Nông dân miền Tây muốn gửi tâm tư gì với Thủ tướng Chính phủ?

Huỳnh Xây Thứ hai, ngày 09/12/2019 09:30 AM (GMT+7)
Trước thềm Hội nghị “Thủ tướng đối thoại với nông dân” diễn ra vào ngày mai, 10/12 tại TP. Cần Thơ, phóng viên Báo Dân Việt đã có trao đổi với một số nông dân ở ĐBSCL về những câu hỏi, trăn trở muốn nói ra với người đứng đầu Chính phủ.
Bình luận 0

Anh Trần Công Danh ngụ ấp Thới Phước 1 (xã Tân Thạnh, huyện Thới Lai, TP.Cần Thơ) cho biết, bản thân rất vui mừng khi được mời dự Hội nghị “Thủ tướng đối thoại với nông dân”. Theo đó, nếu được phát biểu tại hội nghị, ông Trần Công Danh sẽ nói về những khó khăn của người dân trồng lúa. 

img

Nông dân Trần Công Danh (áo xanh, bên phải)

"Nhiều năm qua, năng suất lúa nơi đây thấp do ảnh hưởng tình trạng biến đổi khí hậu. Chưa dừng lại ở đó, khi thu hoạch thường gặp cảnh mất giá. Nếu tình trạng này kéo dài thì nông dân càng khổ. Để hạn chế khó khăn trên và để cạnh tranh với gạo của các nước khác trên thị trường thế giới, nông dân phải sản xuất những giống lúa cho gạo chất lượng cao, chất lượng an toàn thực phẩm; hoặc sản xuất theo hướng hữu cơ, xây dựng thương hiệu" - anh Danh nói.

Anh Danh nói tiếp: "Tuy nhiên, Chính phủ cần phải có biện pháp hay tạo điều kiện sao cho doanh nghiệp thu mua lúa hữu cơ này của người dân từ đầu vụ với giá hợp lý, nông dân có lời. Tôi rất thiết tha mong muốn Chính phủ giúp nông dân về vấn đề này, bởi thật sự ra nông dân bây giờ còn nhiều khó khăn, trong khi đó các sản phẩm nông sản an toàn, nông sản sạch lại vẫn bí đầu ra".

Theo anh Danh, tổng diện tích làm lúa của anh là 8ha, còn Tổ hợp tác do anh làm tổ trưởng là 28ha. Hiện tổ hợp tác rất cần ngành chức năng hỗ trợ mua máy tách hạt lúa giống, làm lò sấy để nâng chất lượng lúa giống, cung cấp nhiều hơn nữa lúa giống tốt cho bà con huyện Thới Lai nói riêng và TP.Cần Thơ nói chung. 

Còn ông Lý Văn Bon ở khu vực 1 (phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy, TP.Cần Thơ) thì nói: "Tôi rất vinh dự được ban tổ chức mời tham dự Hội nghị “Thủ tướng đối thoại với nông dân”. Nếu được phát biểu, đối thoại thì tôi sẽ nói về tình trạng sạt lở mà bà con ở địa phương tôi đang gặp phải".

img

Nông dân Lý Văn Bon (Ảnh: Giang Hải Bân)

"Khu vực 1 nơi tôi ở là Cồn Sơn, nơi đây nhiều năm qua thường xuyên xảy ra sạt lở, theo đó diện tích ngày càng bị thu hẹp, người dân không yên tâm sản xuất và sinh sống. Vì vậy, tôi muốn nói để Chính phủ, các bộ, ngành có những kế hoạch, biện pháp khắc phục. Nếu tình trạng trên tiếp tục diễn ra thì không chỉ người dân nơi đây mà có rất nhiều hộ dân ở các khu vực cồn, đê bao, bờ sông ở nhiều địa phương vùng ĐBSCL thường xuyên gặp cảnh mất đất, mất nhà và thậm chí ảnh hưởng đến tình mạng" - ông Bon chia sẻ.

Ông Trương Văn Hiền ngụ ở ấp Quyết Thắng (xã Hiệp Hưng, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang) cho biết, nghe tin Thủ tướng đối thoại với nông dân ông rất mừng. Khi được mời dự hội nghị, ông đã có chuẩn bị 2 vấn đề muốn đối thoại.

"Vấn đề tôi muốn nêu ra là với giá mía 760 đồng/ký (nhiều nông dân bán không được với giá trên - PV) như hiện nay, nông dân sống không nổi vì thua lỗ nhiều vụ liên tiếp. Vì vậy, rất cần Thủ tướng chỉ đạo các ngành chức năng có những biện pháp nâng giá" - nông dân Trương Văn Hiền nói.

Ông Hiền nói thêm: "Điều thứ hai tôi muốn nêu ra là hiện nay có chính sách hỗ trợ cho nông dân chuyển đổi từ mía sang cây trồng khác như khóm, chanh không hạt nhưng tại sao không hỗ trợ cho nông dân vẫn bám lấy cây mía. Nếu được Chính phủ quan tâm hỗ trợ về vấn đề này thì người dân mừng lắm".

Vấn đề khó khăn của ngành mía đường hiện nay đã và đang ảnh hưởng dây chuyền đến những nông dân trồng mía, đặc biệt là những nông dân vùng nguyên liệu ngành mía đường ở một số tỉnh ĐBSCL. Đây cũng là những trăn trở, khó khăn rất cần được các ngành, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm, giải quyết...

Không chỉ có 3 nông dân trên mà rất nhiều nông dân ở khắp cả nước muốn đối thoại với Thủ tướng, theo đó tập trung vào nhiều nhóm vấn đề lớn gồm: tiêu thụ nông sản; vốn vay phục vụ phát triển nông nghiệp; xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường; vốn, đảm bảo an sinh xã hội cho bà con nông dân.

Ngày 10/12 tới, tại TP.Cần Thơ, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với UBND TP.Cần Thơ chủ trì tổ chức Hội nghị “Thủ tướng đối thoại với nông dân” với chủ đề “Tháo gỡ vướng mắc, liên kết 6 nhà, kiến tạo chuỗi giá trị nông sản”.

Hội nghị lần này có sự tham dự của 600 đại biểu, gồm lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, các chuyên gia, nhà khoa học, đặc biệt là sự có mặt của đông đảo nông dân đến từ các địa phương cả nước đại diện cho hàng chục triệu hộ nông dân tham gia đối thoại trực tiếp với Thủ tướng.

Trước thềm hội nghị, đã có hơn 2.000 câu hỏi của bà con nông dân cả nước, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, các chuyên gia... được gửi đến Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc qua các kênh tiếp nhận: gửi trực tiếp qua hệ thống tiếp nhận thư điện tử của Báo điện tử Dân Việt/NTNN; qua Hội Nông dân các tỉnh, thành phố và qua các hệ thống khác.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem