Làm giàu từ rừng
Năm 1994, khi Dự án 327 triển khai tại địa phương, chị Đỗ Thị Thanh Hương, xã Hương Giang, mạnh dạn nhận 0,7ha đất đồi để khai hoang trồng rừng và cao su. Đến kỳ thu hoạch, mỗi năm gia đình chị thu lời gần 80 triệu đồng. Giờ, ngoài cao su, chị còn nhận thêm 0,2ha đất trống đồi núi trọc khai hoang để trồng keo và sắn.
|
Anh Mai Dư đang chăm sóc đàn heo của mình. |
Nguồn thu từ sắn hàng năm đủ chi phí để chị trang trải cho việc trồng rừng. Bây giờ, vườn cao su có thể lấy thu bù chi, rừng tràm của chị đã hơn 5 năm tuổi.
"Thời điểm này, có thể nói, khó khăn đã qua. Đến mùa khai thác cao su, ngày nào gia đình tôi cũng có tiền vào"- chị Hương cho hay. Theo chị Hương, tổng thu nhập của gia đình hơn 400 triệu đồng/năm, số tiền trước đây vợ chồng chị chưa bao giờ mơ tới.
Anh Mai Dư, cùng thôn với chị Hương là hộ khá giả nhờ phát triển kinh tế đồi rừng. Anh Dư kể quá trình lập nghiệp của mình: Năm 2005, được chính quyền địa phương cho đấu thầu 0,9ha đất trống, đồi núi trọc, anh cải tạo để trồng rừng.
Những năm đầu rừng chưa cho thu hoạch, nên lo bữa cơm hàng ngày là bài toán nan giải của vợ chồng anh. Được Hội ND tín chấp, Ngân hàng NNPTNT huyện cho anh vay vốn xây chuồng trại, làm khí biogas để nuôi lợn, gà. Nhờ chịu khó tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm từ sách vở, báo chí, tham gia các lớp tập huấn, lứa lợn, gà đầu tiên xuất chuồng, gia đình anh đã đủ tiền trả lãi ngân hàng.
Giờ đây, mỗi năm gia đình anh cung ứng cho thị trường 3 lứa lợn thịt, 2 lứa lợn giống và hàng trăm con gà, đem lại lợi nhuận hàng chục triệu đồng. Rừng keo cũng đã vào mùa thu hoạch. Doanh thu từ rừng mỗi năm trên 200 triệu đồng. Không chỉ có tiền mở rộng quy mô sản xuất, anh còn xây nhà khang trang, đủ tiện nghi sinh hoạt.
785 hộ sản xuất kinh doanh giỏi
Cũng như anh Dư, chị Hương, vốn xuất thân từ nghèo khó, chị Nguyễn Thị Kiềm, ở thôn 3, xã Thượng Nhật luôn tâm niệm sẽ làm giàu trên quê hương của mình. Sau đợt tham quan mô hình nuôi lợn rừng ở huyện Phú Lộc và học hỏi được cách nuôi, chị Tiềm quyết định chuyển từ chăn nuôi nhỏ lẻ, sang làm hệ thống chuồng trại, đồng thời, thay đổi đối tượng nuôi từ lợn nhà sang lợn rừng.
"Thời điểm này, có thể nói, khó khăn đã qua. Đến mùa khai thác cao su, ngày nào gia đình tôi cũng có thu nhập".
Chị Đỗ Thị Thanh Hương
Với 3 con lợn rừng sinh sản, sau một năm, gia đình chị có đàn lợn rừng 40 con. Lứa đầu tiên xuất bán, chị lãi gần 50 triệu đồng. Chị Tiềm cho biết, lợn rừng đang được thị trường ưa chuộng, việc nuôi lợn rừng sinh sản góp phần hạn chế tình trạng săn bắt lợn rừng tự nhiên. Doanh thu từ lợn rừng ngoài tái đầu tư, chị còn mua xe tải làm dịch vụ vận chuyển hàng hóa phục vụ trên địa bàn xã.
Ông Bùi Quang Tý - Chủ tịch Hội ND huyện Nam Đông, cho biết: Năm 2011, Nam Đông có 785 hộ ND được công nhận SXKD giỏi, tăng 280 hộ so với năm 2010. Trong số này có 4 hộ đạt danh hiệu SXKD giỏi cấp Trung ương, 51 hộ cấp tỉnh, 159 hộ cấp huyện, còn lại là cấp xã.
Kết quả này, ngoài nỗ lực của mỗi cá nhân, Hội còn có nhiều hoạt động hỗ trợ, giúp ND làm giàu, như phối hợp với ngành chức năng tổ chức 131 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản cho 1.630 hội viên; vận động xây dựng Quỹ Hỗ trợ nông dân (hiện tổng vốn quỹ có 71,75 triệu đồng). Quỹ đã cho hàng chục hộ vay để phát triển sản xuất, kinh doanh.
Thanh Nga
Vui lòng nhập nội dung bình luận.