiệp cung ứng phân bón, chúng tôi được mua  phân bón NPK Lâm Thao theo phương thức trả chậm, giúp gia đình tôi giảm bớt khó khăn, yên tâm sản xuất”. 

Nông dân Hà Tĩnh sản xuất kịp thời vụ, được nợ tiền mua phân bón nhờ một chính sách đặc biệt - Ảnh 2.

Ông Phạm Hồng Bình - Chi Hội trưởng nông dân thôn Kim Nam Tiến, Kỳ Tiến tích cực đi đầu trong hoạt động cung ứng phân bón trả chậm cho người dân. Ảnh: Hội ND tỉnh Hà Tĩnh

Ông Bình cũng là Chi Hội trưởng nông dân thôn Kim Nam Tiến, nên từ đầu mỗi vụ sản xuất, ông tích cực triển khai chương trình cung ứng phân bón trả chậm đến bà con để đăng ký số lượng, chủng loại phân bón với Hội Nông dân xã. Trước khi vào sản xuất khoảng 20 ngày, Trung tâm Hỗ trợ nông dân phối hợp với doanh nghiệp sẽ chuyển phân bón về tận nơi. 

Sau khi kết thúc vụ thu hoạch, nông dân mới phải thanh toán và trả tiền theo báo giá đã niêm yết. Với các cây trồng ngắn ngày như lúa, rau màu, bà con được nợ tiền phân bón 6 tháng, còn cây ăn quả thì sau 1 năm mới phải thanh toán. 

Tính riêng vụ đông xuân 2022-2023 và hè thu 2022, Hội Nông dân xã Kỳ Tiến đã cung ứng gần 100 tấn phân Lâm Thao các loại kịp thời cho bà con, đáp ứng nhu cầu sản xuất nông nghiệp, giảm bớt gánh nặng chi phí và chất lượng phân bón cho người dân trên địa bàn thôn.

“Mấy năm trước, chúng tôi thường dùng nhiều loại phân trộn lẫn với nhau để bón cho cây lúa. Có khi trộn hơi quá tay vãi xuống làm cháy lúa, nhưng từ khi chúng tôi đăng kí mua phân bón trả chậm, được cán bộ công ty hướng dẫn bón phân đúng kỹ thuật thì chỉ bón duy nhất một loại từ đầu cho đến cuối vụ" - ông Bình cho biết. 

Theo đó, mỗi sào, ông Bình được hướng dẫn bón 25 kg phân bón lót 5.10.3 của Lâm Thao, 10 kg 12.5.10 bón thúc và 5-10 kg bón đón đòng, không cần phải bón thêm đạm urê. 

Đại diện Công ty CP Supe phốt phát và hóa chất Lâm Thao cho biết thêm: Nhằm giúp bà con nông dân có phân bón phù hợp, đảm bảo chất lượng để nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, những năm qua, Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao luôn chú trọng cung ứng phân bón Lâm Thao đảm bảo kịp thời vụ. Theo đó Công ty đã phối hợp với Trung tâm hỗ trợ nông dân tỉnh Hà Tĩnh cung ứng phân bón cho nông dân theo hình thức trả chậm với số lượng khoảng 3.000 tấn/năm. 

Bên cạnh đó, Công ty còn tổ chức nhiều hội nghị hướng dẫn sử dụng phân bón Lâm Thao trên các loại cây trồng, giới thiệu cho bà con các sản phẩm phân bón thế hệ mới, có hàm lượng dinh dưỡng cao, phù hợp với xu hướng sản xuất hữu cơ, an toàn thực phẩm... 

Nông dân Hà Tĩnh sản xuất kịp thời vụ, được nợ tiền mua phân bón nhờ một chính sách đặc biệt - Ảnh 4.

Nhằm giúp nông dân phát triển các loại cây ăn quả, trong đó có cây bưởi đặc sản Phúc Trạch Hà Tĩnh và sản xuất vụ Đông, Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao đã phối hợp với Hội Nông dân tỉnh Hà Tĩnh tổ chức lớp tập huấn kỹ thuật hướng dẫn sử dụng phân bón NPK-S Lâm Thao khép kín cho bà con.

Ông Nguyễn Tiến Anh – Ủy viên Ban Thường vụ, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ nông dân tỉnh Hà Tĩnh cho biết: Nhận thấy chương trình cung ứng phân bón trả chậm là hoạt động nhiều ý nghĩa, mang lại hiệu quả cho nông dân, giúp bà con giảm bớt khó khăn trong sản xuất nên thời gian qua, Trung tâm đã tích cực liên kết với các doanh nghiệp phân bón uy tín của cả nước như Lâm Thao, Bình Điền để cung ứng phân bón chất lượng cho bà con với giá phải chăng. 

Thời gian tới, thực hiện chỉ đạo của Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh, Trung tâm sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chương trình phân bón trả chậm, tạo điều kiện cho hội viên, nông dân được tiếp cận và sử dụng vật tư nông nghiệp bảo đảm chất lượng, nhất là nguồn phân bón chính hãng - một mặt hàng thường bị làm giả, làm nhái rất nhiều trên thị trường.. 

Ngoài hiệu quả kinh tế mang lại cho nông dân, chương trình bán phân bón trả chậm còn tăng thêm sự gắn bó giữa hội viên nông dân với tổ chức Hội, ngày càng có thêm nhiều nông dân tham gia vào Hội để được hưởng lợi từ các dịch vụ hỗ trợ nông dân.

Vụ Đông xuân năm 2022 - 2023, Trung tâm Hỗ trợ nông dân tỉnh Hà Tĩnh đã phối hợp triển khai và cung ứng hơn 1.880 tấn phân bón trả chậm, gồm các loại phân bón Lâm Thao, Bình Điền; vụ hè thu là 320 tấn. Từ chương trình bán phân bón trả chậm sẽ hạn chế vấn đề giá cả lên xuống thất thường, phân bón giả, kém chất lượng trôi nổi trên thị trường đã không còn là nỗi lo lắng đối với người nông dân.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem