Nông dân U90 hé lộ bí truyền trồng cây ra quả đặc sản Hà Nội, năm nào khách cũng "đặt gạch" mua hết

Nguyễn Tùng Thứ hai, ngày 24/04/2023 18:59 PM (GMT+7)
Gia đình cụ bà Nguyễn Thị Lộc (88 tuổi) ở ngõ 23, phường Phúc Diễn, Bắc Từ Liêm nổi danh là những người tiên phong trong việc chuyển đổi trồng bưởi Diễn-một đặc sản Hà Nội. Nhờ bí truyền tích góp hơn 40 năm, bưởi Diễn nhà bà Lộc luôn là một “thương hiệu” được nhiều người sành ăn săn đón và ưa chuộng.
Bình luận 0

Khi các loại bưởi Diễn đang dần mất giá trên thị trường, song với bí quyết riêng hơn 40 năm trồng bưởi diễn, gia đình bà Lộc vẫn bán bưởi Diễn với giá 60.000-70.000 đồng/quả. 

Người tiên phong chuyển đổi trồng bưởi Diễn

Tuy đã ở độ tuổi 88, hằng ngày người dân Đức Diễn vẫn thấy hình ảnh một cụ già thoăn thoắt, bận rộn trong vườn bưởi Diễn từ sáng sớm đến chiều tối. Với bà Nguyễn Thị Lộc - người phụ nữ đã lam lũ cả một đời này, vườn bưởi Diễn đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống, là nguồn động lực để bà tăng cường sức khoẻ, chống lại bệnh tật.

Hà Nội: Cụ bà 88 tuổi chia sẻ bí quyết trồng bưởi Diễn ngọt lừ, bán giá cao khách cũng đặt mua hết - Ảnh 1.

Cụ bà Nguyễn Thị Lộc (88 tuổi) ở ngõ 23, phường Phúc Diễn, Bắc Từ Liêm, Hà Nội nổi danh là những người tiên phong trong việc chuyển đổi trồng bưởi Diễn-đặc sản Hà Nội. Ảnh: Nguyễn Tùng.

Khoảng hơn 40 năm trước, gia đình bà Nguyễn Thị Lộc (ngõ 23, Đức Diễn, Phúc Diễn, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cũng tập trung trồng lúa như nhiều hộ gia đình khác trong làng. Tuy nhiên, hàng chục năm "bán mặt cho đất bán lưng cho trời", vất vả làm lụng sớm khuya vẫn không thể thoát nghèo luôn khiến bà Lộc ấp ủ mong muốn trồng một giống cây mới đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn để cải thiện đời sống của gia đình.

Và rồi cơ duyên đến, khi Đảng, Nhà nước có cơ chính sách chuyển đổi cơ cấu cây trồng, bà Lộc là một trong những người may mắn được cử đi học tập. 

"Hồi đấy người ta mở hội thảo, mời chuyên gia tới từ 12 nước sang chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn bà con chuyển đổi giống cây trồng. Tôi là một trong số ít những người được chọn đi dự, mỗi làng người ta chỉ chọn một người. Đi họp 3 ngày, mỗi ngày đều được UBND xã hỗ trợ 50.000 đồng. Nhưng quan trọng nhất là họ cho tôi thấy con đường đúng đắn để làm giàu cho bản thân, cho đất nước".

Hà Nội: Cụ bà 88 tuổi chia sẻ bí quyết trồng bưởi Diễn ngọt lừ, bán giá cao khách cũng đặt mua hết - Ảnh 2.

Khi các loại bưởi Diễn đang dần mất giá trên thị trường, gia đình bà Lộc vẫn có thể bán một quả bưởi với giá 60.000-70.000 đồng. Ảnh: Nguyễn Tùng.

Trở về nhà, bà Lộc chia sẻ ý định chuyển đổi từ trồng lúa sang cây ăn quả cho gia đình và được tất cả mọi người vô cùng ủng hộ. Nhận thấy nhiều ưu điểm vượt trội của loại bưởi Diễn ngon ngọt được vài hộ dân quanh làng trồng, gia đình bà quyết định thử nghiệm với giống cây này.

Thời gian đầu, khi bỏ trồng lúa chuyển sang trồng bưởi, bà Lộc nhận nhiều sự bàn tán của người dân xung quanh vì văn hoá lúa nước đã sớm "ăn sâu" vào thói quen của người nông dân Việt Nam thời đó. Song nhờ sự kiên trì và quyết tâm, bà Lộc và gia đình đã thuyết phục được mọi người và còn được chính cán bộ xã cử người xuống hỗ trợ.

Hà Nội: Cụ bà 88 tuổi chia sẻ bí quyết trồng bưởi Diễn ngọt lừ, bán giá cao khách cũng đặt mua hết - Ảnh 3.

Những gốc bưởi "cổ" nhất trong vườn nhà bà Nguyễn Thị Lộc có tuổi đời trên 40 năm tuổi. Ảnh: Nguyễn Tùng.

Với kinh nghiệm trồng trọt đã tích luỹ nhiều năm, gia đình bà Lộc không gặp quá nhiều khó khăn trong việc chăm sóc và bảo vệ cây trồng. Theo bà Lộc, bưởi là loại cây ăn quả lâu năm nên bà mất khoảng 3 năm để thu hoạch vụ đầu tiên, vài năm đầu cây cho ra loại bưởi tơ kém ngọt nên chỉ bán giá 20.000 - 25.000 đồng/quả.

"Trồng giống cây này quan trọng phải kiên trì, muốn kiếm lợi nhanh chóng thì rất khó. Ban đầu vì cây còn non nên kém cả về chất lượng và số lượng, loại bưởi tơ không được mọi người ưa chuộng nên nhà tôi chỉ bán 20.000-25.000 đồng/quả. Đến tầm 5-10 năm thì cây đủ lớn, quả cũng chắc và ngọt hơn hẳn nên một quả có thể bán lên tới 40.000 đồng. Từ 10 năm trở lên cây bưởi đã vừa độ chín, để giá 60.000 - 70.000 đồng/quả mà vẫn đắt như tôm tươi, thậm chí còn không đủ hàng bán"- bà Lộc chia sẻ.

Hà Nội: Cụ bà 88 tuổi chia sẻ bí quyết trồng bưởi Diễn ngọt lừ, bán giá cao khách cũng đặt mua hết - Ảnh 4.

Những cây bưởi Diễn-đặc sản Hà Nội đang ra quả trong vườn nhà bà Lộc. Ảnh: Nguyễn Tùng.

Đến thời điểm hiện tại, gia đình bà có khoảng 10 sào (3.600m2) đất trồng bưởi với gần trăm gốc bưởi Diễn, ước tính mỗi cây có thể cho ra 100-200 quả/năm. Hàng năm cứ vào tháng 10 âm lịch, con cháu bà Lộc lại tụ tập, chở xe tải đến để cùng nhau thu hoạch bưởi.

"Từ khi trồng bưởi, kinh tế của nhà tôi được cải thiện rõ rệt. Năm nào khí hậu tốt, bội thu thì mỗi sào bưởi như thế này cũng có thể đem lại lợi nhuận lên tới 100 triệu đồng/sào, kém hơn chút thì 70-80 triệu đồng/sào. Thời điểm mất mùa rơi vào khoảng 40-50 triệu đồng/sào"- bà Lộc nói.

Bí quyết trồng loại bưởi Diễn ngọt

Là một trong những hộ có bề dày kinh nghiệm lâu năm của Đức Diễn, khách hàng bình thường muốn mua bưởi Diễn của nhà bà Lộc quả thật "khó như lên trời". Theo đó, hầu hết số bưởi gia đình bà thu hoạch đều dành bán cho cán bộ, nhân viên Bệnh viện Việt Đức.

"Từ khi con trai tôi công tác ở Bệnh viện Việt Đức thì hầu như năm thu hoạch nào cũng dành để bán cho bên đó hết. Cán bộ, nhân viên bệnh viện đều ăn quen bưởi nhà tôi nên ăn loại bình thường là họ nhận ra ngay. Khách ngoài có nhu cầu thì tôi cũng chỉ có thể bán số lượng ít, những quả bưởi hỏng, xấu thì chia cho con cháu ăn chứ cũng không đem bán tránh ảnh hưởng uy tín".

Cùng với tấm gương của gia đình bà Nguyễn Thị Lộc, chính quyền địa phương đã kêu gọi người dân Đức Diễn thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về việc chuyển đổi giống cây trồng. Vài năm, sau những mảnh ruộng lúa Đức Diễn đã được thay thế hoàn toàn bởi giống bưởi Diễn thơm ngọt, thanh mát.

Song, không phải hộ gia đình nào cũng có khả năng phát huy hết lợi thế của giống bưởi Diễn, cho ra sản phẩm đạt chất lượng. Trò chuyện với phóng viên báo Dân Việt, bà Lộc không ngần ngại chia sẻ những bí quyết trồng bưởi bản thân đã tích góp hơn nửa đời người, 

"Nhiều người vẫn thường dùng thuốc diệt cỏ cho tiện, cho nhanh nhưng tôi không bao giờ dùng. Tôi bao giờ cũng nhổ bằng tay, kể cả giờ có tuổi rồi thì vẫn chia ngày, kê ghế để nhổ bình thường. Đặc biệt, nhà tôi cũng nói "không" với thụ phấn cho bưởi. Mọi người hay bảo thụ phấn giúp cây sai quả hơn nhưng làm vậy sẽ khiến bưởi không đặc, kém ngọt. Nói chung số lượng có thể không nhiều nhưng chất lượng thì mình phải đảm bảo".

Hà Nội: Cụ bà 88 tuổi chia sẻ bí quyết trồng bưởi Diễn ngọt lừ, bán giá cao khách cũng đặt mua hết - Ảnh 6.

Phương châm hàng đầu của bà Lộc là "Nói không với các loại hoá chất, chất kích thích". Ảnh: Nguyễn Tùng.

Sinh ra trong một gia đình gốc nông dân với những bài thuốc cây trồng tự nhiên, bà Lộc cho rằng cần tuyệt đối hạn chế việc lạm dụng hoá chất khi trồng bưởi Diễn nói riêng và các loại cây ăn quả khác nói chung. Hằng năm, ngoại trừ những thời điểm cần dùng thuốc trừ sâu như sâu vẽ bùa vào từ tháng 7 đến tháng 9 hoặc ruồi vàng vào khoảng tháng 6, tháng 7 thì hầu như gia đình bà không sử dụng thêm các hoá chất, chất kích thích khác.

Hà Nội: Cụ bà 88 tuổi chia sẻ bí quyết trồng bưởi Diễn ngọt lừ, bán giá cao khách cũng đặt mua hết - Ảnh 7.

Tuy đã ở độ tuổi 88, cụ bà Nguyễn Thị Lộc vẫn thoăn thoắt, bận rộn chăm sóc bưởi Diễn từ sáng sớm đến chiều tối. Ảnh: Nguyễn Tùng.

"Nói thật kỹ thuật trồng bưởi Diễn-đặc sản Hà Nội cũng giống như các cây ăn quả khác, không có gì quá đặc biệt. "Chìa khoá" làm nên vị ngọt của bưởi Diễn thì chắc chắn là đậu tương. Sở dĩ tôi không dùng phân chuồng hay các loại phân hoá chất khác vì phân bón đậu tương này vừa rẻ, vừa đảm bảo dinh dưỡng cho cây. Nếu bón đúng cách, quả bưởi Diễn khi thu hoạch ăn ngọt lừ và mùi rất thơm, không như khi sử dụng các loại phân bón khác", bà Lộc chia sẻ thêm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem